Nhóm dầu khí kéo VN Index đỏ lửa

Chỉ số VN Index tiếp tục có ngày thứ 4 giảm mạnh liên tiếp, trước sự lao dốc mạnh của nhóm ngành khai khoáng khi nhóm cổ phiếu dầu khí chìm sâu, do giá thô rớt mạnh đến 7% vào hôm qua, cũng như những thông tin bắt giữ gần đây.

Thanh khoản vẫn tích cực

Mở cửa đầu đã giảm giảm nhẹ chưa tới 1 điểm, nhưng càng về sau lực bán càng trở nên mạnh mẽ trong bối cảnh chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ. Trong phiên có lúc VN Index giảm mạnh đến 12,7 điểm, rớt xuống mức thấp nhất trong ngày tại 914,55 điểm và không có giây phút nào ghi nhận được sắc xanh.

Dù vậy, về cuối phiên thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại, với lực mua nhảy vào cân bằng và hấp thu tốt khối lượng bán ra. Kết thúc VN Index đóng cửa chỉ còn giảm 8 điểm, tương đương 0,86%, xuống 919,24 điểm. Chỉ số HNX Index giảm nhẹ 0,26 điểm, tương đương 0,25%, đóng cửa tại 104,16 điểm. Chỉ số UPCOM Index nhích tăng nhẹ 0,08 điểm, tương đương 0,15% và kết thúc tại 52,69 điểm.

Trên thị trường châu Á, diễn biến cũng có sự ngược chiều. Chỉ số ASX của Úc giảm mạnh 1,57%, Nikkei của Nhật rớt 0,6%, Shanghai sàn Thượng Hải giảm hơn 1%. Ngược lại, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,8%, chỉ số Hang Seng sàn Hồng Công tăng nhẹ 0,08% và chứng khoán Singapore cũng đóng cửa tăng 0,6%.

Trong phiên hôm nay khối lượng khớp lệnh có sự cải thiện so với ngày hôm qua, khi khớp lệnh hơn 186 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, tương đương tăng 6%%. Điều này cho thấy thanh khoản vẫn khá tích cực bất chấp thị trường điều chỉnh đáng kể gần đây.

Về giao dịch của khối ngoại, sau phiên mua ròng mạnh hôm qua tập trung tại mã PNJ, thì hôm nay nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 156 tỷ trên sàn HOSE. Trên sàn Hà Nội khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp với giá trị hơn 5,7 tỷ và sàn UPCOM mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp hơn 8,5 tỷ.

Các mã bị bán ròng mạnh có CTG hơn 80,7 tỷ, do gần đây ngân hàng này điểu chỉnh giảm mạnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, khiến nhiều nhà đầu tư trở nên lo ngại. Kế tiếp là VHC bị bán ròng 20,2 tỷ, VCB 17,3 tỷ, HPG 17,2 tỷ. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng 11,7 tỷ tại mã PVD khi tranh thủ cổ phiếu này đã liên tiếp giảm mạnh gần đây,

Hầu hết các nhóm ngành đều đóng cửa trong sắc đỏ, với dẫn đầu đà đi xuống là nhóm khai khoáng giảm hơn 3,1%, vật liệt xây dựng giảm 2,9%, bảo hiểm giảm 2,7%, thủy sản giảm 2,3%, ngân hàng giảm gần 1,5%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng gần 2,5% và sản xuất thiết bị, máy móc tăng 1,8%.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh gây áp lực lên thị trường là có HPG giảm đến 4,5%, BVH giảm 3,2%, VNM tiếp tục giảm gần 2%, NVL giảm hơn %, VRE và GAS giảm 1,6%. Trong nhóm ngân hàng có CTG giảm 4,9%, HDB giảm 1,4%, VCB giảm 1,3%, BID giảm hơn 1%.

Nhóm dầu khí giảm mạnh

Trong sự lao dốc hơn 3% của lĩnh vực khai khoáng, nhóm cổ phiếu dầu khí là tác nhân chính kéo lê thị trường, gồm các ông lớn là cổ phiếu PVD giảm 4,53%, PVB giảm hơn 4%, PVS giảm 3,65%. Trong đêm hôm qua, giá dầu thô đã rớt về mức thấp nhất trong 16 tháng qua khi chìm sâu đến 7%. Tính từ đỉnh cao gần đây hồi tháng 10, giá dầu đã mất 40% giá trị.

Diễn biến giá cổ phiếu PVD chịu nhiều áp lực thời gian qua

Việc giá dầu giảm đã gây áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây, khi dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của nhóm này, trong bối cảnh mà nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn chưa thoát khỏi khó khăn trong xu hướng đi xuống của giá dầu nhiều năm qua. Với nguồn cung vẫn dư thừa, thì triển vọng giá dầu đang trở nên bi quan, do đó đầu tư cổ phiếu dầu khí thời điểm này dường như không phải là lựa chọn tốt.

Chẳng những vậy, những thông tin bắt giữ các lãnh đạo trong các doanh nghiệp dầu khí liên tiếp thời gian qua càng làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Tối ngày hôm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP), về việc đơn vị này đã nhận chi lãi ngoài từ OceanBank.

Liên quan đến việc nhận chi lãi ngoài từ OceanBank, mới đây nhất, ngày 10-12, Cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam ông Trương Văn Tuyến - nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn - phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).

Đáng lưu ý ông Khạnh cũng hiện đang là Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD). Trước đó, ông Khạnh cũng đã có thời gian 10 năm làm Tổng giám đốc PVD (giai đoạn 2001 - tháng 8/2010), trước khi được điều chuyển công tác sang PVEP và rồi quay trở lại PVD. Được biết tại thời điểm 30/06/2018, ông Khạnh đang nắm giữ 9,192 cp PVD, và em trai là ông Đỗ Văn Khành cũng nắm giữ 2,400 cp PVD; ngoài ra, con ruột của ông Khạnh là bà Đỗ Hoàng Yến cũng nắm 330 cp PVD.

Phản hồi về thông tin này, theo PVD cho biết thì ngày 30/11/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Đỗ Văn Khạnh và yêu cầu PVD thực hiện các thủ tục bầu Chủ tịch HĐQT mới theo đúng các quy trình và quy định hiện hành. "Việc khởi tố nói trên hoàn toàn không liên quan đến thời gian ông Khạnh làm việc tại PVD từ tháng 12/2015 đến 30/11/2018 và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của PVD" - thông báo nêu rõ.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nhom-dau-khi-keo-vn-index-do-lua-20803.html