Nhún trước Mỹ - Hàn, ông Kim Jong-un đang chơi trò mạo hiểm?

'Kim Jong-un đang chơi trò chơi mạo hiểm với vũ khí hạt nhân là át chủ bài, nhằm tăng cường vị thế trong các cuộc đàm phán tương lai với Hàn Quốc và Mỹ', Jean H. Lee, GĐ Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách Công thuộc Quỹ Hyundai Motor Hàn Quốc nói.

Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giành được một vị thế cao về ngoại giao khi đưa ra những tuyên bố hòa giải bất ngờ và nhận được lời khen từ chính ông chủ Nhà Trắng.

Những bước đi táo bạo của ông Kim Jong-un khiến các quan chức trong chính quyền Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cảm thấy bất an. Một số người nghi ngờ rằng những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố chỉ là động thái “giả bộ” trước thềm hội nghị thượng đỉnh với hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, chứ ông Kim Jong-un không thực sự có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump đón Thủ tướng Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida hôm 17/4

Việc một nhà lãnh đạo bất ngờ chìa cành ô liu hòa hoãn, trong khi 4 tháng trước đó chính ông từng cảnh báo sẽ phóng tên lửa về phía Mỹ, đã đặt ra một câu hỏi lớn cho giới quan sát Triều Tiên: Thực chất ông Kim Jong-un muốn gì?

Tại Washington, hầu hết các quan chức và chuyên gia đều tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết tâm khẳng định vị thế của Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân, song vẫn tìm cách thoát khỏi vòng vây của các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng nhưng các trợ lý của nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng ông có thể đang bị đánh lừa bởi viễn cảnh làm nên lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức Nhật Bản cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân là “chưa đủ”, vì Bình Nhưỡng không hề nêu rõ rằng liệu điều đó có bao gồm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn đủ khả năng bắn tới lãnh thổ Nhật Bản, hay không.

Thậm chí với Trung Quốc, nước vốn quen với việc kiểm soát mối quan hệ với Triều Tiên mà không cần tính đến sự can thiệp từ bên ngoài, cũng đang “nóng mặt” với diễn biến nhanh chóng và mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Washington và Bình Nhưỡng. Giới chức Trung Quốc sợ rằng họ sẽ bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán và ông Kim Jong-un sẽ theo đuổi một thỏa thuận với Mỹ mà trong đó, Triều Tiên sẽ xích lại gần Mỹ hơn Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un đang chơi trò chơi mạo hiểm?

Jean H. Lee, giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách Công thuộc Quỹ Hyundai Motor Hàn Quốc, cho rằng việc ông Kim Jong-un bất ngờ xuất hiện trên vũ đài quốc tế sau 6 năm nắm quyền là một phần trong chiến lược chính trị được tính toán cẩn thận và thi hành rất bài bản.

Các tuyên bố thử thành công đầu đạn nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa trong năm 2017 giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh một lãnh đạo quân sự có khả năng bảo vệ nhân dân và đất nước trước những mối đe dọa nghiêm trọng từ kẻ thù.

Bây giờ là lúc ông tập trung vào quan hệ quốc tế và bước lên vũ đài chính trị thế giới không phải với tư cách là một người trẻ được truyền lại vị trí lãnh đạo của một nước nghèo, mà là nguyên thủ nắm trong tay các vũ khí hạt nhân có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh toàn cầu. Việc ông ngồi đàm phán với Moon và sau đó Trump, Tổng thống của quốc gia mạnh nhất thế giới, sẽ được khắc họa như một thắng lợi lớn ở Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một bệ phóng tên lửa.

"Kim Jong-un đang chơi trò chơi mạo hiểm với vũ khí hạt nhân là át chủ bài, nhằm tăng cường vị thế trong các cuộc đàm phán tương lai với Hàn Quốc và Mỹ", Jean H. Lee nói.

Trong khi đó, Adam Mount, giám đốc Dự án Tình hình Quốc phòng thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định Kim Jong-un sẽ có nhiều cách để giành thắng lợi trong các cuộc gặp thượng đỉnh với ông Moon và Trump.

Ông Kim sẽ tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt, khẳng định vị thế lãnh đạo của bản thân và gây tổn hại đến quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Hàn, đồng thời đưa ra ít rào cản nhất có thể đối với chương trình tên lửa, hạt nhân của mình.

Chuyên gia này tin rằng giọng điệu ngoại giao mà Bình Nhưỡng đưa ra gần đây chỉ là một chiêu trò “câu giờ” để tránh một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Washington và Seoul. Nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể giáng đòn hủy diệt vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gây thiệt hại lớn cho Nhật và các công dân Mỹ ở trong khu vực. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhiều khả năng cũng sẽ hứng chịu đòn đáp trả khủng khiếp của liên quân Mỹ - Hàn, có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ hiện nay.

Hạ An (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/nhun-truoc-my-han-ong-kim-jong-un-dang-choi-tro-mao-hiem