Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường

Từ trước tới nay, vấn nạn bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối, gây nhiều trăn trở cho nhà trường, phụ huynh và học sinh. Đã có những cái kết thương tâm chỉ vì nạn nhân phải hứng chịu nạn bạo lực, cô lập, áp đảo tinh thần tại trường.

Ảnh minh họa

Ngày 15/4, em N.T.Y.N (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên ĐH Vinh) đã tự tử tại nhà riêng. Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của nữ sinh N.T.Y.N. đăng tải thông tin với nội dung, nữ sinh N học lực tốt nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi người mẹ tìm hiểu mới biết con là nạn nhân của bạo lực học đường. Em N đã lên gặp thầy hiệu trưởng xin chuyển lớp nhưng chưa được chấp nhận. Cô giáo chủ nhiệm cho hay, Y.N là học sinh ngoan, học giỏi, tuy nhiên trước thời điểm xảy ra sự việc, em đã nghỉ học 20 buổi với các lí do khác nhau. Cô giáo đã tìm hiểu động viên, nhưng sau đó sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.

Thời gian qua, đã có nhiều vụ bạo lực học đường với các hình thức khác nhau. Vào tháng 12/2022, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một thiếu nữ đánh bạn nữ ngay trước cổng Trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Đoạn clip cho thấy nữ sinh lớp 9 bị nữ sinh khác lớp dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu. Nạn nhân còn bị kéo xuống ruộng để hành hung. Chỉ đến khi nữ sinh bị đánh toàn thân lấm lem bùn đất, nữ sinh cùng trường mới chịu dừng hành vi bạo lực trên.

Tháng 10/2022, một vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại Long An. Học sinh N.B.K lớp 11A1, trường THCS & THPT Nguyễn Văn Rành (tỉnh Long An) bị một nhóm người bên ngoài đánh do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10A1. Sau khi bị đánh, em N.B.K. được đưa đến BV tỉnh Long An cấp cứu, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi.

Tôi cho rằng, nhà trường và phụ huynh cần phải trang bị cho các con về cách thức ứng xử khi trở thành nạn nhân hay chứng kiến ai đó bị bắt nạt. Cách tốt nhất, các em học sinh cần đứng lên thể hiện thái độ với hành vi bắt nạt, báo cáo và tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh. Phụ huynh cần theo sát các biểu hiện về tinh thần, hứng thú học tập, giao tiếp ứng xử... của con hàng ngày, nắm bắt tình hình tâm lý để có hướng giải quyết kịp thời khi con bị bạo lực học đường.

Đôi khi, những đứa trẻ thực hiện hành vi bạo lực học đường với bạn không hiểu rõ hậu quả tai hại do mình gây ra. Cha mẹ cần giúp con hiểu và cam kết không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để a dua theo nhóm bạn. Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hành vi bạo lực học đường tới các em học sinh.

Tường Vy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhuc-nhoi-van-nan-bao-luc-hoc-duong-333538.html