Nhu cầu điện tuần 20 đã bớt căng thẳng

Thống kê thực tế cho thấy, nhu cầu điện tuần 20 (từ 13-19/5) đã giảm so với tuần trước, giảm so với kế hoạch tháng 5/2024.

Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy, trong tuần 20 năm 2024 (từ 13-19/5), sản lượng trung bình ngày của hệ thống là 906.6 tr.kWh, thấp hơn so với tuần trước khoảng 3 tr.kWh, thấp hơn so với phụ tải tháng 5 khoảng 7 tr.kWh.

Trong đó, phụ tải miền Bắc ghi nhận đạt 414 tr.kWh, thấp hơn 22.5 tr.kWh so với phụ tải tháng 5, cao hơn 0.6 tr.kWh so với kế hoạch (KH) năm; Phụ tải miền Trung ghi nhận đạt 84.4 tr.kWh, thấp hơn 0.5 tr.kWh so với PT tháng 5, cao hơn 0.7 tr.kWh so với KH năm; Phụ tải miền Nam + EDC ghi nhận đạt 408.1 tr.kWh, cao hơn 15.9 tr.kWh so với PT tháng 5, cao hơn 16.1 tr.kWh so với KH năm.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11.4% so với cùng kỳ năm 2023 (Trong đó, miền Bắc tăng 11.5%, miền Trung 9.6%, miền Nam 11.7%).

Mặc dù vẫn duy trì ở mức cao, song với việc quản lý điều hành linh hoạt hệ thống điện, tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.

Trong tuần 20, việc cung cấp điện được đảm bảo

Trong tuần 20, việc cung cấp điện được đảm bảo

Để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế, cơ quan điều điều độ hệ thống điện quốc gia đã huy động linh hoạt các nguồn điện. Trong đó huy động tất cả các tổ máy điện than, tuabin khí (theo khả năng cấp khí) và tiết kiệm triệt để nguồn nước thủy điện, nhất là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc.

Cụ thể, trong tuần, sản lượng thủy điện khai thác trung bình 141.0 tr.kWh, thấp hơn 17.9 tr.kWh so với phụ tải (PT) tháng; EVN cũng đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để giữ mực nước hồ tối đa, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm, đảm bảo cung cấp điện năm 2024.

Đối với nguồn điện than, sản lượng điện khai thác trung bình 576.4 tr.kWh, cao hơn 27.3 tr.kWh so với PT tháng. Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống và không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.

Đối với nguồn điện khí, sản lượng khai thác trung bình 77.8 tr.kWh, thấp hơn 7.9 tr.kWh so với PT tháng 5 vì để đảm duy trì lượng khí LNG còn lại phục vụ vận hành các ngày tải cao trong các ngày từ nay đến ngày 05/6/2024. Các tổ máy huy động để đảm bảo khả dụng nguồn, đáp ứng nhu cầu phụ tải, tiết kiệm thủy điện và chế độ lưới điện cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống cấp khí. Đặc biệt, trong tuần qua tiếp tục huy động các tổ máy Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 4 sử dụng khí LNG để tăng khả dụng nguồn và hỗ trợ tiết kiệm thủy điện miền Bắc.

Đối với nguồn năng lượng tái tạo, đã huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống. Sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 94.9 tr.kWh, trong đó nguồn gió là 15.7 tr.kWh.

Huy động nguồn năng lượng tái tạo tuần 20

Về vận hành lưới điện truyền tải 500kV vẫn theo trào lưu từ Trung ra miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Ghi nhận mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan - Nghi Sơn - Hà Tĩnh và cung đoạn Trung - Nam (cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 23.2 - 56 tr.kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.659 MW).

Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong tuần 21, tình hình thời tiết sẽ dễ chịu hơn do có mưa rào. Do đó, hệ thống điện vẫn đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên vẫn cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhu-cau-dien-tuan-20-da-bot-cang-thang-321605.html