Nhóm người Kurd bất ngờ 'hóa thù thành bạn' với chính phủ Assad

Quyết định đột ngột này đã khiến 'bàn cân' trên chiến trường Syria đảo chiều trong mối tương quan lực lượng giữa các phe phái. Sau nhiều năm nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ để đối đầu với phe chính phủ, nhóm người Kurd đã cùng Assad bắt tay hợp tác vì một nhà nước phân quyền Syria.

Đi đến đàm phán với phe chính phủ

Vừa qua, lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã bàn bạc kỹ lưỡng và đi đến quyết định hợp tác với chính phủ Syria nhằm tạo lập một nền chính trị kiểu mới ở nước này với 2 đặc trưng là dân chủ và phân quyền. Trước đó, nhóm người Kurd nắm quyền kiểm soát hơn 1/4 chủ quyền lãnh thổ Syria và duy trì quyền tự trị của mình.

Vào năm 2015, lực lượng Dân chủ Syria được thành lập nhằm bảo vệ người dân lãnh thổ vùng Tây Bắc và phản kháng trước sự giết chóc tàn bạo của các nhóm cực đoan trong đó có Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS.

Sau năm 2011, đất nước Syria bỗng chốc trở thành chiến trường khói lửa vô cùng ác liệt chưa có hồi kết giữa 4 phe bao gồm: Chính phủ Assad, Tổ chức Hồi giáo tự xưng IS, nhóm người Kurd và quân nổi dậy.

Nhóm người Kurd bất ngờ "hóa thù thành bạn" với chính phủ Assad khiến cho chiến trường Syria đảo chiều trong mối tương quan lực lượng giữa các phe phái.

Trong khi Tổng thống Assad được phía Nga hậu thuẫn thì nhóm người Kurds được Mỹ chi viện trực tiếp trên chiến trường. Bởi vậy, ngay sau khi được thành lập với lực lượng chủ yếu là Kurds, SDF hoàn toàn nhận được viện trợ của Mỹ với các loại vũ khí trang bị hiện đại.

Với "cái bóng" của Mỹ yểm hộ đằng sau, Lực lượng Dân chủ Syria ngày càng chứng tỏ được tầm ảnh hưởng của mình và mở rộng vùng kiểm soát tại Syria một cách nhanh chóng. Cụ thể, nhóm này nắm giữ hơn 30% chủ quyền lãnh thổ Syria, trong đó bao gồm rất nhiều khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt vô cùng lớn.

Các đảng chính trị của người Kurds cũng gây áp lực đối với chính phủ Syria, buộc Tổng thống Assad phải công nhận quyền tự trị của họ trên chính lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, điều này thực sự không làm chính quyền Assad hài lòng và tán đồng.

Thế nhưng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có động thái can thiệp vào diễn biến vốn đã vô cùng căng thẳng và phức tạp ở Syria. Hơn nữa, phía Nhà Trắng cũng có những tuyên bố đả kích nhắm vào kế hoạch quân sự của SDF.

Thậm chí, sau Hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki, Mỹ và Nga đã bắt đầu manh nha một mối quan hệ hòa hữu hơn sau khi Đảng Cộng Hòa lên nắm quyền. Điều này chắc chắn sẽ đẩy cục diện ở Syria đi theo một chiều hướng khác. Vô cùng nhiều yếu tố đan xen đã đẩy nhóm người Kurd phải suy nghĩ về tương lai của mình và đưa ra một quyết định thực sự đúng đắn.

Không còn nền tự trị dưới cái tên Kurds

Ông Marwan Kabalan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ả-rập, đã đưa ra một số nhận định về tình hình chung liên quan tới thỏa thuận này.

Một mặt, ảnh hưởng bởi lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhóm người Kurd phải tìm phương án phòng vệ cho chính mình nếu không muốn bị tấn công. Đây là nguyên nhân thúc đẩy SDF quay trở về với "sự bảo bọc" của Damacus sau khi đã khước từ bấy nhiêu năm qua để đòi hỏi sự tự trị.

Trái lại, cũng chính vì sự tự trị ấy đã khiến nhóm người Kurd lo ngại bởi chính phủ Assad sẽ kiên quyết không công nhận và sẵn sàng tước đi nếu như nhóm người Kurd thực sự muốn hợp tác.

Diệc nhu

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nhom-nguoi-kurd-bat-ngo-hoa-thu-thanh-ban-voi-chinh-phu-assad-a379739.html