Nhức nhối kim cương máu

Việc buôn bán kim cương bất hợp pháp đã tài trợ cho các cuộc chiến tranh tàn khốc, chết chóc và vi phạm nhân quyền trong nhiều thập niên. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Nguồn lực chiến tranh

Kim cương đã tài trợ cho các cuộc chiến tranh tàn khốc ở các quốc gia như Angola, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia và Sierra Leone, khiến hàng triệu người bị chết hoặc phải rời bỏ nhà cửa. Đây là một trong những lý do khiến chúng được mệnh danh là "kim cương máu" (blood diamonds).

Khoảng 20% tổng sản lượng kim cương sản xuất ở Angola trong những năm 1980 đã bị rao bán bất hợp pháp, 19% khác bị tranh chấp trong điều kiện tự nhiên.

Global Witness là tổ chức đầu tiên khiến thế giới chú ý đến vấn đề này. Báo cáo A Rough Trade, phát hành năm 1998 của họ đã phơi bày vai trò của kim cương trong việc tài trợ cho cuộc nội chiến ở Angola. Theo đó, sau khi độc lập vào tháng 11-1975, Angola vẫn chìm trong nội chiến giữa 3 tổ chức MPLA, UNITA và FNLA cho tới năm 2001.

Từ 1992-1998, vi phạm thỏa thuận Bicesse 1991, UNITA (Liên minh Quốc gia về độc lập toàn Angola) đã bán số kim cương trị giá 3,72 tỷ USD, lấy tiền nuôi phiến quân chống chính phủ. Báo cáo nêu rõ các hoạt động bí mật của ngành kim cương thế giới, thúc đẩy các chính phủ và lãnh đạo ngành công nghiệp khai khoáng hành động để loại bỏ kim cương máu, hay kim cương xung đột, khỏi thị trường toàn cầu.

Sau đó, năm 1998 Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua 2 điều luật 1173 và 1176 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về cấm buôn bán kim cương có nguồn gốc tranh chấp từ Angola. Bất chấp quyết định của LHQ, UNITA vẫn bán kim cương. Đại sứ Canada Robert Fowler đã được giao nhiệm vụ đi điều tra sự việc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2000, ông viết bản báo cáo Fowler nổi tiếng, nêu tên nhiều quốc gia, tổ chức và nhân vật có liên quan tới đường dây buôn bán này. Bản báo cáo phơi bày mối quan hệ mật thiết giữa các đường dây kim cương buôn bán bất hợp pháp với các cuộc tranh chấp ở các nước lục địa đen.

Trong khi đó, ở Sierra Leone năm 1991, thủ lĩnh Mặt trận Cách mạng Thống nhất (RUF) Foday Sankoh đã gây nội chiến để chiếm đoạt các mỏ kim cương. Cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm, được ghi nhận là một trong những thảm kịch của lịch sử nhân loại. Trẻ con bị bắt cóc, cho hút ma túy và biến thành sát thủ.

Phụ nữ bị hãm hiếp, bắt làm nô lệ. Người dân phải khai thác mỏ dưới họng súng, bị đánh đập tàn nhẫn và bị xử bắn bất cứ lúc nào. Trong suốt cuộc chiến này, Tổng thống Liberia Charles G. Taylor đã giúp RUF chuyển kim cương sang các thị trường quốc tế để đổi súng đạn. Tại thời điểm này, lượng “kim cương máu” xuất ra chiếm đến 4% sản lượng kim cương trên toàn thế giới. Năm 2001, LHQ can thiệp chuyện mua bán kim cương ở Liberia, Taylor bị lật đổ, bị đi đày sang Nigeria và trở thành tội phạm chiến tranh.

Vi phạm nhân quyền

Global Witness đã ghi nhận các liên kết giữa nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác được giao dịch quốc tế và xung đột, vi phạm nhân quyền trên toàn cầu. Lợi nhuận từ kim cương đã giúp tài trợ cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), khiến hàng trăm ngàn người phải rời khỏi nhà cửa.

Tại Zimbabwe, sự liên kết giữa các công ty khai thác hoạt động trong khu vực Marange và các thành viên của quân đội, cảnh sát, làm dấy lên mối lo ngại về việc kim cương được sử dụng để tài trợ cho các vi phạm nhân quyền.

Theo đó, các nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt của nước này đã khai thác các mỏ kim cương của đất nước bằng bạo lực. Cuối năm 2008, quân đội Zimbabwe chiếm quyền kiểm soát mỏ, đuổi hàng chục ngàn người khai thác lậu ra khỏi đây. Khoảng 200 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Chưa kể nạn đánh đập người lao động và sử dụng lao động trẻ em.

Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) và Tổ chức Giám sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW), cho biết rất nhiều trẻ em đang bị bóc lột sức lao động trong những mỏ khai thác kim cương ở CAR. Hình ảnh những đứa trẻ mới lên 10 lao động quần quật trong mỏ khai thác kim cương, khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền phải lên tiếng. Báo cáo của AI cho thấy, bức tranh thị trường kim cương toàn cầu "ngập trong máu" vì bóc lột sức lao động của trẻ em ở độ tuổi thiếu niên, trong điều kiện vô cùng nguy hiểm và độc hại.

Theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế công bố vào năm 2010, nhiều lao động trong những mỏ khai thác kim cương bị bóc lột thậm tệ, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm và kiệt sức. "Nhiều lao động chết vì bị sập hầm mỏ. Không ít nô lệ thời hiện đại và gia đình đã rời khỏi làng của mình để sống trong các trại tạm gần khu hầm mỏ - nơi họ dễ mắc bệnh sốt rét và nhiều căn bệnh khác do môi trường sống quá ẩm ướt" - báo cáo của tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết thêm.

Quy trình Kimberley

Những vấn đề nhức nhối liên quan đến khai thác kim cương đã được cộng đồng quốc tế chú ý. Một chương trình chứng nhận của chính phủ quốc tế, được gọi là quy trình Kimberley (Kimberley Process), đã được thiết lập để ngăn chặn việc buôn bán kim cương xung đột. Quy trình này được đưa ra vào năm 2003, yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập hệ thống kiểm soát xuất nhập khẩu đối với kim cương thô. Hơn 75 quốc gia sản xuất, kinh doanh và sản xuất kim cương trên thế giới tham gia chương trình này.

Việc thiết lập quy trình Kimberley được nhìn nhận là bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại vấn nạn kim cương máu. Tuy nhiên, nó có một số hạn chế, như định nghĩa hẹp về kim cương xung đột là viên kim cương thô được sử dụng bởi các phong trào phiến quân tài trợ cho các cuộc chiến chống lại chính phủ hợp pháp. Do định nghĩa hẹp này, quy trình Kimberley không được trao quyền để giải quyết phạm vi rủi ro rộng hơn đối với quyền con người bị xâm phạm do buôn bán kim cương, như những gì đã được ghi nhận ở Zimbabwe hay CAR.

Các nước liên quan đã liên tục từ chối mở rộng định nghĩa này, bất chấp áp lực từ một loạt tổ chức xã hội dân sự. Vì thế, dù đã cấm vận kim cương có nguồn gốc từ CAR năm 2013, kim cương xung đột có nguồn gốc từ các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang nơi đây vẫn vươn ra các thị trường quốc tế. Vì quy trình Kimberley chỉ áp dụng cho kim cương thô, một khi đá được cắt và đánh bóng, chúng không còn bị hạn chế bởi quy trình này.

Những lỗ hổng trong quy trình Kimberley và việc không thích ứng hiệu quả để giải quyết các mối quan tâm nhân quyền rộng lớn hơn, có nghĩa kim cương liên quan đến lạm dụng vẫn đang làm ô nhiễm thị trường toàn cầu. Những lo ngại dai dẳng và chưa được giải quyết về những vấn đề này, đã khiến Global Witness từ chức với tư cách người quan sát chính thức của quy trình Kimberley năm 2011. Việc này cho thấy quy trình Kimberley không thể làm sạch ngành kim cương.

Cần kiên quyết hơn

Global Witness cho rằng để loại bỏ kim cương máu hiệu quả, thế giới không chỉ cải cách KP, mà cần thay đổi hành vi của chính mình để đảm bảo kim cương có nguồn gốc và giao dịch có trách nhiệm. Theo đó, các công ty liên quan đến buôn bán kim cương phải hành động cẩn thận.

Họ phải kiểm tra chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo chúng không tạo điều kiện cho việc buôn bán kim cương liên quan đến vi phạm nhân quyền và các tác hại khác, để đảm bảo rằng những viên kim cương này không xâm nhập thị trường toàn cầu. Sau đó, họ phải báo cáo về những nỗ lực của họ. Quá trình này, được gọi là sự "chuỗi cung ứng chu tất", là điều cần thiết để chấm dứt buôn bán kim cương liên quan đến lạm dụng.

Hiện nay, Canada là nước đi tiên phong trong việc thiết lập ra chương trình chứng nhận riêng của mình. Chương trình này cung cấp bản xác nhận của chính phủ Canada trên tất cả loại kim cương được khai thác từ mỏ, cắt và đánh bóng trên địa phận Canada, nhất là ở lãnh thổ phía Tây Bắc. Từng viên sẽ được soi bằng tia laser, xem xét và lưu lý lịch lại trong một ngân hàng dữ liệu.

Dù vậy, thực tế đáng buồn là kim cương máu hiện vẫn đang có mặt ở khắp nơi.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/nhuc-nhoi-kim-cuong-mau-70569.html