Nhức nhối nạn 'cát tặc' đục khoét sông Hồng

Diện tích đất bãi bồi đã bị ăn sâu vào phía bên trong 150m, đất cát bị kéo tụt xuống sông để lại mũi kè nằm chênh vênh trên mặt nước nguy cơ sạt kè chỉ còn tính bằng thời gian…

Nuôi trồng thủy sản hay làm cát?

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc 2 mũi kè Trung Hà đang đứng trước nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào bởi hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Hồng. Liên tiếp trong thời gian gần đây, người dân ở nhiều thôn của xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ sự bức xúc và nỗi bất an vì tình trạng khai thác cát của doanh nghiệp và các hộ dân làm sạt lở bãi sông và nguy cơ phá hủy các công trình khác trên địa bàn.

Bờ kè thôn Năm vẫn an toàn nhưng bờ kè thôn 2 đang nguy hiểm (Ảnh Đào Tấn).

Dù tình trạng khai thác cát ở đây đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc, kiểm tra nhưng hiện vẫn diễn biến phức tạp. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng khai thác cát thời gian gần đây diễn ra bất kể ngày hay đêm.

Nhiều loại phương tiện tham gia gây tiếng ồn, sạt lở ngày một tiến sâu vào bãi bồi, ảnh hưởng tuyến kè chống sạt lở được xây dựng trước đó. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và quyết tâm cao sẽ kéo theo hàng hoạt các hệ lụy, những vấn đề tiêu cực khó lường.

Công ty Hoàng Phát Thủ Đô là một trong hai đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát sỏi tại địa phận xã Trung Hà. Nhưng gần khu vực mỏ cát mà Công ty Hoàng Phát Thủ Đô được cấp quyền khai thác xuất hiện thêm nhiều tàu lạ hút cát ở địa phương và ở nơi khác tới hút trộm cát.

3 bến cát tự phát mọc trên bãi bồi xã Trung Hà (ảnh Đào Tấn)

Đơn cử như trường hợp 3 bến cát tự phát đã thuê đất tại khu vực bãi bồi giáp mũi kè thôn 2 được UBND xã Trung Hà cho thuê đất với mục đích nuôi trồng thủy sản. Thực tế, 3 chủ cát này sử dụng sai mục đích thuê đất và thay bằng làm cát sỏi.

Trao đổi về vấn đề này ông Trần Ngọc Thạch – CT UBND xã Trung Hà được biết: “Ba hộ dân tại khu vực kè thôn 2 được UBND xã Trung Hà cho thuê đất với mực đích là để nuôi trồng thủy sản. Thời gian thuê là 5 năm bắt đầu từ tháng 1/2017 đến năm 2022. Mục đích là tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế…”.

Khi được hỏi về việc cho thuê đất UBND xã Trung Hà có báo cáo UBND huyện, tỉnh Vĩnh Phúc không thì ông Thạch cho biết, cái này xã tự cho thuê và không báo cáo.

Qua điều tra của phóng viên, 3 hộ dân được UBND xã Trung Hà thuê gồm hộ ông Trần Văn Sách, Đỗ Văn Cừ và Nguyễn Văn Thạch. Ba hộ dân này được UBND xã Trung Hà cho thuê đất tại khu vực thôn 2 chia làm 3 ô liền nhau và giáp mũi kè. Trên bãi bồi chỉ có một con lạch nhỏ nhưng với danh nghĩa làm nuôi trồng thủy sản, cả ba hộ dân thay vì nuôi cá mà chuyển sang làm cát.

Chỉ từ tháng 1/2017 đến nay, khu vực kè thôn 2 đã nhanh chóng biến thành khu tập kết cát số lượng lớn và nằm chọn trong diện tích của 3 hộ dân này. Thậm trí, một hộ dân còn xây nhà trên nền cát được san gạt thành bãi tập kết cát sỏi này.

Nhức nhối nạn "cát tặc" trên sông

Được biết, bờ kè xây dựng từ năm 1996 đã bị kéo tụt xuống sông do hoạt động khai thác cát trái phép. Ngay sau đó, dự án này được xây dựng và thay thế bằng dự án kè do Ngân hàng Thế giới đầu tư năm 2011. Dự án mới hoàn thành năm 2014 nhưng đang có dấu hiệu hư hại nếu không có biện pháp can thiệp và ngăn chặn kịp thời của cơ quan chức năng.

Trong cuộc gặp mặt đối thoại về vấn đề khai thác cát xã Trung Hà ngày 3/5/2017 gồm đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô, UBND xã Trung Hà, đại diện cho các hộ dân xã.

Khu vực bờ kè thôn 2 là xuất hiện 3 bến cát tự phát. (ảnh Đào Tấn)

Đại diện cho Công ty khai thác là ông Nguyễn Tuấn Vĩ, Chủ tịch HĐQT Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô giải thích rằng: “Phía công ty luôn thực hiện đúng quy định về hoạt động khai thác cát, những thông tin cho rằng công ty làm sai trái quy định là sự "chụp mũ, là sự hiểu lầm" và theo ông Vĩ tại địa bàn xã Trung Hà và vùng lân cận có rất nhiều tàu hút cát của người dân tại địa phương. Sự hoạt động, đi lại của các tàu thuyền khai thác cát ở gần mỏ cát công ty được cấp là có và thẩm quyền quản lý thuộc về ngành chức năng, chính quyền địa phương”.

Hoạt động vận chuyển và khai thác cát diễn ra nhộn nhịp tại vị trí kè thôn 2 (ảnh Đào Tấn).

Cũng về vấn đề này, ông Trần Minh Dương, Trưởng phòng khoáng sản, Sở Tài nguyên và môi trường Vĩnh Phúc khẳng định: “Việc khai thác cát ngoài phạm vi cho phép là khai thác trái phép. Tuy nhiên việc phát hiện và xử lý các trường hợp này là rất khó khăn, điểu này chỉ có địa phương nắm rõ”.

Sau khi đối thoại, các cơ quan chức năng đã xuống thực tế tại địa bàn mỏ và các khu bãi bồi để kiểm tra thấy có một số tàu của Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ Đô hoạt động đúng phạm vi cho phép; hàng chục tàu thuyền còn lại được xác định là tàu của các hộ dân cư tại địa phương vào gần bờ để đậu.

Theo ông Dương thì khi tàu thuyền neo đậu và chủ phương tiện lên bờ về nhà nghỉ ngơi thì không thể khẳng định, suy đoán các tàu này là khai thác cát trái phép được bởi các tàu một số hộ dân đi làm ăn nơi khác hoặc vận chuyển hàng hóa không phải là cát sỏi.

Qua tìm hiểu, tại địa điểm từ thôn 3 đến thôn 5 có rất nhiều tàu khai thác cát, trong đó có cả tàu của người tại các địa phương khác và không phải ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đào Tấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-2--nhuc-nhoi-nan-cat-tac-duc-khoet-song-hong-d43036.html