Nhóm nhạc cụ gõ “Pháo Hoa”: Có được bài học về sự hòa nhập và sáng tạo

(HNM) - Từ ngày 22-3, nhóm nhạc cụ gõ "Pháo hoa" đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với 4 đại diện: Doãn Mai Hương, Nguyễn Duy Anh, Mạc Thăng Long, Vũ Nguyên Anh đã có những buổi biểu diễn, trao đổi, thử nghiệm cùng các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia Liên hoan Âm nhạc bộ gõ quốc tế 2010 (Cracking Bamboo) tại Viện Goethe Hà Nội. Hànôịmới có cuộc trò chuyện với nhóm nghệ sĩ này trước 2 đêm công diễn chính thức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 26 và 27-3.

Nhóm nhạc cụ gõ “Pháo hoa” biểu diễn. - Một liên hoan âm nhạc bộ gõ với những người nghệ sĩ nổi tiếng đến từ cả châu Âu và châu Á, cơ hội nào đưa các bạn đến góp vui với Cracking Bamboo? - Đây là sự may mắn đối với chúng tôi, những sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia cùng cả nhóm. Bởi thầy chúng tôi là PGS-NSƯT Vũ Chí Nguyện (Phó GĐ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã rất tích cực tham gia tổ chức sự kiện này. Thầy giới thiệu để cho những người trẻ như chúng tôi thể hiện tài năng và giao lưu với bạn bè quốc tế. - Nhóm mang đến liên hoan nhạc cụ gõ gì? - Các thành viên đều có thể chơi được mọi nhạc cụ trong bộ gõ. Tuy nhiên, chúng tôi chọn đàn Marimba, một nhạc cụ gõ truyền thống của Nga, được nhiều nghệ sĩ biết và chơi. Lần đầu tiên đến với Cracking Bamboo, những người trẻ chúng tôi muốn gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm chơi Marimba từ các nghệ sĩ nổi tiếng. - Các bạn học được gì trong những ngày "gặp gỡ" vừa qua? - Chúng tôi học được cách "đẩy" cảm xúc vào tiết mục của mình từ các nghệ sĩ biểu diễn trống của Inđônêxia, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ. Họ diễn có hồn và chính cảm xúc ấy làm nên những sáng tạo trong âm nhạc. Cách cầm dùi của các nghệ sĩ người Ba Lan khá thú vị và linh động. Họ cầm dài hơn, tự do hơn và vì thế có thể chơi 6 dùi cùng một lúc. Chắc sau liên hoan này chúng tôi sẽ thử nghiệm. - Liệu nhóm có thay đổi gì trong chương trình công diễn sắp tới? - Riêng bản hòa nhạc "Búp bê" chúng tôi chọn biểu diễn trong 2 đêm chính thức khó và có tiết tấu nhanh hơn rất nhiều bản Concerto của Mozar vừa qua. Với lại, những ngày được luyện tập và học hỏi về sự hòa nhập cùng sáng tạo trong âm nhạc từ bạn bè quốc tế đã đem lại hứng khởi và chúng tôi háo hức thể hiện mình trong chương trình tới. - Các bạn tham gia những tiết mục "gặp gỡ" giữa nhạc cụ gõ của Đông Nam Á và châu Âu chứ? - Chúng tôi đã cử đại diện nhóm tham gia các tiết mục kết nối giữa âm nhạc châu Âu và Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á bằng nhạc cụ gõ sở trường của mỗi bên. Hy vọng đến ngày công diễn, chúng tôi sẽ đưa ra "hương vị" âm nhạc hoàn toàn mới mà rất hài hòa cho khán giả. Mọi người đón chờ nhé! - Những nghệ sĩ của các nước châu Âu nổi tiếng là có nhiều "phá cách" trong âm nhạc. Lần này các bạn thấy ở họ có điều gì thú vị? - Ồ, họ thật tuyệt vời với những sáng tạo âm nhạc gõ đáng kinh ngạc. Nghệ sĩ Murat Coskun của Thổ Nhĩ Kỳ dùng những đồng xu lớn cùng xúc xắc và trống tấu lên bản nhạc rộn ràng. Tay violon người Đức Simon Rummel thay vì dùng đàn, đã lấy cây vĩ kéo vào quạt điện tạo nên âm điệu khác lạ. Có nghệ sĩ còn cầm kèn thổi vào trống hay đập vào thùng nước gỗ để thể hiện ý tưởng âm nhạc của mình... - Cảm ơn và hy vọng được đón xem các tiết mục thú vị của "Pháo hoa" trong chương trình sắp tới!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/van_hoa/317270/nhom-nhac-cu-go-phao-hoa-co-duoc-bai-hoc-ve-su-hoa-nhap-va-sang-tao.htm/