Nhức nhối nạn 'xẻ thịt' công viên

Nhiều công viên lớn tại TPHCM đang bị 'xẻ thịt' để làm nhà hàng tiệc cưới, sân khấu ca nhạc, kinh doanh dịch vụ... khiến mảng xanh đô thị của thành phố vốn đã ít ỏi lại càng bị thu hẹp. Những sai phạm trong việc sử dụng đất công viên đã bị người dân phản ánh, cơ quan thanh tra vào cuộc và kết luận, nhưng không dễ buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng đất công viên trái phép trả lại đất.

Khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên chiếm hơn 10.000m2 đất công viên Lê Thị Riêng (quận 10). Ảnh: MINH QUÂN

Lá phổi “teo” dần

Do phải cấp bách tháo gỡ tình trạng kẹt xe bằng cách mở đường xuyên công viên, hoặc do cần mặt bằng cho những nhu cầu công ích khác, một phần diện tích đất các công viên lớn trên địa bàn TPHCM như Gia Định, Lê Thị Riêng, 23/9, Phú Lâm đã bị xén bớt hoặc sử dụng sai mục đích. Năm 2015, một đoạn đường dài 650m, rộng 20m được mở cắt ngang qua công viên Gia Định (quận Gò Vấp) nối đường Hồng Hà với ngã năm Nguyễn Thái Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng chục cây xanh bị đốn hạ, mảng xanh của công viên rộng lớn, đẹp bậc nhất TPHCM từ đó bị thu hẹp, nhường diện tích đất cho con đường mới.

Ngay trung tâm TPHCM, một góc công viên 23/9 cũng biến thành hàng quán; giữa công viên bị trưng dụng mặt bằng xây dựng công sở và làm bãi giữ xe. Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận. Phần cuối công viên thành bến bãi xe buýt có quy mô khá lớn, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến xe vào ra đón trả khách. Tương tự, diện tích đất tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên của Công ty Cổ phần Đầu tư giải trí Thỏ Trắng chiếm diện tích lên tới hơn 10.000m2 nằm phía mặt tiền đường Trường Sơn.

Trong khi đó, công viên Phú Lâm (quận 6) có tổng diện tích hơn 61.000m2, giáp mặt tiền 3 tuyến đường: Kinh Dương Vương, An Dương Vương và Lê Tuấn Mậu. Đây là điểm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân ở Q.6. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một phần diện tích lớn nhất của công viên này được biến thành 1 trung tâm tiệc cưới với quy mô rất hoành tráng.

Đáng nói nhất là khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, chỉ cần đi dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Nghé, quận 1) sẽ dễ dàng nhận thấy các bảng hiệu nhà hàng, quán nhậu, khu mua sắm làm lu mờ đi cổng chào Thảo Cầm Viên. Còn bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các kiốt bán hàng mọc lên như nấm.

Tại một số công viên do các quận, huyện quản lý cũng có tình trạng xén đất công viên chuyển sang mục đích khác, nhưng không phải vì nhu cầu công ích, mà vì lợi ích cục bộ. Tại Công viên Bình Phú (phường 11, quận 6), có một nhà hàng lớn nằm lọt thỏm bên trong công viên. Tại nhà hàng này, các hoạt động vẫn diễn ra nhộn nhip, lượng khách ra vào ăn uống rất đông. Ở sâu trong công viên, nhiều khu vực hiện cũng đang có các hoạt động về dịch vụ hồ câu, trung tâm thể thao…

Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, công viên Phú Lâm có 8 công trình xây dựng không đúng quy hoạch, lấn chiếm đất sử dụng chung. Đáng chú ý, khu vực mặt tiền đường Kinh Dương Vương với gần 1.900m2, sai phạm khi cho thuê làm nhà hàng tiệc cưới Sun Palace hiện đã được đổi tên thành Trung tâm Hội nghị CLB Văn hóa Phú Lâm. Đối với công viên Bình Phú, theo kết luận của Thanh tra TP, khu vực này có 2 công trình xây dựng không phép, lấn chiếm đất dùng chung. Trong quá trình quản lý, sử dụng, UBND quận 6 thiếu kiểm tra nên không phát hiện công ty Vila và doanh nghiệp Lê Minh tự ý xây các công trình trong công viên Bình Phú để kinh doanh.

Nhà hàng tiệc cưới xây trên đất Công viên Phú Lâm, Q.6, TPHCM. Ảnh: MINH QUÂN

Cần quy hoạch lại công viên

Dễ thấy, hầu hết các công viên nằm ở vị trí đắc địa, là những khu đất vàng, nên thuận lợi cho việc khai thác để kinh doanh, dễ kiếm ra tiền. Chính vì thế, các công viên đã bị đơn vị quản lý sử dụng sai mục đích vô tội vạ. Những sai phạm trong việc xà xẻo đất công viên đã bị người dân phản ánh, cơ quan thanh tra vào cuộc và kết luận, nhưng không dễ buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng đất công viên trái phép trả lại đất.

Theo GĐ Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, thành phố có hơn 542ha đất công viên, mới đạt 0,69m2 cây xanh/người, chỉ tiêu rất thấp so với tiêu chuẩn được Chính phủ phê duyệt (7m2/người). Theo ông Cường, khu B công viên 23/9 rộng hơn 50.700m2 thì công trình khai thác tới 40% diện tích, công viên Phú Lâm cũng có hơn 50% diện tích phục vụ vui chơi, nhà hàng… “Do thành phố chưa có quy hoạch tổng thể công viên nên dẫn đến việc khai thác sai mục đích. Các quy hoạch trước đây không còn giá trị pháp lý hoặc không còn phù hợp” – ông Cười nói nguyên nhân công viên bị “xẻ thịt”.

Theo ông Cường, hồi tháng 4, Sở GTVT đã trình thành phố đề án quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp công viên. Theo đó, sẽ chia thành hai nhóm, nhóm 13 công viên có diện tích lớn hiện hữu do Sở GTVT quản lý và 317 công viên do quận, huyện quản lý. “Trước thực trạng như hiện nay thì giải pháp trước mắt là phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch công viên cây xanh trên địa bàn thành phố và lập mới hoàn toàn. Có quy hoạch thì mới quản lý dài lâu được” - ông Cường cho hay.

Ông Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho biết, hiện nay quy hoạch chung của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 cũng như quy hoạch chung quận, huyện đều đã đầy đủ các chỉ tiêu về công viên cây xanh. Vấn đề là tổ chức thực hiện còn gặp khó khăn do kinh phí hạn chế. Theo ông Tùng, để thực hiện tốt quy hoạch công viên thì cần ưu tiên bố trí vốn. Cùng với đó là lên kế hoạch chỉnh trang công viên cây xanh hiện hữu. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang nghiên cứu thiết kế công viên cây xanh để không chỉ là không gian công viên mà còn là điểm nhấn của đô thị.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, công viên cây xanh dành cho người dân thư giãn nhưng thực tế công tác quản lý, sử dụng còn nhiều vấn đề như làm quán cà phê, ca nhạc. “Từ thực tế hoạt động công viên 23/9, tôi đã yêu cầu thống kê báo cáo tình trạng sử dụng công viên trong tháng 7.2018. Đối với công viên sở quản lý thì xử lý thế nào? Quận, huyện thì xử lý ra sao phải nêu rõ. Cứ phê phán mãi mà không hành động thì không đúng tinh thần của thành phố năng động, sáng tạo” - ông Phong nhấn mạnh.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/nhuc-nhoi-nan-xe-thit-cong-vien-621148.ldo