Nhu cầu chip toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt

Tăng trưởng doanh số chip của thế giới đã giảm tốc trong sáu tháng liên tiếp, một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang căng thẳng dưới sức ép của đà tăng lãi suất và các rủi ro địa chính trị đang leo thang. Tình trạng thiếu chip trong lĩnh vực máy tính và smartphone đã dịu lại đáng kể, nhưng nguồn cung chip ô tô được dự báo còn căng thẳng trong vài tháng tới.

Nhân viên kỹ thuật làm việc ở một nhà máy đóng của Công ty dịch vụ kiểm tra đóng gói chip Unisem ở Ipoh, Malaysia. Ảnh: Reuters

Doanh số chip tương quan chặt chẽ với sức khỏe kinh tế thế giới

Dữ liệu công bố trong tuần này của Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn (SIA), có trụ sở ở Washington (Mỹ), cho thấy doanh số chip thế giới tăng 13,3% trong tháng 6 so với một năm trước đó, lên mức 50,8 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng này giảm so với mức tăng 18% trong tháng 5 và đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp suy giảm, mạch giảm tăng trưởng dài nhất kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra vào năm 2018.

Triển vọng của kinh tế thế giới nhanh chóng xấu đi trong năm nay, đúng lúc doanh số chip bắt đầu chậm lại. Diễn biến của doanh số chip được xem là chỉ báo của sức khỏe kinh tế thế giới.

Dữ liệu theo dõi của Bloomberg Economics cho thấy đồ thị đường trung bình động 3 tháng của doanh số chip toàn cầu tương quan chặt chẽ với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong những thập niên gần đây.

Nhu cầu chip suy yếu giữa lúc các mối ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các nhà sản xuất chip như Samsung Electronics phải cân nhắc thu hẹp các kế hoạch đầu tư

Chip là linh kiện quan trọng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi rất nhiều doanh nghiệp và trường học chuyển sang mô hình làm việc và học hành từ xa.

Doanh số chip bắt đầu hạ nhiệt khi các ngân hàng trung ương trên thế giới chạy đua tăng lãi suất để chống lại lạm phát, đồng thời cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 kéo dài ở Trung Quốc đã khiến triển vọng kinh doanh của ngành chip đảo ngược nhanh chóng.

Dữ liệu thương mại từ Hàn Quốc, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cũng cho thấy những dấu hiệu về sự suy yếu của nhu cầu chip trên thị trường quốc tế. Tăng trưởng xuất khẩu chip của Hàn Quốc giảm xuống mức 2,1% trong tháng 7 so với mức 10,7% trong tháng 6. Đây là tháng thứ tư liên nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu chip suy giảm. Lượng chip tồn kho ở Hàn Quốc trong tháng 6 cũng tăng mạnh nhất trong hơn sáu năm.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Đài Loan, nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Hoạt động sản xuất công nghiệp của Đài Loan suy giảm trong tháng 6 và tháng 7, với đơn hàng xuất khẩu mới suy giảm mạnh nhất.

Hồi giữa tháng 7, Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới, cảnh báo về tình trạng “tồn kho quá mức” ở các khách hàng của họ sẽ xuất hiện trong thời gian còn lại của năm nay và lâu hơn nữa.

Tăng trưởng xuất khẩu suy yếu ở Hàn Quốc và Đài Loan, hai nhà xuất khẩu chip hàng đầu thế giới toàn cầu, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do tác động dai dẳng của các đợt bùng phát Covid-19. Trong tháng 7, hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ suy giảm trong tháng 7 đồng thời doanh số bất động sản ở nước này tiếp tục giảm.

Tại Mỹ, tăng trưởng GDP đã giảm trong hai quí liên tiếp, một tình trạng được xem là suy thoái kỹ thuật dù Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) bác bỏ điều này. Tại châu Âu, hoạt động của các nhà máy cũng sụt giảm trong tháng 6, càng làm u ám thêm triển vọng tăng trưởng của châu lục này và thế giới nói chung.

Tình trạng thiếu chịp đã dịu lại ở lĩnh vực PC và smartphone

Các nhà quan sát thị trường rằng thị trường chip đã đi qua đỉnh cao trong chu kỳ bùng nổ hiện tại, thường diễn ra 3-4 năm một lần. Nhu cầu các sản phẩm chip sử dụng cho smartphone và máy tính cá nhân (PC) bị tác động đầu tiên khi lạm phát khiến người tiêu dùng trên khắp thế giới hạn chế chi tiêu.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong quí 2, doanh số smartphone toàn cầu giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của IDC cũng cho thấy doanh số PC toàn cầu giảm 15% trong quí vừa qua.

Tháng trước, hãng nghiên cứu thị trường Gartner hạ dự báo tăng trưởng doanh thu chip toàn cầu trong năm nay từ 13,6% xuống còn 7,4%. “Nhu cầu các sản phẩm chip nhớ và giá của chúng đã giảm xuống, đặc biệt là trong các lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng như PC và smartphone”, Gartner cho biết.

Hãng chip Intel (Mỹ) ghi nhận quí đầu tiên lỗ ròng kể từ năm 2017 trong quí 2-2022 do nhu cầu chip PC suy giảm. Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, nói: “Một số khách hàng lớn nhất của chúng tôi đang giảm lượng hàng tồn kho với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong thập niên qua”.

Song tình trạng khan hiếm chip sử dụng cho ô tô, thiết bị công nghiệp và trung tâm dữ liệu được dự báo sẽ còn kéo dài cho đến cuối năm nay. Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đã thông báo cắt giảm sản lượng xe toàn cầu của hãng 18% trong tháng 8 so với kế hoạch ban đầu do thiếu chip và các đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc.

Kenji Yamaguchi, Chủ tịch Fanuc (Nhật Bản), nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết: “Sự cân bằng cung cầu đối với các linh kiện nói chung đang thắt chặt và chip là điểm nghẽn lớn nhất”.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhu-cau-chip-toan-cau-tiep-tuc-ha-nhiet/