Nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn hút tiền, MWG về lại giá 60.000 đồng/cp

Dòng tiền ở trạng thái yếu nên thị trường không có nhiều biến động, tuy nhiên một số cổ phiếu riêng lẻ vẫn thu hút được sự quan tâm với câu chuyện riêng.

Giao dịch sàn HoSE phiên 14/5.

Giao dịch sàn HoSE phiên 14/5.

Phiên 14/5, VN-Index mở cửa hưng phấn với đà kéo của trụ VIC. Cổ phiếu của Vingroup có thời điểm tăng sát trần, sau khi cổ phiếu VFS của hãng xe VinFast cũng có được diễn biến tăng mạnh trên sàn Nasdaq, Mỹ đêm qua (hơn 50%).

Mặc dù vậy, đà tăng của VIC không duy trì được đến cuối phiên nên thị trường cũng giảm nhiệt theo. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 1.243,28 điểm, tăng hơn 3 điểm so với phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM tăng điểm nhẹ.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng, và tiếp tục bán ròng gần 800 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã tâm điểm bán ròng là VHM 148 tỷ đồng, VPB 100 tỷ đồng, HPG 94 tỷ đồng, MSN 77 tỷ đồng, KBC 60 tỷ đồng, TCB 59 tỷ đồng, BID 56 tỷ đồng; CTG, STB, VIC trên 50 tỷ đồng; VCI, VRE, MBB, SSI trên 40 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, MWG vẫn là khẩu vị ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài khi được mua ròng hơn 220 tỷ đồng. Mã được mua ròng mạnh thứ hai là HVN với hơn 60 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VNM, DBC trên 30 tỷ đồng; PVT, NVL, DXG, HCM, DIG trên 10 tỷ đồng…

VN-Index tăng chủ yếu nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình là VIC kết phiên tăng 2,3%. Các bluechip tăng đáng kể khác là BCM +3,9%, MWG +3,1%, VIB +1,9%, VPB +1,6%, GVR +1,6%, VNM +1,1%. Trong đó, MWG chính thức trở lại mốc 60.000 đồng/cp, tăng 25% so với thời điểm giữa tháng 4/2024. Cổ phiếu này vẫn đang được hỗ trợ bởi dòng tiền khối ngoại và kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua vượt kỳ vọng.

Chiều ngược lại, các mã giảm trong VN30 có BID, BVH, MSN, PLX, POW, SHB, SSB, SSI, TCB, VCB, VJC; tuy nhiên các mã điều chỉnh không lớn, giảm mạnh nhất là PLX -2,2%. CTG, GAS, HPG, STB, TPB, VRE đứng tham chiếu.

Nhờ sự tích cực của VIC, BCM, nhóm bất động sản trở thành động lực chính giúp thị trường hồi phục. Các mã tăng đáng kể còn có IDJ tăng trần, SZC +3,1%, AGG +3,7%, DXG +1,5%, SJS +3%... KBC, TCH, NVL, NLG, KOS, CII, CTD, HDC, KHG… tăng nhẹ. Chiều giảm có DIG, PDR, VPI, CEO, HHV, DPG, REE, NTL, KDH, BCG… tuy nhiên mức giảm cũng không đáng kể.

Các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép giảm nhẹ vốn hóa. Tại nhóm ngân hàng, các mã điều chỉnh trong biên độ hẹp. Chiều tăng mạnh nhất là VBB +3,5%. VIB, VPB, PGB, LPB tăng hơn 1%. ACB, HDB, MBB, MSB tăng nhẹ. Chiều giảm sâu nhất là SGB -1,5%.

Nhóm chứng khoán đa số ở chiều giảm và đứng tham chiếu. Giảm mạnh nhất là BVS -2,1%. VND, VIX, VCI, SSI giảm nhẹ. Chiều tăng có BSI, CSI, DSC, HCM, PSI, SBS, SHS, TVS; với TVC tăng mạnh nhất +2,3%.

Đáng chú ý, APS vẫn tăng trần. Hai cổ phiếu cùng “họ APEC” khác là API và IDJ cũng đổ sắc tím. Đây là phiên thứ hai liên tiếp 3 cổ phiếu này đồng loạt “cháy hàng”.

Nhóm cổ phiếu vẫn duy trì sức hút chính là nhóm công nghệ thông tin. FPT và CTR tăng nhẹ, trong khi CMG tím trần, ELC tăng gần 6%. Hai mã này đều chinh phục mức đỉnh mới.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhom-co-phieu-cong-nghe-van-hut-tien-mwg-ve-lai-gia-60000-dongcp-post34604.html