Nhu cầu tiêm vắc-xin phòng cúm mùa tăng cao

Thời điểm này, tại một số tỉnh, thành phố, dịch cúm A đang bùng phát, vì vậy nhu cầu tiêm vắc-xin phòng cúm của người dân tăng cao.

Theo quan sát của phóng viên, sáng 30/7, các phòng tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn thành phố Lào Cai đón tiếp nhiều người dân đến tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Bác sỹ Trần Thị Lệ Hằng, Phòng tiêm chủng vắc-xin An Khang (phường Bắc Cường) cho biết: Trong tháng 7, người dân đến tiêm vắc-xin phòng cúm tăng cao so với tháng trước. Ngày 29/7, chúng tôi đã tiêm cho 30 người lớn và trẻ em. Người dân đi tiêm nhiều hơn vào cuối tuần. Trong sáng 30/7, chúng tôi đã tiêm 20 liều vắc-xin. Hiện nay, phòng tiêm phục vụ hai loại vắc-xin phòng cúm là Influvac Tetra của Hà Lan (tiêm cho trẻ từ 3 tuổi và người lớn), vắc-xin Vaxigrip Tetra của Pháp (tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn).

Tại Phòng tiêm chủng vắc-xin Thành Công (phường Bắc Cường) cũng có đông người lớn và trẻ em đến tiêm phòng, trong đó đa số tiêm vắc-xin phòng cúm. Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Vi-rút cúm thường xuyên biến đổi, mỗi năm thường xuất hiện các chủng vi-rút cúm mới, bởi vậy biện pháp tốt nhất để phòng bệnh và giảm các hậu quả nghiêm trọng của bệnh cúm là tiêm vắc-xin định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh khác như rèn luyện sức khỏe, ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc với người đang mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc ở tổ 20, phường Bắc Cường có 6 thành viên cùng đi tiêm vắc-xin. Chị Ngọc chia sẻ: Tôi đọc được thông tin về dịch cúm A đang gia tăng ở nhiều tỉnh. Đây lại là bệnh truyền nhiễm nên vợ chồng tôi đưa bố mẹ và các con cùng đi tiêm để phòng bệnh. Hy vọng nếu có mắc cúm thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

Chị Trần Tuyết Nga (phường Bắc Lệnh) cũng đưa con trai 5 tuổi đến tiêm phòng. Chị cho biết con trai đã mắc cúm A và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, sau điều trị đã ổn định nhưng vẫn cho con đi tiêm vắc-xin để phòng ngừa những chủng cúm khác.

Nhiều đơn vị cũng đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng cúm mùa cho người lao động. Như tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh, bên cạnh triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì năm 2022 đã có 100 cán bộ y tế, người lao động được tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Điều dưỡng Trương Thị Liên cho biết, do thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy được tiêm vắc-xin phòng cúm giúp bản thân yên tâm làm việc hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 2.000 ca mắc cúm, giảm hơn 1.000 ca so với cùng kỳ năm trước. Bệnh cúm mùa thường xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa thu - đông, đỉnh dịch là khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Tuy nhiên, năm nay bệnh cúm đến sớm ngay trong hè và diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh do vi-rút cúm gây ra, rất dễ lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp của người mang bệnh. Vi-rút cúm luôn biến đổi và gây nhiều hệ lụy kèm theo như nhiễm khuẩn do phế cầu, viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não... Đặc biệt, các biến chứng cúm hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người hơn 65 tuổi và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính là tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan....

Hiện nay chưa có thuốc điều trị hữu hiệu bệnh cúm, vì vậy tiêm chủng là “lá chắn thép” - biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và những biến chứng của cúm. Vắc-xin phòng cúm không chỉ quan trọng với trẻ em mà còn đặc biệt cần thiết với phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính. Có 4 loại vắc-xin phòng cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là vắc-xin Vaxigrip Tetra của Pháp và GC Flu Quadrivalent của Hàn Quốc ngừa 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người già; vắc-xin Influvac Tetra của Hà Lan ngừa 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi đến người già và vắc-xin Ivacflu-S của Việt Nam ngừa 3 chủng, tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vắc-xin phòng cúm được tiêm 1 năm 1 lần. Nếu đã mắc cúm, người dân vẫn nên tiêm phòng bởi khi mắc, cơ thể chỉ đáp ứng miễn dịch với một chủng vi-rút mà vi-rút cúm lại có rất nhiều chủng khác nhau.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358983-nhu-cau-tiem-vacxin-phong-cum-mua-tang-cao