Nhói lòng những đứa trẻ phải truyền máu suốt đời tại Viện Huyết học và Truyền máu TW

Có lẽ, với những ai đã từng một lần đến Viện Huyết học và Truyền máu TW thì hình ảnh những em bé đang phải điều trị các bệnh về máu tại nơi đây sẽ thật sự khó quên và khiến thổn thức trong lòng.

Viện Huyết học và Truyền máu TW là một trong những bệnh viện có số trẻ em nhập viện đông nhất cả nước và hầu hết, các em thường mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, khó chữa, mà chữa trị thì rất tốn kém tiền bạc và thời gian. Không những thế, phần lớn các em đều đến từ những miền quê nghèo xa xôi hay những vùng núi cao nơi địa đầu Tổ quốc. Có lẽ, với nhiều em, suốt cả khoảng trời thơ ấu, các em đã gắn bó với giường bệnh, với những đợt truyền hóa chất, truyền máu. Mái tóc ngày một ít đi và rồi đến một ngày nào đó không xa, chiếc lược hay chiếc dây buộc xinh xắn đủ màu sắc cũng chỉ là một đồ vật thừa.

Có những em khuôn mặt nhỏ bé đang dần biến dạng, trán dô, mũi tẹt, răng vẩu… Tất cả vì căn bệnh quái ác – căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mà theo các bác sĩ, nếu không được truyền máu và thải sắt, các em sẽ không sống quá 10 năm. Như vậy, khi mắc căn bệnh hiểm nghèo này, các em sẽ phải truyền máu suốt đời.

 Những em bé tại Viện Huyết học và Truyền máu TW không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo phải truyền máu suốt cả cuộc đời. Ảnh Hoàng Dương.

Những em bé tại Viện Huyết học và Truyền máu TW không may mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo phải truyền máu suốt cả cuộc đời. Ảnh Hoàng Dương.

Mùa A Phừ (Trạm Tấu – Yên Bái) năm nay 7 tuổi, từ khi xuống Hà Nội, vào Viện Huyết học và Truyền máu TW điều trị bệnh ung thư, mỗi ngày, Phừ phải uống những viên thuốc hình thoi, hình vuông, hình tròn. Với em, những viên thuốc ấy như là một người bạn đã theo em suốt quãng thời gian hơn 3 năm điều trị. Và những viên thuốc ấy, sẽ còn tiếp tục theo em hàng ngày trong chặng đường kế tiếp mà chưa biết đến khi nào thôi.

Trên bàn tay bé nhỏ của cậu bé luôn thường trực chiếc kim tiêm để các bác sĩ truyền hóa chất, truyền máu theo phác đồ điều trị. Nếu không bị căn bệnh ung thư máu thì có lẽ, giờ đây, Phừ đang cùng những người bạn trong bản có một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười sau giờ giảng bài của cô giáo.

Gặp Phừ tại Viện Huyết học và Truyền máu TW, ánh mắt em sợ hãi, em sợ gặp người lạ, khi được hỏi chuyện em cũng rụt rè, giọng nói của em không còn lảnh lót như lứa tuổi lên 7 nữa mà run run. Cũng bởi, căn bệnh hiểm nghèo đã giày vò em trong từng cơn đau.

Trên tay các em luôn thường trực một chiếc kim tiêm để được truyền máu, truyền hóa chất bất cứ khi nào. Ảnh Hoàng Dương.

Theo anh Mùa A Vang (bố của Phừ), gia đình phát hiện em bị bệnh từ khi em 4 tuổi. Suốt 3 năm nay, hai bố con gắn bó với giường bệnh, với đất thủ đô bó hẹp trong ngôi nhà chung mang tên Huyết học và Truyền máu TW.

Những vất vả, lo âu in hằn trên gương mặt người đàn ông miền núi. Đôi khi những lời hỏi thăm, động viên của mọi người xung quanh hay của những mạnh thường quân đến đây để san sẻ yêu thương cho các em lại khiến gương mặt người đàn ông ấy xuất hiện những giọt nước mặn chát, lăn dài trên má. Dù vậy, với một người cha như anh Mùa A Vang, anh chưa bao giờ nguôi đi hi vọng, sẽ có một ngày Phừ khỏe mạnh và hai bố con cùng trở về mảnh đất Trạm Tấu – Yên Bái để sống một cuộc sống bình yên, để Phừ lớn lên với những có ước mơ như bao đứa trẻ miền núi khác.

Còn với em Hoàng Thị Thương (Đồng Văn - Hà Giang), căn bệnh ung thư quái ác đã khiến em rụng hết sạch tóc. Cả Thương và mẹ của em đều không thông thạo tiếng Kinh nên cũng không thể giao tiếp trôi chảy với mọi người, chỉ biết rằng, gia đình em là người dân tộc Mông, sống ở lưng chừng núi, kinh tế gia đình phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Sau Thương còn 2 em nhỏ nữa. Từ ngày Thương bị bệnh xuống Hà Nội chữa trị, trong nhà có những gì đáng giá nhất cũng đã theo em về xuôi. Hiện giờ ngôi nhà vách đất ở lưng chừng núi nơi em sinh ra có bố và 2 em nhỏ đang sống cùng ông bà đã hơn 70 tuổi. Hàng ngày, mọi người vẫn ngóng tin em qua chiếc điện thoại cũ của mẹ. Nhưng cũng không biết đến bao giờ em mới lại được trở về quê hương khi tóc đã rụng hết và gương mặt đang dần biến dạng.

Những phần quà nhỏ bé giúp động viên tinh thần các em vượt qua những căn bệnh quái ác. Ảnh: Hoàng Dương

Đến Viện Huyết học và Truyền máu TW có thể bắt gặp đầy ắp những hoàn cảnh tương tự như Phừ, Thương ở bất kể phòng bệnh nào. Tại đây, học tập hay vui chơi như bạn bè cùng trang lứa đối với các em đó là giấc mơ quá xa xỉ. Có lẽ, nỗi mong ước giờ lớn nhất chỉ là được khỏe mạnh, là không còn phải hàng ngày tiêm truyền, uống thuốc, là trở về trở về với gia đình, bản làng và người thân. Nhưng niềm mong ước ấy của các em có lẽ sẽ khó thành hiện thực. Bởi các em không may mắn khi sinh ra đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Tuổi thơ của các em gắn liền với giường bệnh, với những đợt truyền hóa chất. Ảnh Hoàng Dương.

Mỗi tuần, tại Huyết học và Truyền máu TW luôn có những đoàn từ thiện đến và sẻ chia những khó khăn của các em nhỏ đang điều trị bệnh nơi đây. Dù rằng, chỉ với những suất cơm bình bình dân, những thùng sữa hay dăm ba bộ quần áo, nhưng đó cũng đủ mang đến cho các em, cho những người cha, người mẹ niềm an ủi. Và họ thấy rằng, mình không lẻ loi.

Mỗi thứ 7, các thành viên nhóm “Mua có tầm – Bán có tâm” của chị Bùi Thị Lý lại tất bật từ 4 giờ sáng để chuẩn bị những suất cơm, canh và sữa mang đến dành tặng cho người nhà, bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu TW.

“Có chứng kiến những mảnh đời, những hoàn cảnh đang điều trị bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu TW thì mới thấy hết được nỗi đau mà các em bé đang gánh chịu. Bên cạnh đó, những người cha, người mẹ của các em, có những người còn rất trẻ đã lặn lội từ những miền quê xa xôi với gương mặt khắc khổ để bên con mỗi ngày mà không biết đến bao giờ con mình mới khỏi bệnh, mới chia tay giường bệnh để trở về nhà. Có chứng kiến tận mắt những câu chuyện về các hoàn cảnh tại đây thì mới thấy, còn quá nhiều người, nhiều hoàn cảnh đang cần, rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia của xã hội để họ có thêm nghị lực và niềm tin chiến đấu chỉ để giành giật lấy sự sống mỗi ngày”, chị Lý nói.

Nhằm san sẻ những khó khăn, vào dịp cuối tuần các CLB thiện nguyện, công ty thường đến Viện huyết học và Truyền máu TW để làm từ thiện bằng việc tặng sữa, phát cơm miễn phí... Ảnh Hoàng Dương.

Những ngày cuối tuần, có thể bắt gặp liên tục những đoàn thiện nguyện đến Viện Huyết học và Truyền máu TW nhằm san sẻ khó khăn cùng người bệnh. Thế nhưng, vẫn thật sự cần, cần nhiều hơn nữa những yêu thương từ mọi người để sẻ chia cùng các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Những sẻ chia của cộng đồng sẽ giúp họ phần nào vơi bớt âu lo, vượt qua cơn đau bệnh tật và hy vọng về một tương lai tươi sáng phía trước.

Hoàng Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhoi-long-nhung-dua-tre-phai-truyen-mau-suot-doi-tai-vien-huyet-hoc-va-truyen-mau-tw-d146025.html