Nhồi máu cơ tim cấp đe dọa nguy cấp tới tính mạng như thế nào?

Các bác sỹ bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã tiến hành cấp cứu thành công một cụ ông 70 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp nhờ vận hành tốt quy trình báo động đỏ toàn bệnh viện.

Bệnh nhân được cấp cứu tích cực

Bệnh nhân được cấp cứu tích cực

Bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn

Bệnh nhân là cụ Lê H. 70 tuổi vào viện lúc 23 giờ 45 phút ngày 1 tháng 1 năm 2020, tại khoa cấp cứu với biểu hiện tức ngực trái, đau thượng vị kèm theo khó thở vã mồ hôi, sau 5 phút nhập viện bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tuần hoàn: mất ý thức, ngừng thở, mạch bẹn khó bắt, điện tâm đồ trên Monitoring: nhịp nhanh thất. Ngay lập tức, kíp trực của khoa cấp cứu tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện chuyển nhịp, kiểm soát hô hấp bằng đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch.

Sau sốc điện 3 lần, bệnh nhân có nhịp trở lại, trên điện tâm đồ là hình ảnh Nhồi máu cơ tim cấp vùng sau dưới. Đồng thời, kíp bác sỹ cấp cứu xin ý kiến trực lãnh đạo, phát động quy trình báo động đỏ: thông báo khoa Điều trị tích cực chống độc, kíp can thiệp tim mạch – khoa Nội Tim Mạch phối hợp cấp cứu.

Sau 20 phút, Huyết áp bệnh nhân 90/60 mmHg dưới tác dụng của thuốc vận mạch, bệnh nhân thở theo máy, khí máu ổn định, điện tâm đồ: rung nhĩ, tần số thất chậm: 38 ck/phút, siêu âm tim: giảm vận động vùng. Các bác sỹ thuộc 3 khoa thảo luận nhanh và đưa đến chẩn đoán cuối cùng, bệnh nhân bị: Ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp sau dưới cần can thiệp cấp cứu.

Cứu sống bệnh nhân nhờ quy trình báo động đỏ

Tại phòng can thiệp, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời nhằm kiểm soát nhịp, sau đó tiến hành chụp mạch vành. Kết quả chụp mạch vành: Huyết khối gây tắc hoàn toàn từ đoạn I động mạch vành phải, tổn thương 80 % động mạch liên thất trước. Kíp can thiệp tiến hành hút huyết khối, can thiệp 1 stent phủ thuốc đoạn I và II động mạch vành phải, chụp kiểm tra lại sau can thiệp: dòng chảy qua stent tốt.

Sau 45 phút, ca can thiệp thành công, huyết áp bệnh nhân được kiểm soát tốt dưới tác dụng của vận mạch (Huyết áp 130/80 mmHg), bệnh nhân thở đều theo máy, nhịp tim hồi phục: tần số thất 80 ck/phút, máy tạo nhịp để chế độ chờ.

Tại khoa, Hồi sức tích cực, bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, sau 24 giờ: hoàn toàn tỉnh táo, không đau ngực, HA: 130/80 mmHg, nhịp tim: 70 ck/phút, rút ống nội khí quản. Sau 30 giờ bệnh nhân chuyển về khoa Nội Tim Mạch theo dõi và điều trị tiếp.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng khoa Tim mạch cho biết: "Bệnh nhân có tiền sử đau ngực trái, tăng huyết áp, gout, điều trị không đều ở nhà đã có nhiều con đau ngực trái nhưng không đi khám. Những bệnh nhân có biểu hiện trên nên đi khám định kì để phát hiện những biến chứng do tăng huyết áp trong đó có biến chứng nguy hiểm là nhồi máu cơ tim."

Tại khoa Nội Tim Mạch bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị nội khoa sau can thiệp, điều chỉnh thuốc chống đông nhằm tránh thuyên tắc stent động mạch vành. Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng và xuất viện tại khoa nội tim mạch sau 6 ngày điều trị.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nhoi-mau-co-tim-cap-de-doa-nguy-cap-toi-tinh-mang-nhu-the-nao-4060250-v.html