Nhức nhối nợ đọng xây dựng: Nợ đọng gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu

Tình trạng nợ đọng xây dựng đang khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Có những công trình đã xong hơn 20 năm vẫn chưa đòi được nợ, số nợ đọng gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu… Đó là những con số báo động được đưa ra tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng – kiến nghị giải pháp” do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức sáng 18/8 tại Hà Nội.

Theo nhiều doanh nghiệp dự hội thảo, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp

Theo nhiều doanh nghiệp dự hội thảo, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp

Vốn chủ sở hữu 800 tỷ, bị nợ đọng 1900 tỷ!

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết hiện có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng công nợ đến 31/3 lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý Nhà nước là 1.004 tỷ, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng.

Con số bị nợ đọng của Tổng công ty 319 là cao nhất lên tới gần 2.000 tỷ đồng...

Cũng đứng trong “top” bị nợ đọng xây dựng trong nhiều năm nay, ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) cũng cho biết: hiện vốn chủ sở hữu của LILAMA chỉ 800 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền đang bị nợ đọng tại các dự án lên tới 1.900 tỷ đồng, gần gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Con số nợ đọng gây khó khăn lớn cho hoạt động của đơn vị. Trong khi nguồn lực của đơn vị có hạn, hầu hết các nhà thầu đang phải đi vay vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như trả lãi ngân hàng. Đơn cử, tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, LILAMA đã hoàn thiện và bàn giao cho chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vận hành an toàn và ổn định từ tháng 9/2015. Nhưng đến nay, do vướng một số thủ tục về “phát sinh chưa lường hết của nhà thầu” nên giữa chủ đầu tư và tổng thầu cũng chưa thể hoàn thiện khâu thanh quyết toán, khiến LILAMA bị “mắc kẹt” khoảng 1.400 tỷ đồng từ 2015 đến nay.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã khánh thành và đưa vào vận hành an toàn từ tháng 9/2015 nhưng chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thanh quyết toán nốt số tiền nợ đọng do vướng mắc thủ tục .

Ông Hoàng Trung Kiên - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cho biết, số tiền mà Cienco 4 bị nợ đọng cũng lên đến gần 187 tỷ đồng đồng, chủ yếu do quyết toán chậm. “Có những cây cầu đã hoàn thiện hơn 10 năm nhưng vẫn chưa quyết toán, như cầu Vĩnh Tuy và cầu Đông Trù” – ông Kiên cho biết. Con số cụ thể điển hình là Cầu Đông Trù (22,5 tỷ), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ), cầu Hòa Trung (74,2 tỷ), gói J3 Bến Lức - Long Thành (19,7 tỷ)...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản nếu không đòi được nợ. Bởi các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (chiếm đến 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ.

Trong khi đó nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ.

Do nguồn vốn eo hẹp, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ.

"Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ.

Kiến nghị cần sự bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu

Hiện các công trình xây dựng của Việt Nam, đặc biệt các công trình vốn đầu tư công, đều sử dụng hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành làm căn cứ cho cả khâu lập tổng mức đầu tư và thanh toán cho các dự án ở tất cả các loại hình công việc.

Đại diện Cienco 4 cũng đưa ra ví dụ: đơn giá hiện nay hầu hết còn chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử theo quy định tại Bảng 4.2 Thông tư số 13/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng, chi phí nhân công chỉ từ 172.000đ – 336.000đ/ca. Tuy nhiên thực tế nhân công nhà thầu đi thuê tối thiểu là 350.000đ – 500.000đ/ca. Với đơn giá theo quy định kia, khó có thể thuê được nhân công, nhất là những hạng mục thi công cầu trên cao, nguy hiểm, phải trả nhân công gấp nhiều lần giá quy định. Chính vì thế, các đơn vị và Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình, trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cập nhật với công nghệ xây dựng mới.

Thứ hai, các nhà thầu cũng kiến nghị cần có chế tài bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng xây dựng. Hiện nay, nội dung hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu được hướng dẫn theo các nghị định dẫn chiếu từ luật đấu thầu và luật xây dựng.

Tuy nhiên, ở cả hai mẫu hợp đồng đều không có sự bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu (đặc biệt trong khâu thanh toán). Trong khi các nhà thầu phải có tới 04 loại bảo lãnh ngân hàng khi tham gia một dự án thì phía chủ đầu tư thì không có bất kỳ bảo lãnh não. Chính vì vậy phần lớn mọi rắc rối thường hay xảy ra ở khoản 20% thanh toán cuối đời dự án.

Một số dự án áp dụng dạng hợp đồng trọn gói hoặc hình thức đơn giá cố định trong bối cảnh vật liệu xây dựng tăng cao từ 20-35% mà hợp đồng thì kéo dài 3-4 năm khiến cho các các doanh nghiệp xây dựng đều tiến thoái lưỡng nan.

Đại diện Cienco 4 cũng kiến nghị, chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất 30% cuối cùng của dự án. Khi sửa đổi Luật Xây dựng cần đưa vấn đề này vào luật, hoặc về cơ chế của chủ đầu tư cũng phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhuc-nhoi-no-dong-xay-dung-no-dong-gap-25-lan-von-chu-so-huu-217526.html