Nhu cầu vàng là có thật, nhưng không phải yếu tố gây sốt

Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với thế giới cuối tuần qua là 15-16 triệu đồng/lượng, dù đã hạ nhưng là một mức chênh không tưởng khiến nhu cầu mua vàng liên tục sục sôi. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là chênh lệch giá vàng do cầu vượt cung hay vì một lý do nào khác?

Chênh lệch giá vàng do cầu vượt cung hay vì một lý do nào khác?

Dạo quanh thị trường

Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhu cầu mua sắm vàng trên thị trường khá sôi động theo đà tăng sốc của giá vàng thế giới. Theo ghi nhận của ĐTTC tại TPHCM, người dân có xu hướng tập trung đông để chờ mua bán vàng tại trụ sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3). Còn những điểm kinh doanh vàng khác như DOJI, PNJ, Mi Hồng, người mua không nhộn nhịp bằng, thậm chí nhiều nơi trong tình trạng vắng vẻ.

Có mặt tại trụ sở SJC sáng 15-5, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người đang xếp hàng chờ mua vàng miếng. Theo thông báo của nhân viên SJC, mỗi khách lẻ được mua 1 lượng vàng miếng SJC. Việc giới hạn số lượng dẫn đến nhiều người có nhu cầu mua nhiều hơn phải gọi điện nhờ người thân, người quen đến cùng xếp hàng để có thêm suất mua, cũng khiến nơi này trở nên đông đúc hơn.

Trải nghiệm từ việc đăng ký mua 1 lượng vàng miếng SJC cho thấy, thời gian chờ hoàn tất thủ tục (lấy số thứ tự, chuyển khoản, chờ ra hóa đơn và ký tên, nhận vàng miếng) khoảng một tiếng. Do hạn chế số lượng, cộng với nhiều thủ tục và SJC chỉ bán trong giờ hành chính, nên dù người đông nhưng ước tính lượng vàng miếng bán ra sáng 15-5 cũng không quá cao. Chỉ có một vài khách hàng liên hệ đặt cọc từ nhiều ngày trước và hẹn ngày đến lấy mới được mua 10-20 lượng.

Quan sát cho thấy, chủ yếu người dân mua vàng, hiếm có người bán ra. Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Tuyết (quận 8), cho biết lúc vàng ở vùng giá 70 triệu đồng/lượng, chị có vay mượn người thân 6 lượng vàng miếng SJC. Nay đến hạn trả, giá cao vẫn phải mua vì đã có giao hẹn “mượn vàng phải trả vàng”. Tuy nhiên, người trẻ như chị đi mua vàng có vẻ không nhiều. Nhóm khách hàng chiếm số đông vẫn là những người lớn tuổi, vì họ tin rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá.

Trong lúc ngồi chờ đến lượt, ông Nguyễn Thanh Sơn (quận 5), chia sẻ đã có thói quen mua vàng tích trữ từ nhiều năm nay, vì vừa giữ được tài sản bên mình, nhiều năm qua cho thấy giá vàng có xu hướng tăng theo thời gian, nên tích lũy vàng không sợ bị mất giá. Khi được hỏi sau khi mua, vàng lại giảm mạnh thì sao? Ông Sơn cho biết mua chỉ để dành chứ không có ý định chờ giá lên bán đi. Trừ khi có việc hữu sự cấp thiết cần tiền mới phải đem vàng đi bán, còn với việc cưới hỏi, cho tặng con cháu, ông đều có thể dùng vàng miếng hay vàng nhẫn để cho mà không cần bán ra.

Một số khách hàng lớn tuổi khác cũng có tâm lý tương tự. Có người mua nhiều có người mua ít, nhưng tựu chung là mua vàng cất trữ dự phòng, khi ốm đau không cần vay mượn hay phiền hà con cháu. Và nguyên nhân đi xếp hàng chờ mua vàng lúc này là “nghe nói giá sẽ tăng hơn nữa, càng mua chậm giá càng cao hơn”.

Vàng tăng sốc có phải do người mua?

Câu chuyện về giá vàng nóng lên trong suốt 2 tháng qua, bởi vàng miếng SJC liên tục phá đỉnh, kích thích nhu cầu mua vàng của người dân. Chính phủ liên tục chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở lại đấu thầu vàng, nhưng giá vàng vẫn không ngừng tăng cao. Quốc hội mới đây cũng thể hiện sốt ruột với sự “nhảy múa” của giá vàng.

“Chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo ngành ngân hàng quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay giá vàng vẫn không giảm. NHNN đưa ra đấu thầu, nhưng giá vàng vẫn liên tục lập đỉnh” - đây là vấn đề đặt ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và cũng là thắc mắc của thị trường đang cần lời giải đáp.

Thực ra, vàng SJC tăng giá cũng đúng, vì ảnh hưởng từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh. Cùng lúc, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu… khiến vàng trở nên hấp dẫn. Thế nhưng, phải chăng vàng SJC đang sốt ảo khi có thời điểm vọt lên 92 triệu đồng/lượng? Doanh nghiệp nói giá tăng vì thiếu nguồn cung, nhưng NHNN tổ chức đấu thầu 7 phiên thì có 3 phiên không thành công do không đủ số lượng thành viên tham dự.

Mặt khác, đã có 27.200 lượng vàng miếng được cung ứng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu thành công. Thế nhưng, vàng miếng bán ra tại SJC lại từ mức 83,5 triệu đồng trước ngày đấu thầu đầu tiên tăng lên 92,4 triệu đồng vào ngày 10-5, và hiện bám chặt mốc 90 triệu đồng/lượng.

Theo chia sẻ của một chuyên gia vàng, người dân luôn cần tích lũy, vàng là hình thức tích lũy tốt nhất, vàng miếng SJC là vàng thương hiệu quốc gia độ tin cậy cao dẫn đến việc mong muốn mua, tích lũy. Mặt khác, lâu nay doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng cung không có nhưng cầu luôn có, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, khiến giá vàng SJC tăng.

Thực tế cũng thấy, sau các phiên đấu thầu, vàng được tung ra thêm nhưng giá không giảm mà còn tăng. Việc giá vàng lập đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng càng củng cố tâm lý kỳ vọng tăng của thị trường. Thậm chí, nhiều người còn dự báo vàng thế giới sẽ còn tăng nên vàng trong nước có thể tăng lên 100 triệu đồng/lượng. Thói quen của người Việt Nam với vàng xưa nay là giá tăng sẽ đổ xô đi mua.

Câu hỏi đặt ra nếu nhu cầu của thị trường, sức mua của người dân không đến mức gây sốt giá vàng, thì liệu giá vàng có đang bị “bàn tay” đầu cơ, thao túng? Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo số 221/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo NHNN, về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời, chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định.

YÊN LAM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nhu-cau-vang-la-co-that-nhung-khong-phai-yeu-to-gay-sot-post114145.html