Nhóm lợi ích không còn 'thập diện mai phục'

Thời gian gần đây, các nhóm lợi ích, đặc biệt là các ổ 'giun đất' ngày càng lộ diện. Dư luận vừa được biết thêm câu chuyện xôn xao ở Bắc Giang.

Là doanh nghiệp tự đề xuất dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư hơn ngàn tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh được giao thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu ngay sau đó và nhận đối ứng quyền sử dụng hơn 14 ha đất ở ngay tại TP Bắc Giang.

Bất ngờ không, đây là doanh nghiệp liên tiếp trúng hàng chục gói thầu tại Bắc Giang.

Hiện trường thi công cầu Đồng Sơn. (Ảnh: Dân trí)

Cũng tại tỉnh này, sau khi báo chí đăng tải thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản đồng ý cho “mượn” hơn 17 ngàn mét vuông đất thuộc quy hoạch của công viên Hoàng Hoa Thám để xây dựng sân tập golf, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Bắc Giang làm rõ và báo cáo sự việc lên Thủ tướng Chính phủ.

Quốc gia, từng địa phương trong cả nước giống như anh nhà nghèo, cần tiền đã và đang phải “cầm cố” ruộng đất, xẻ vườn, xẻ đất để bán. Bởi đất đai là tài nguyên đặt biệt còn lại cuối cùng của quốc gia.

Vả lại, cổ nhân đã dạy: “Người sinh, đất không đẻ”.

Đất, nhất là loại đất giá trị sinh lời cực lớn ở đô thị đã và đang là “đích ngắm”, sinh ra siêu lợi nhuận cho “cá mập đất”.

Cùng với chính sách, quản lý về đất đai quá xa rời thực tế, lỏng lẻo, không có kỷ cương cũng đã góp phần tạo ra nhiều đại gia tỷ phú nọ, tỷ phú kia - đi lên từ đất.

Thất thoát đất, hư hỏng cán bộ và cái mất lớn nhất là lòng tin của nhân dân. Một thượng tướng, một trung tướng đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật là câu chuyện mới nhất cho thấy đất đã làm hư hỏng cán bộ như thế nào?

Trở lại câu chuyện Bắc Giang (kể cả Hà Nội và khắp các tỉnh, thành), cần đầu tư phải làm BT, BOT... Làm BT ở ta chỉ có lấy đất ra để đổi, còn gì đâu để thanh toán khi được “chuyển giao”?

Vấn đề là phải kiểm soát thế nào để các “ổ giun” không phát tác, “nhóm lợi ích” không hoành hành. Một luật sư về luật pháp đất đai cho rằng, nếu không được kiểm soát đặc biệt nghiêm túc, chặt chẽ thì nhiều khả năng thất thoát của Nhà nước trong dự án BT là thất thoát kép.

Thứ nhất, điều dễ nhận thấy là hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh cho nên không phản ánh theo giá thị trường.

Thứ hai, thất thoát từ đất đai. Một mánh khóe mà các doanh nghiệp nhận được quỹ đất đối ứng để phân lô, bán nền thường dùng để trốn thuế, trục lợi là việc luôn đưa ra 2 giá bán.

Một giá bán đất trên hợp đồng cho khách hàng nhưng một mặt lại đưa ra một giá chênh hơn rất nhiều để thu trên thực tế của người mua. Nhà nước thất thu thuế nghiêm trọng và “đại gia” xuất hiện nhờ thế.

Những quy định lỏng lẻo của luật pháp cùng với sự thiếu minh bạch, phản biện của xã hội dẫn đến lợi ích nhóm và trục lợi đã và đang tiếp tục diễn ra, nhìn đâu cũng thấy, không biết kéo dài đến bao giờ?

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nhom-loi-ich-khong-con-thap-dien-mai-phuc-d72718.html