Nhức nhối tình trạng xả rác tại Thủ đô

Ngập rác, 'bội thực' rác… là những hình ảnh thường thấy sau mỗi dịp nghỉ lễ, lễ hội hay các chương trình được tổ chức ngoài trời tại Thủ đô Hà Nội. Những hình ảnh này thể hiện sự thiếu ý thức của người tham gia, tạo ra những cảnh tượng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Gần đây nhất là những hình ảnh để lại sau giải chạy do một tờ báo điện tử tổ chức vào ngày 26/11. Giải chạy quy tụ hơn 10.000 người tham gia, thể hiện tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe của người dân ngày càng một nâng cao. Tuy nhiên, trái ngược lại với hình ảnh tuyệt vời, khỏe mạnh, tinh thần hết mình vì thể thao của những người tham gia là hình ảnh rác ngập tại một số tuyến đường sau giải chạy. Những chiếc cốc giấy được in cả logo của chương trình vứt chỏng chơ dọc đường khiến những người đi qua tuyến đường này cảm thấy rất bất bình.

Rác thải tràn ngập sau buổi diễn của nhóm nhạc Blackpink trên sân vận động Mỹ Đình.

Là người đi qua tuyến đường ven Hồ Tây vào buổi sáng 26/11, chị Nguyễn Thị Lan, trú quận Tây Hồ, Hà Nội không giấu được bức xúc: “Cả chục mét đường mà rác xả khắp nơi. Kèm theo đó nào ruồi bâu, chuột chạy rất mất vệ sinh”.

Còn nhớ, tại chương trình ca nhạc của nhóm nhạc Blackpink diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua, chương trình ca nhạc đã thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ đến theo dõi và cổ vũ. Tuy nhiên, sau 2 đêm biểu diễn, khi người hâm mộ ra về cũng là lúc sân vận động Mỹ Đình, nơi diễn ra buổi biểu diễn “bội thực”, ngập ngụa các loại rác. Các vật dụng như chai nước, lọ nhựa, áo mưa, giấy, quạt nhựa được bỏ lại khắp nơi. Số người có ý thức để rác vào thùng hoặc tập kết rác vào một điểm không nhiều. Thay vào đó, tiện đâu, họ bỏ rác chỗ đó, ngay cả trên các ghế ngồi ở sân vận động Mỹ Đình. Những bãi rác “khổng lồ” được thu gom, nhặt nhạnh khiến các công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc hết công suất đến hơn 2h sáng hôm sau mới có thể tạm dọn sạch.

Có lẽ, không cần tìm đâu xa, ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm sau các dịp nghỉ lễ, rác thải vẫn là nỗi ám ảnh của du khách. Có thể dễ dàng nhận thấy bên cạnh những thùng rác được đặt ven phố thì những túi nilon, vỏ đựng bánh, kem, khăn giấy… vứt cả ra ngoài.

Hình ảnh thường thấy sau mỗi ngày lễ hội là công nhân vệ sinh môi trường mướt mồ hôi thu dọn những đống rác khổng lồ vứt lộn xộn khắp nơi dưới ánh đèn đường leo lét để trả lại một Hà Nội sạch sẽ vào sáng hôm sau.

Rác thải ngồn ngộn sau các lễ hội là sản phẩm từ sự thiếu ý thức. Rác thải là nỗi ám ảnh của khách du lịch, làm xấu đi hình ảnh của một Hà Nội văn minh, lịch lãm. Nhưng để xử lý được vấn nạn này lại là điều khó khăn.

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì mức xử phạt đối với các hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5 - 7 triệu đồng... Chế tài đã có, và việc xử phạt nặng các hành vi xả rác bừa bãi, kém văn hóa được đông đảo dư luận đồng tình. Nhưng thực tế, việc xử phạt chưa được thực hiện thường xuyên.

Năm 2020, Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự-Cơ động Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phối hợp với Công an phường Hàng Bông lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với một người dân ở phố Phủ Doãn vì hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định. Đây là trường hợp đầu tiên Công an quận Hoàn Kiếm xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng sau đó, gần như không có thêm trường hợp nào bị xử phạt dù hành vi vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra phổ biến.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam nhận định, vấn đề vứt rác bừa bãi nói riêng và môi trường nói chung đã đến lúc cần phải giải quyết khẩn trương, quyết liệt.

Ông Sinh phân tích: “Việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng là thói quen đã ăn sâu trong một bộ phận người dân. Mà đã là thói quen thì sẽ không dễ bỏ. Vì vậy, dù áp dụng biện pháp nào cũng cần phải quyết liệt nhưng không thể nôn nóng. Chúng ta nên đi từng bước, đồng thời phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường đi kèm với công tác giáo dục tuyên truyền. Nếu thấy ai đó làm chưa đúng thì không phải chờ cơ quan chức năng xử phạt mà mọi người hãy mạnh mẽ lên tiếng nhắc nhở với tinh thần vì cộng đồng, vì môi trường sống trong lành chứ không phải để lên án hay phán xét. Có như vậy thì mới mong vấn đề này giải quyết triệt để”.

Còn theo chuyên gia môi trường Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, việc xử phạt nguội người vứt rác bừa bãi được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Quy định này cũng phù hợp với xu thế đô thị thông minh khi hệ thống camera được áp dụng ngày càng nhiều.

Nguyễn Hương – Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhuc-nhoi-tinh-trang-xa-rac-tai-thu-do-i715716/