Nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới đối với gạo Thái Lan

Ngày 7/6, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ đạt từ 600.000 đến 650.000 tấn trong tháng 5 theo các hợp đồng đang chờ xử lý, trong bối cảnh nhu cầu gạo tăng cao và đồng baht suy yếu.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt xấp xỉ khoảng 1,14 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt xấp xỉ khoảng 1,14 tỷ USD.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu 2.291.916 tấn gạo với giá trị khoảng 39,44 tỷ baht (khoảng 1,14 tỷ USD), lần lượt tăng 52,7% và 36,4% so cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù vậy, chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, Thái Lan đã xuất khẩu 548.636 tấn gạo trị giá 9,97 tỷ baht, giảm 15,3% và 10,0% so với tháng trước đó. Cụ thể, giá gạo Thái Lan trong nước tăng đã tác động lên giá xuất khẩu khiến các nhà nhập khẩu gạo trì hoãn việc mua và giao hàng. Ngoài ra, cũng do giá gạo tăng, Thái Lan chỉ xuất khẩu khoảng 199.939 tấn gạo trắng và 94.572 tấn gạo hấp trong tháng 4, giảm lần lượt 35% và 18,9% so với tháng 3/2022. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Jasmine của Thái Lan đã tăng 4,6% so với tháng trước, đạt 149.594 tấn, do nhu cầu của các nước Trung Đông tăng cao.

Trong diễn biến liên quan, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Thái Lan và Việt Nam đang xem xét khả năng hợp tác cùng nhau để tăng giá gạo nhằm nâng cao khả năng “mặc cả” trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Thanakorn, hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm thúc đẩy an ninh lương thực để tăng giá trị nông sản và trao quyền cho các hợp tác xã nông nghiệp ở cả hai nước. Thái Lan được biết đến với các hợp tác xã nông nghiệp cùng mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” và Việt Nam sẽ cử cán bộ đi nghiên cứu các hợp tác xã ở Thái Lan. Ông Thanakorn cho biết, cuộc thảo luận nhằm mục đích để hai nước xuất khẩu gạo lớn tăng giá gạo nhằm tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu sau hơn 20 năm giá thấp.

Thái Lan cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ thành lập Hội đồng Cao-su ASEAN để thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ ngành cao-su. Ngoài ra, Việt Nam được yêu cầu xúc tiến việc cấp phép nhập khẩu xoài và chôm chôm từ Thái Lan theo thỏa thuận của hai nước vào năm 2016, cũng như nhập khẩu gà giống và trứng từ Thái Lan. Ông Thanakorn cho biết, hai bên nhất trí rằng, các vấn đề này sẽ được thảo luận thêm tại một cuộc họp về vệ sinh và kiểm dịch thực vật.

Theo ông Thanakorn, hai bên cũng đang xem xét tăng cường hợp tác về hậu cần nông nghiệp để bảo đảm vận chuyển an toàn các sản phẩm dễ hư hỏng trên đường bộ và đường biển giữa Thái Lan, Lào và Việt Nam sang Trung Quốc và các nước khác.

Theo ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, giá gạo trên thị trường toàn cầu đã ở mức thấp khoảng 300-400 USD/tấn trong hơn 20 năm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng. Ông Alongkorn cho rằng nếu Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, cùng hợp tác để nâng giá gạo, thì hai nước sẽ có nhiều quyền thương lượng hơn để kiểm soát thương mại gạo toàn cầu và nông dân trồng lúa sẽ kiếm được nhiều thu nhập hơn.

TUẤN ANH (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/nhu-cau-tang-cao-tren-thi-truong-the-gioi-doi-voi-gao-thai-lan-700543/