Nhọc nhằn phụ nữ vùng cao

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.500 hộ đồng bào dân tộc Mông, sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương. Dưới mỗi nếp nhà, bao người phụ nữ vẫn đang ngày ngày vất vả mưu sinh. Nhiều người phải gồng gánh trên vai trách nhiệm của người vợ, người mẹ, là lao động chính trong gia đình từ khi còn quá trẻ…

Cụ Hoàng Thị De, 79 tuổi, người dân tộc Mông ở bản Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), từ khi sinh ra đến nay chưa từng một lần đặt chân đến nơi thị thành, chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài ngõ.

Cụ Hoàng Thị De, 79 tuổi, người dân tộc Mông ở bản Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), từ khi sinh ra đến nay chưa từng một lần đặt chân đến nơi thị thành, chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài ngõ.

Lúc tôi còn bé xíu, mẹ thường nhìn tôi thở dài bảo: Phận nữ nhi vất vả trăm đường, vừa phải thực hiện thiên chức người mẹ, vừa phải gồng gánh những lo toan trong gia đình. Khi mang thai, phụ nữ “đèo bòng” suốt 9 tháng 10 ngày, chịu sự đau đớn không gì sánh nổi lúc sinh con, thức khuya, dậy sớm chăm sóc nuôi con khôn lớn. Làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ phải chia sẻ cùng chồng nỗi lo cơm áo; vừa làm việc nước, vừa lo việc nhà… Những lời mẹ nói đã giúp tôi hình dung ra sự vất vả, tảo tần của người phụ nữ Việt Nam. Sau này, đi nhiều nơi, về các bản làng xa xôi, tôi nhận thấy, phụ nữ vùng cao còn vất vả hơn “gấp trăm, gấp nghìn lần” so với suy nghĩ và tưởng tượng của tôi.

Cuộc sống khó khăn, đường đến trường gian nan nên đa số phụ nữ ở các bản làng vùng cao trên địa bàn tỉnh đều nghỉ học từ rất sớm. Có người mới học hết lớp 5, người nào “cự” được cũng chỉ hết lớp 9. Sau một vài năm nghỉ học, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, họ đi lấy chồng và oằn mình với gió sương chồng chất trên vai gầy. Chị Lý Thị Hài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm người Mông Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) trải lòng: Phụ nữ dân tộc Mông chúng mình thường lấy chồng rất sớm. Như ở khu Tam Va này đang có hơn 20 hộ dân thì đa phần phụ nữ kết hôn từ rất trẻ, có người chỉ 15, 16, 17 tuổi đã lấy chồng, sinh con.

Như lâu lắm mới có người chia sẻ, chị Hài trút tâm sự với chúng tôi câu chuyện cuộc đời mình. Chưa tròn 18 tuổi, chị đã về làm dâu nhà người. Sinh liền tù tì hai cậu con trai, mới ngoài 20 tuổi, chị đã đứa địu trên lưng, đứa dắt bên hông để lên nương trồng ngô, trồng sắn. Gánh nặng áo cơm, ban ngày chị làm bạn với nương rẫy, đêm về cặm cụi băm chuối, nấu cám, nuôi lợn, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả trăm bề, đêm ngủ không đủ giấc, ngày chẳng được ăn no. Có những năm trời hạn hán, ngô mất mùa, nhà chị thiếu đói phải trông chờ vào số gạo trợ cấp của Nhà nước. Giờ đây, sắp bước sang tuổi 50, cuộc sống của chị tuy đã vợi bớt khó khăn, hai con đã trưởng thành nhưng chị vẫn làm khoán 2 mẫu ruộng mới có ngô, thóc đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Chị bảo: Cuộc sống của người Mông chúng mình nay đã khấm khá hơn nhưng phụ nữ vẫn phải lo toan nhiều lắm, từ việc nội trợ đến làm ruộng, làm nương… Mong rằng, sau này, lớp trẻ người Mông ở Tam Va sẽ không lấy vợ, lấy chồng sớm mà đi học đến nơi, đến chốn, có công việc ổn định để cuộc sống thật sự ấm no.

Không chỉ lấy chồng từ khi còn trẻ, phụ nữ vùng cao quanh năm vất vả, tảo tần. Những bản người Mông ở huyện vùng cao Võ Nhai như Lũng Hoài, Lũng Luông, Lũng Cà, xã Thượng Nung; Mỏ Chì, xã Cúc Đường; Chòi Hồng, xã Tràng Xá…; hoặc ở các huyện như Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa, nhiều phụ nữ từ khi còn trẻ đến lúc về già vẫn chưa một lần đặt chân về trung tâm thành phố, dù khoảng cách địa lý chỉ hơn 30 cây số. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, ngày tiếp ngày, họ vượt qua những con dốc, gồng mình gùi trên vai những chuyến hàng, trẻ nhỏ lên nương, xuống chợ xã và về bản. Trường hợp cụ Hoàng Thị De, 79 tuổi, người dân tộc Mông ở bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường là một trong những người phụ nữ như thế. Lấy chồng từ khi còn trẻ, sinh liên tiếp 6 người con, cụ De đã phải làm việc quần quật để các con có cái ăn qua ngày. Cuộc sống càng vất vả hơn khi cụ chịu góa chồng ở tuổi 38. Du canh, du cư từ vùng đất này đến vùng đất khác, làm bạn với hết cánh rừng này đến cách rừng kia, năm 1993, cụ De đưa các con về bản Mỏ Chì định canh, định cư. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, cụ De không biết nói tiếng Kinh. Bởi thế, chúng tôi phải nhờ con trai cụ là anh Hoàng Văn Tài làm phiên dịch. Theo lời kể của cụ, làm nương, rẫy bây giờ vất vả một thì mấy chục năm trước vất vả mười. Có những đám nương cách nhà vài cây số, đường đi toàn đèo dốc. Lúc xuống giống đã vất vả, khi thu hoạch, cõng ngô, lúa nương về nhà còn vất vả hơn. Vì vậy, được ăn mặc đẹp, đi ra thành phố chơi là điều xa xỉ. Giờ cụ đã già, lưng còng, sức yếu, cũng không thể đi chơi xa được nữa nên chỉ ngày ngày quanh quẩn trong nhà, ngoài ngõ. Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi chợt nhớ đến câu nói đầy sẻ chia của anh Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường: Cuộc đời người phụ nữ vùng cao gắn liền với “con dốc cuộc đời”. Khi mặt càng gần đất thì tuổi đời càng nhiều thêm và sự nhọc nhằn gắn liền với tấm lưng gồng gánh. Con dốc ấy chứa đựng cả sự hy sinh và tình mẫu tử thiêng liêng.

Lên vùng cao mới thấy được sức bền bỉ, kiên cường của người phụ nữ. Dù phận “liễu yếu đào tơ” nhưng sức lao động chẳng kém gì đấng mày râu. Anh Hoàng Văn Tài thừa nhận: Phụ nữ người Mông chăm chỉ làm lụng nên năng suất lao động của họ cao hơn cả nam giới. Câu chuyện về những phụ nữ ở các bản làng trên “đỉnh núi mờ sương” khiến tôi không khỏi trăn trở, xót xa. Nhưng tôi tin, bằng nghị lực của chính mình, họ sẽ tiếp tục vượt qua tất cả những vất vả, gian nan ấy để hy vọng vào tương lai tươi sáng của con cái và gia đình.

Ghi chép của Huệ Dinh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nhoc-nhan-phu-nu-vung-cao-269583-85.html