Nhóm lợi ích 'xẻ nát' khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình 2

Buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, cải tạo, thay đổi kết cấu, công năng và sử dụng mặt bằng sai mục đích đã tạo nên những mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống sinh viên. Đó là những vấn đề nhức nhối đã và đang diễn ra tại Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình 2.

Ký túc xá hiện đại nhất Hà Nội tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận

Ký túc xá hiện đại nhất Hà Nội tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận

Tự ý thay đổi kết cấu, hạ tầng

Với quy mô 16.900m2, bao gồm 5 Đơn Nguyên - (ĐN), mỗi ĐN cao 21 tầng và 1 hầm để xe, Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (viết tắt là: KTX Mỹ Đình 2) được đánh giá là KTX hiện đại nhất Hà Nội. Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, khai thác sử dụng từ tháng 2/2015. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, do chuyển nhượng, cho thuê mặt bằng bừa bãi đã tạo ra nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận.

Tại ĐN3, mặt bằng tầng 1 hiện nay đang bị “xẻ thịt”, thay đổi kết cấu, công năng diễn ra thường xuyên và liên tục khiến cho các công trình được thiết kế, xây dựng phục vụ sinh viên “biến mất”. Đơn cử, tại khu nhà ăn sinh viên tại ĐN3 có diện tích hàng trăm mét vuông, hiện nay đã được cải tạo, thay đổi kết cấu, công năng thành siêu thị Vinmart. Trước đó không lâu, mặt bằng này cũng bị “bóp méo” xây dựng thành Trung tâm tư vấn, tuyển dụng FPT.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt bằng tại ĐN3 do Công ty CP Đầu tư và Thương mại 299 (viết tắt là: Công ty 299) quản lý và sử dụng. Việc này xảy ra khi Ban Quản lý (BQL) nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) ký kết các hợp đồng liên kết kinh doanh, quản lý mặt bằng với Công ty 299. Điều đáng nói, kể từ khi Sở Xây dựng liên kết với Công ty 299 thì các vấn đề bất cập bắt đầu nảy sinh.

Sở dĩ, xảy ra những bất cập trên là do việc cho thuê lại để thu tiền chênh lệch, việc sử dụng ở tầng 1 của các tòa nhà cũng không đúng như thiết kế ban đầu đã làm công năng của tòa nhà đảo lộn. Công năng tòa nhà với các tiện ích được TP. Hà Nội phê duyệt để phục vụ sinh viên học tập, rèn luyện bị đảo lộn để phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ.

Một sinh viên đang sinh sống ở KTX Mỹ Đình 2 chia sẻ rằng: “Khi vào ở KTX bọn em được BQL mời chào với hàng loạt các tiện ích như nhà ăn, phòng Internet, phòng GYM… nhưng thực tế vào ở thì không có. Như ở tòa ĐN3 mình ở không có phòng ăn, trong khi KTX không cho nấu ăn trong phòng. Mỗi khi đi ăn cả phòng lại phải ra ngoài khu khác ăn”.

Ngoài ra, việc thay đổi công năng, kết cấu còn ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Bởi KTX Mỹ Đình 2 chưa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) nên việc cải tạo, xây dựng, thay đổi công năng càng khiến cho hoạt động PCCC có nhiều bất cập hơn.

Tại mặt bằng tầng 1 đơn nguyên, khu vực phòng máy internet đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trần nhà bị ngấm nước, bong tróc

Có dấu hiệu lừa đảo?

Năm 2015, khi KTX Mỹ Đình vừa đi vào hoạt động, Công ty CP 299 đã bán hàng trăm mét vuông quyền sử dụng mặt bằng tầng 1 tại ĐN 3 cho một số cá nhân, tổ chức vào kinh doanh. Trong khi đó, mặt bằng kinh doanh tại KTX Mỹ Đình 2 không được mua bán, trao đổi, sử dụng trái mục đích ban đầu.

Bà Đặng Thị Việt Hồng - một trong những người mua hơn 300m2 quyền sử dụng mặt bằng ở ĐN3 cho biết, qua một số mối quan hệ cá nhân, bà được ông Nguyễn Đình Vượng - Giám đốc Công ty CP 299 mời chào mua mặt bằng tại đây. Để “lách” các quy định của pháp luật, ông Vượng đã nhận của bà Hồng hơn 4 tỉ đồng, rồi sau xây dựng một hợp đồng cho thuê theo đơn giá của UBND TP Hà Nội nhằm hợp lý hóa việc mua bán quyền sử dụng.

Cụ thể, bà Hồng và Công ty 299 cùng ký kết Hợp đồng giao dịch số 1068/HĐKIOT/299 ngày 15/5/2015 giữa Công ty 299 (bên A) và bà Đặng Thị Việt Hồng (bên B) với các thỏa thuận như: đơn giá thuê mặt bằng 100 nghìn đồng/m2/tháng (cao hơn đơn giá của UBND TP Hà Nội là 87 nghìn đồng/m2/ tháng), thời hạn hợp đồng từ ngày 15/6/2015 đến ngày 9/02/2030.

Điều đáng nói, để dẫn dụ bà Hồng bỏ hơn 4 tỉ đồng mua mặt bằng, Giám đốc Công ty 299 còn xây dựng thỏa thuận cho phép bà Hồng mở cửa hàng “cầm đồ và tín dụng” giữa khu KTX Mỹ Đình 2, một việc vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Khi phát hiện ra mình bị lừa, bà Hồng đã đòi lại tiền và yêu cầu bồi thường 2 tỉ đồng theo cam kết hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty 299 không những không trả mà còn gây ra nhiều “sóng gió” để ép bà Hồng phải rời khỏi khu KTX.

“Vì nhỡ đầu tư mua sắm trang thiết bị vào mặt bằng quá nhiều nên tôi tiếp tục kinh doanh để gỡ vốn. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tôi không thu hồi lại được vốn mà thường xuyên bị ông Vượng – Giám đốc Công ty 299 o ép, đe dọa, tìm cách chiếm đoạt tiền, lấy lại mặt bằng đã bán bằng những trò vô liêm sỉ như cắt điện, cắt nước. Hiện nay, các quán internet của tôi cũng đã bị Công ty 299 cắt điện hơn 3 tháng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tôi đã tố cáo nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa một cơ quan chức năng, quản lý nào xử lý dứt điểm được”, bà Hồng nói.

Ban Quản lý “bất lực”

Để giải quyết tranh chấp, ngày 11/1/2019, BQL Nhà ở và Công sở cùng đại diện Công an quận Nam Từ Liêm, UBND quận Nam Từ Liêm đã tiến hành cuộc họp giải quyết vướng mắc trong công tác khai thác diện tích mặt bằng tại ĐN3. Tại đây, sau khi lắng nghe các ý kiến, trình bày của các bên, đại diện BQL Nhà ở và Công sở đã yêu cầu Công ty 299 phải mở khóa, cấp lại điện cho các ki-ốt của bà Hồng, tuy nhiên, Công ty 299 “bất tuân thượng lệnh”.

Ngày 28/1/2019, BQL Nhà ở và Công sở ra Văn bản số 89/ TB-BQL đề nghị Công ty CP 299 cấp lại điện kinh doanh cho các ki-ốt tại ĐN3 trước ngày 31/1/2019. Trong thời gian 15 ngày, Công ty 299 không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc nêu trên, BQL sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền niêm phong các ki-ốt tại ĐN3. Tuy nhiên, Công ty 299 vẫn “bất tuân thượng lệnh”.

Ngày 21/2/2019, BQL Nhà ở và Công sở tiếp tục ra Công văn số 123/BQL-QL-VH1 đề nghị Công ty 299 cấp lại điện cho diện tích kinh doanh dịch vụ tại ĐN3 trước ngày 25/2/2019. Công văn cũng nêu rõ, nếu Công ty 299 vẫn không chấp hành, BQL sẽ thu hồi ủy quyền quản lý và sử dụng hệ thống điện của đơn vị. Thế nhưng, một lần nữa Công ty 299 vẫn không chấp hành các quyết định của BQL Nhà ở và Công sở. Điều này cho thấy, Công ty 299 coi thường các quyết định hành chính, bất chấp các quy định của pháp luật.

Thượng tá Nguyễn Dũng – Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết: “Công an quận đã tiếp nhận sự việc này. Sau khi kiểm tra làm rõ, không nhận thấy dấu hiệu vi phạm hình sự nên không khởi tố vụ án. Riêng về việc phải cấp điện trở lại nhằm đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi đã đề nghị BQL và Công ty 299 phối hợp cấp điện trở lại. “Việc này, trách nhiệm chính là của BQL Nhà ở và Công sở”, Thượng tá Nguyễn Dũng nói.

Ông Đỗ Văn Sâm – Trưởng phòng Quản lý Vận hành 1 – BQL Nhà ở và Công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Chúng tôi đã nắm được sự việc Công ty 299 cải tạo, thay đổi công năng mặt bằng tầng 1, ĐN3 và đã cho kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, ông Sâm cũng cho rằng, sắp tới Ban sẽ có đề xuất để “hợp lý hóa” việc thay đổi công năng, kết cấu cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, ông Sâm cũng cho biết, đã yêu cầu Công ty 299 chấm dứt việc cắt điện các cửa hàng internet, tuy nhiên đơn vị này vẫn không đồng ý.

Như vậy, có thể thấy vai trò quản lý KTX Mỹ Đình 2 – công trình của Nhà nước nhưng đã không còn “nằm trong tay” của BQL Nhà ở và Công sở. Tất cả đã được giao phó cho một doanh nghiệp liên kết với những hoạt động bất chấp pháp luật, phá hoạt, “xẻ nát” KTX Mỹ Đình 2.

S.Nguyễn – V.Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nhom-loi-ich-xe-nat-khu-nha-o-sinh-vien-my-dinh-2-442421.html