Nhóm người giả công an lừa 700 triệu của 3 cụ già hơn 80 tuổi lĩnh án

Các đối tượng gọi điện thoại giả công an để thông báo tài khoản liên quan đến tổ chức phạm tội, sau đó lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại (là 3 cụ bà hơn 80 tuổi) số tiền hơn 700 triệu đồng.

Ngày 9/5, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với nhóm bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm: Lê Văn Trình (SN 1975), Nguyễn Đình Quang (SN 1994), Đào Viết Điệp (SN 1990) đều trú ở huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tuyên phạt các bị cáo: Lê Văn Trình mức án 16 năm tù, Nguyễn Đình Quang mức án 14 năm 6 tháng tù về cả 2 tội danh bị truy tố.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9/5.

Riêng bị cáo Đào Viết Điệp bị tuyên phạt mức án 2 năm tù về tội "Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo cáo trạng, cuối năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội, một số người nhận được cuộc gọi lừa đảo với chiêu thức giả danh cán bộ công an, thông báo tài khoản của người bị hại liên quan đến tổ chức phạm tội.

Các đối tượng yêu cầu người bị hại chứng minh việc không liên quan đến tội phạm bằng việc chuyển tiền có trong tài khoản đến tài khoản mà chúng chỉ định rồi chiếm đoạt tiền của người do cả tin.

Trong đó, bị hại là 3 cụ bà hơn 80 tuổi đã chuyển hơn 700 triệu đồng vào tài khoản các đối tượng.

Sau khi nhận được tiền từ những người bị lừa, nhóm bị cáo chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác mà mình đang quản lý để chia nhỏ dòng tiền, tránh việc bị phát hiện, phong tỏa tài khoản, rồi rút tiền mặt tại cây ATM, giữ lại phần tiền theo tỷ lệ phần trăm thỏa thuận.

Cáo buộc thể hiện, khoảng tháng 9/2020, Trình nhận được cuộc gọi của Nguyễn Thị Hằng (49 tuổi, ở Quảng Ninh) đang bị truy nã về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Lúc này, Hằng bảo Trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền bẩn do các đối tượng phạm tội mà có, sau đó rút tiền mặt, chuyển vào các tài khoản khác theo yêu cầu sẽ được hưởng 20%/số tiền chuyển vào tài khoản.

Sau đó, Trình cùng Nguyễn Đình Quang và Đào Viết Điệp tìm mua chứng minh nhân dân (CMND) loại 9 số rồi bóc ảnh thật trên CMND của mình để dán vào CMND mua được để mở tài khoản.

Các số tài khoản này sau đó được gửi cho Tuấn Anh để trao đổi, phối hợp chuyển, nhận số tiền đã chiếm đoạt được.

Việc ăn chia đối với số tiền được Tuấn Anh cắt lại, Trình thỏa thuận cho Quang 25% số tiền được hưởng, cho Điệp từ 1-2 triệu đồng/mỗi lần rút tiền thành công.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhom-nguoi-gia-cong-an-lua-700-trieu-cua-3-cu-gia-hon-80-tuoi-linh-an-169240509192024879.htm