Nhu cầu gọi xe tăng đột biến, giá ứng dụng gọi xe tăng cao vào giờ cao điểm

Nhiều người dùng cho biết gặp khó khăn qua các ứng dụng gọi xe nhất là vào giờ cao điểm, khi không thể tìm kiếm tài xế. Điều này khiến cho giá dịch vụ tăng cao hơn.

Nguyễn H. Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hẹn gặp khách hàng thời điểm 11 giờ trưa nhưng đã hơn 10 phút chưa thể đặt được xe vì không có tài xế nhận chuyến. Minh mở 2 ứng dụng cài đặt trên điện thoại cùng lúc để tìm tài xế. Nhưng cũng phải sau vài lần nhẫn nại tìm kiếm đã có xe nhận chuyến đón khách với giá cước tăng lên đáng kể.

Là người thường xuyên di chuyển bằng dịch vụ gọi xe vì sự tiện dụng, nhanh gọn nhưng Minh cho biết gần đây việc gọi xe rất khó khăn. “Không hiểu lý do vì sao gần đây gọi xe khó, nhất là vào những giờ cao điểm. Đã chấp nhận giá cước tăng cao so với thông thường nhưng nhiều khi cũng phải chờ rất lâu mới có xe hoặc tài xế đã nhận nhưng lại hủy chuyến. Đó là chưa kể những ngày mưa tôi không thể gọi được xe”, Minh nói.

Không chỉ H. Minh, nhiều nhân viên văn phòng thường xuyên sử dụng các ứng dụng gọi xe để di chuyển, giao đồ hay đặt đồ ăn cũng cho biết gặp phải tình trạng tương tự, dù chi phí dịch vụ đã tăng lên so với trước đây.

Nhu cầu đi lại tăng vào giờ cao điểm khiến giá dịch vụ tăng. Ảnh minh họa: Duy Vũ

Nhu cầu đi lại tăng vào giờ cao điểm khiến giá dịch vụ tăng. Ảnh minh họa: Duy Vũ

Trong khi đó, nhiều tài xế hiện nay không còn mặn mà cày các cuốc, các chuyến xe, nhất là trong giờ cao điểm, khi xăng tăng giá khiến cho chi phí tăng lên đáng kể.

P. Giang, một tài xế GrabCar cho biết trong những ngày gần đây lượng khách hàng tăng hơn so với trước đó. Theo chia sẻ, trung bình mỗi ngày anh chạy từ 20 – 25 cuốc xe. Trong đó, lượng khách gọi tập trung vào giờ cao điểm. Theo chia sẻ của anh Giang, nhiều ứng dụng gần đây tăng thưởng chuyến để khuyến khích tài xế chạy nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp không còn cày nhiều như trước đây nữa. “Điều kiện thưởng không dễ, chi phí tăng cao hơn, nhất là vào giờ cao điểm thì tắc đường, kẹt xe nên cũng không thể chạy nhanh. Vì thế nếu tính ra chi phí nhận về cũng không cao hơn là bao”, anh Giang nói. Trên các hội, nhóm, một số tài xế xe công nghệ chia sẻ không còn thường xuyên mở ứng dụng vào giờ cao điểm dù giá cước tăng khi cân đối các khoản thu nhập về tay.

Chia sẻ với ICTnews, phía Gojek Việt Nam cho biết, hãng ghi nhận nhu cầu đi lại của người dùng từ đầu năm đến nay liên tục tăng.

“Tại một số khung giờ cao điểm, nhu cầu của người dùng tăng cao đột biến, do đó có sự mất cân bằng giữa cung và cầu”, phía Gojek nói.

Do đó, hãng gọi xe cho hay đã và đang theo dõi các biến động thị trường để có giải pháp điều chỉnh mức giá cũng như phân bổ nguồn cung phù hợp.

Đại diện một ứng dụng gọi xe, giao hàng khác cũng cho biết, nhu cầu đi lại cũng như giao hàng gần đây liên tục tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều người dùng khó gọi xe và mức giá chênh cao hơn vì tính toán dựa trên cung – cầu.

Giải đáp lo ngại về việc các tài xế công nghệ “rời bỏ cuộc chơi”, đại diện Gojek cho biết nguồn cung tài xế của Gojek vẫn duy trì ở mức ổn định. "Hiện, Gojek vẫn liên tục tuyển dụng đối tác tài xế mới để đảm bảo nguồn cung, phục vụ nhu cầu người dùng. Với chính sách ưu đãi và chương trình phúc lợi, lượng tài xế mới đăng ký trở thành đối tác tài xế của Gojek tiếp tục tăng đều".

Ứng dụng này cho biết, luôn khuyến khích các đối tác tài xế hoàn thành tốt các đơn hàng và duy trì hiệu suất để đạt được doanh thu tốt nhất, cũng như đảm bảo nguồn cung phục vụ người dùng. Việc các đối tác hoạt động ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung - cầu, từ đó giúp ổn định mức giá cho người dùng và tránh ảnh hưởng đến khả năng nhận đơn hàng mới của đối tác tài xế.

Ứng dụng gọi xe be hiện cũng tiếp tục duy trì nhiều chính sách hấp dẫn đối với các tài xế ở tất cả các mảng dịch vụ. Còn về phía khách hàng, ứng dụng này duy trì mức cước ổn định để giữ chân khách.

Duy Vũ

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/nhu-cau-goi-xe-tang-dot-bien-gia-ung-dung-goi-xe-tang-cao-vao-gio-cao-diem-411937.html