Nhức nhối vấn nạn hàng giả trên thị trường Việt Nam

Vụ việc đại gia Trịnh Sướng cầm đầu đường dây xuyên sản xuất xăng giả trong những ngày qua còn chưa lắng xuống, thì người ta bắt đầu hốt hoảng khi nhận ra thị trường Việt Nam bây giờ, mặt hàng nào cũng có thể làm giả.

Giới kinh doanh xăng dầu ở miền Tây Nam Bộ vừa được một phen rúng động trước thông tin đại gia Trịnh Sướng (50 tuổi, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng) bị Công an Đăk Nông bắt giữ về hành vi “Sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu”.

Theo kết quả điều tra của lực lượng chức năng thì từ năm 2017 đến nay, ông Sướng cùng đồng phạm đã chi 3.000 tỷ để mua dung môi trộn vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả. Trung bình mỗi tháng các đối tượng đưa ra thị trường khoảng 6 triệu lít xăng giả nhưng ông Sướng lại khai đến nay chỉ tiêu thụ trót lọt 19,5 triệu lít.

Sau khi kiểm tra kho pha chế xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, cảnh sát đã thu giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại (gồm hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả, dung môi chưa pha, dung dịch...), cùng 50 kg chất tạo màu và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội nói trên.

Đại gia Trịnh Sướng sau khi bị cơ quan chức năng bắt giữ

Đại gia Trịnh Sướng sau khi bị cơ quan chức năng bắt giữ

Chiều 29/5 vừa qua, Công an TP.HCM HCM phối hợp cùng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đồng loạt kiểm tra bất ngờ nhiều địa điểm và phát hiện hành vi hoạt động sản xuất, trữ hàng hóa là bao cao su, gel bôi trơn được làm giả với quy mô lớn.

Công an đã thu giữ lượng tang vật gồm bao cao su giả, gel bôi trơn giả, ước tính giá trị thị trường lên đến 6 tỷ đồng; và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 4 đối tượng gồm: Trương Chí Thành (ngụ Q.Gò Vấp), Phạm Thanh Truyền (ngụ Q.Bình Tân), Đăng Lê Duy và Trần Xuân Nam (cùng ngụ Q.12) về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Ngày 3/4, Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) kiểm tra và phát hiện 2 xe tải chở 2 tấn hàng hóa với giá trị lên trên 1 tỷ đồng gồm: kem đánh răng ngoại nhập hiệu, các loại sữa tắm dành cho trẻ em, phấn trị rôm sảy, các loại nước giặt, mỹ phẩm, máy xay sinh tố, nồi cơm điện, điều hòa nhiệt độ (đã qua sử dụng),…

Đáng chú ý nhất, trong đó có hàng chục thùng sữa nhãn hiệu Ensure có ghi rõ nội dung bằng tiếng Anh là: "Not to be sold in Vietnam or Mexico" (tạm dịch là không được bán ở Việt Nam hoặc Mexico). Toàn bộ lô hàng này đều không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, các lô hàng mang nhãn mác nước ngoài đều không có nhãn phụ theo quy định.

Khoảng 2 tấn hàng giả với giá trị lên đến trên 1 tỷ đồng đã bị thu giữ

Trong khoảng thời gian đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai đợt kiểm tra đồng loạt các cửa hàng sách, thiết bị trường học, cửa hàng văn phòng phẩm ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra tại một cửa hàng trên đường Tỉnh lộ 10, khu phố 7, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện hàng trăm máy tính nghi bị làm giả, làm nhái thương hiệu Casio.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân cảm thấy bất mãn khi hay về một đường dây sản xuất hàng giả bị phanh phui. Nhiều người còn nói đùa rằng “Xung quanh toàn hàng giả, hàng nhái nên đành tập sống với nó thôi. Cứ nghĩ nó là thật thì nó sẽ là thật!”. Thế nhưng, vấn nạn này không phải chỉ vài câu tự an ủi là xong, mà thực tế tác hại của nó đến đời sống và sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng.

Từ thực phẩm cho đến đồ gia dụng, đâu đâu cũng tồn tại mối nguy hại hàng kém chất lượng, mà những công tác khắc phục của cơ quan ban ngành dường như chưa thực sự hiệu quả. Những sản phẩm này đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái còn gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nguyên nhân trước hết nằm ở sự bất cập trong cơ chế quản lý và biện pháp xử lý còn chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên bỏ thói quen ham hàng hóa có giá rẻ, nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây là cuộc chiến không chỉ của riêng ai và rất cần sự phối hợp của tất cả mọi người từ người tiêu dùng cho đến các doanh nghiệp.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/nhuc-nhoi-van-nan-hang-gia-tren-thi-truong-viet-nam-4284/