Những ai từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô?

Kể từ lần đầu tiên trao tặng năm 1934 cho đến năm 1991, danh hiệu Anh hùng Liên Xô đã được trao cho 12.777 người, trong đó có 2 người được nhận tới 4 lần, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Liên bang Xô viết.

Theo trang Russia Beyond, danh hiệu Anh hùng Liên Xô là vinh dự cao nhất mà bất cứ công dân Liên Xô nào cũng mơ ước. Song song với danh hiệu này, các anh hùng còn được nhận Huân chương Lenin và bằng khen. Những người đầu tiên được phong anh hùng của Liên Xô là 7 phi công đã cứu thành công 104 thành viên đoàn thám hiểm, trong đó có 10 phụ nữ và 2 trẻ em, trên tàu Chelyuskin. Con tàu này bị băng dày bao vây tại biển Chukotka và bị băng trôi ép nát và chìm hai giờ sau vào ngày 13-2-1934. Trong khoảng hai giờ đó, các thành viên đoàn thám hiểm đã phải đổ bộ xuống một tảng băng trôi. Hay tàu Chelyuskin bị chìm, Chính phủ Liên Xô đã thành lập một ủy ban đặc biệt để tìm kiếm và giải cứu đoàn thám hiểm. Trong 2 tháng liền, các phi công đã thực hiện 23 chuyến bay, sơ tán toàn bộ đoàn thám hiểm đến nơi an toàn.

Anatoli Liapidevski-Một trong những người đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô khi tham gia cứu đoàn thám hiểm trên tàu Chelyuskin. Ảnh: Sputnik.

Vào những năm 1930, khi ngành hàng không phát triển như vũ bão, phi công là đối tượng chủ yếu được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Các phi công Liên Xô đã lập kỷ lục thế giới khi thực hiện các chuyến bay thẳng không dừng. Ví dụ như vào tháng 7-1936, một phi hành đoàn đã thực hiện hành trình đi gần hết toàn bộ lãnh thổ của Liên Xô trong 56 giờ bằng máy bay ANT-25. Cũng theo Russia Beyond, trong số 60 người được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) có 54 người là phi công.

Năm 1939, Huân chương Anh hùng Liên Xô được gọi thêm bằng tên mới Huân chương Sao Vàng. Điều thú vị là ban đầu dòng chữ in trên huy chương là "Hero SS" (SS trong tiếng Nga là Sovietski Soyuz). Tuy nhiên, dòng chữ này lại gây hiểu lầm là Đức Quốc xã (Schutzstaffel), do vậy đã đổi thành “Hero CCCP”.

Huân chương Sao vàng. Ảnh: rbth.com.

Tuy nhiên, quân đội không phải là lực lượng duy nhất được Nhà nước Xô viết khen thưởng. Danh hiệu cao quý này còn được trao cho các nhà khoa học của Trạm nghiên cứu Bắc cực 1 đầu tiên của Liên Xô, những người đã trải qua 274 ngày sống trên một tảng băng ở Bắc Băng Dương. Trong cuộc chiến mùa Đông, một cuộc xung đột ngắn nhưng đẫm máu giữa Hồng quân Liên Xô và Phần Lan, đã có hơn 400 người được nhận danh hiệu Anh hùng.

Do các buổi lễ vinh danh được tổ chức gần như mỗi ngày nên bộ phận khen thưởng đã làm việc quá sức. Điều này cũng dẫn tới hiện tượng làm giả hồ sơ để hưởng lợi. Ví dụ như trường hợp của Valentin Pourguine. Người này đã làm giả hồ sơ phóng viên chiến trường với chiến công mà anh ta chưa bao giờ đạt được. Tuy nhiên, hành động lừa dối này đã nhanh chóng bị vạch trần và "anh hùng dỏm" bị xử bắn. Kể từ đó, hệ thống xác minh người có công với đất nước được nghiêm ngặt hơn.

Valentin Pourguine, kẻ làm giả hồ sơ để được trở thành anh hùng. Ảnh: Komsomolskaya Pravda.

Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống lại Đức quốc xã và các đồng minh, đã có 11.657 được danh hiệu Anh hùng Liên Xô, trong đó có nhiều phi công chiến đấu ở mặt trận phía Bắc, lính biên phòng, lực lượng bộ binh,…

Trong lịch sử 57 năm tồn tại (1934-1991), có 154 người được phong Anh hùng Liên Xô hai lần, 3 người được 3 lần nhận danh hiệu. Đặc biệt, có 2 người đã nhận được “Ngôi sao vàng” tới 4 lần, đó là: Thống chế Gueorgui Zhukov và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev.

Nhận được vinh dự cao nhất là vô cùng khó, nhưng giữ được danh hiệu là một chuyện khác. Trong số 12.777 Anh hùng Liên Xô, có 72 người đã bị tước danh hiệu. Trong số đó, có người bị bắt và phản bội Tổ quốc, có người sau chiến tranh trở thành kẻ trộm, kẻ giết người...

Valeri Tchkalov, Gueorgui Baïdoukov và Alexandre Beliakov nằm trong số các phi công được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Đặc biệt, danh hiệu Anh hùng Liên Xô không chỉ dành riêng cho công dân Liên Xô mà còn được trao cho các phi công Pháp thuộc Trung đoàn Không quân Normandie-Niemen, hay binh sĩ của các đơn vị Ba Lan và Tiệp Khắc được thành lập trên lãnh thổ Liên Xô và đã chiến đấu với Đức quốc xã ở Mặt trận phía Đông. “Ngôi sao vàng” còn được trao tặng các nhà lãnh đạo các nước đồng minh của Liên Xô. Ngoài ra, các phi hành gia nước ngoài bay trên tàu vũ trụ của Liên Xô trong khuôn khổ chương trình Intercosmos cũng được trao tặng danh hiệu cao quý này.

Người cuối cùng được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô là Đại úy Hải quân hạng nhì Leonid Mikhailovich Solodkov, người có công thực hiện sứ mệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, và chưa một ai trên thế giới dám làm! Đó là tham gia thử nghiệm thiết bị lặn mới. Sắc lệnh khen thưởng Đại úy Leonid Mikhailovich Solodkov được ký ngày 24-12-1991, chỉ hai ngày trước khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, do sự chậm trễ khách quan, đến tháng 1-1992, Solodkov mới lên bục nhận phần thưởng này.

HÒA AN (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-ai-tung-duoc-trao-tang-danh-hieu-anh-hung-lien-xo-617033