Nhói lòng cảnh 10 cụ già mắc bệnh 'xã hội xa lánh', sống chờ chết nơi rừng thiêng nước độc

Ai nấy đều cảm thấy vô cùng xót xa khi chứng kiến 10 cụ già mang bệnh trong người sống côi cút, thiếu thốn ở nơi bỏ hoang đã nhiều năm nay.

Trại phong Đá Bạc thuộc địa phận xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội có lẽ là một địa danh bị rơi vào lãng quên từ lâu. Tuy nhiên nơi đây vẫn còn 10 cụ già bị bệnh phong đang sống tách biệt với cộng đồng. Các cụ đều có chung nỗi bất hạnh khi cả tuổi thanh xuân phải sống trong sự ghẻ lạnh, kỳ thị của mọi người.

Năm 2013, trại phong chuyển cơ sở mới nhưng các cụ xin ở lại. Ở tuổi gần đất xa trời, ai cũng muốn sống trọn vẹn với mảnh đất này, không nỡ để những nấm mồ của những người cùng cảnh ngộ đã khuất được chôn trên đồi kia lạnh lẽo, không người hương khói. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các cụ sẽ không được nhà nước trợ cấp nữa, phải tự đùm bọc nhau sống qua ngày đoạn tháng.

Video: Nước mắt những phận già côi cút trong trại phong bỏ hoang chốn rừng thiêng nước độc.

Trại phong gần như tách biệt với sự náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài. Để vào đây, chỉ có duy nhất con đường đất hiểm trở và heo hút - Ảnh: Trí thức trẻ

Trại phong Đá Bạc được xây dựng từ những năm 1950. Ở đây từng có hơn 100 bệnh nhân sinh sống. Đến năm 2013, khu vực bị xuống cấp trầm trọng nên nhà nước đã tiến hành di dời người bệnh đi nơi khác. Khu vực này bị bỏ hoang hơn 4 năm nay - Ảnh: Trí thức trẻ

Cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, sinh ra tại Gia Lâm - Hà Nội) cho biết mình bị bệnh từ năm 14 tuổi và phải chịu sự hắt hủi, kỳ thị của mọi người. Những ký ức buồn đã đeo bám cụ suốt nửa đời người - Ảnh: Trí thức trẻ

Cụ Liên ở trại phong Nghệ An đến năm 1980 thì được chuyển về trại phong Đá Bạc. Cụ có sinh được một con trai, sau đó cho đi làm con nuôi, tới nay đã có gia đình riêng. Thỉnh thoảng con cháu cũng qua thăm nom cụ - Ảnh: Trí thức trẻ

Thời gian đầu, những vết thương hành hạ cụ dữ dội, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại gần như không còn cảm giác gì nữa - Ảnh: Trí thức trẻ

Chân tay bị dị tật do căn bệnh gây nên khiến sinh hoạt thường ngày của cụ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cụ vẫn cố gắng hết sức để không phải nhờ vả đến ai. - Ảnh: Trí thức trẻ

"Già rồi nên cũng có ăn uống được gì đâu, ngày chỉ nắm gạo và rau cỏ cùng ít đồ ăn là sống qua ngày được rồi. Ở đây ít người lui tới lắm nên cũng buồn, nhiều lúc thèm hơi người, thèm có người nói chuyện lắm", cụ Liên nghẹn ngào nói - Ảnh: Trí thức trẻ

Các cụ ở trại phong cùng chăm sóc một giàn mướp để có thực phẩm ăn qua ngày. May mắn là mướp cụ trông cực kỳ sai quả, còn mang cho những công nhân xây dựng ở gần đó. - Ảnh: Trí thức trẻ

Do cuộc sống lúc nào cũng hiu quạnh, thiếu hơi người nên cụ Liên sắm cho mình một chiếc radio để nghe cho đỡ buồn - Ảnh: Trí thức trẻ

Ngoài ra, cụ Liên còn thường xuyên nghe loa đọc kinh niệm Phật. Những lời răn dạy của Phật khiến cụ cảm thấy thanh thản hơn, tạm quên đi những ký ức kinh hoàng trong quá khứ - Ảnh: Trí thức trẻ

Bà Nguyễn Thị Sợi (73 tuổi, quê gốc tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) cho biết mình bị bệnh năm 17 tuổi. Lúc đó bà bị họ hàng hắt hủi, xa lánh và người dân trong làng đuổi đi. Bà gắn bó với trại phong Đá Bạc đến nay đã 50 năm. - Ảnh: Trí thức trẻ

Bà Sợi cho biết cha mẹ mất sớm, bản thân chỉ có một em gái duy nhất lấy chồng tận miền Tây Bắc nên đã đứt liên lạc mấy chục năm nay - Ảnh: Trí thức trẻ

Những ký ức về việc bị xa lánh, đánh đập, hắt hủi thời trẻ vẫn khiến bà Sợi ám ảnh tới ngày nay. Được sống ở trại phong khiến bà được cười vui và lạc quan trở lại. Dù trại phong được chuyển đi nơi khác, bà vẫn quyết ở lại nơi đây tới khi nhắm mắt xuôi tay. - Ảnh: Trí thức trẻ

Ngoài cụ Liên, bà Sợi tại trại phong bỏ hoang này còn có cụ Oanh, cụ Nga, ông Đón, cụ Tống, ông Thọ, cụ Vui. Đồ ăn thức uống của các cụ đều tự trồng và chăm sóc - Ảnh: Trí thức trẻ

Do người dân đã cởi mở hơn với những bệnh nhân phong nên một số trẻ nhỏ thỉnh thoảng đến chơi với các cụ già. - Ảnh: Trí thức trẻ

10 cụ già trong trại phong hầu như không có người thân thích, phải chịu cảnh cô đơn, hiu quạnh đến cuối đời - Ảnh: Trí thức trẻ

Xót xa hoàn cảnh cô giáo mầm non nhận 1,3 triệu/tháng lương hưu sau 35 năm đi dạy

Đi dạy khi tuổi tròn đôi mươi, sau 35 năm công tác, mức lương hưu cô Huệ nhận được chỉ vỏn vẹn 1,3 triệu đồng/tháng. Đây chỉ...

Xót xa nỗi đau của cô gái xinh đẹp bị cha ruột tạt axit vì đứng lên tố cáo hành vi buôn người

Không chỉ buôn bán các cô gái trẻ trong vùng, người cha còn nhẫn tâm bán cả con gái út mới 16 tuổi của mình cho một người lớn...

Xót xa cảnh người chồng trẻ nằm ôm chặt thi thể vợ không rời trước lúc khâm liệm

Hình ảnh người chồng nằm ôm chặt thi thể vợ đã qua đời trước lúc khâm liệm khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

Hà Hà (Tổng Hợp)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/nhoi-long-canh-10-cu-gia-mac-benh-xa-hoi-xa-lanh-song-cho-chet-noi-rung-thieng-nuoc-doc-119366.html