Những ẩn ức tuổi thơ và hành trình ngụp lặn truy tìm danh tính

Nếu bạn đang cố gắng tìm kiếm một lý giải đầy đủ nội dung của 'Tưởng tượng và dấu vết' một cách chính xác và cụ thể, thì đó có thể xem như là một việc làm tương đối vô nghĩa.

Y như cái tên của nó, cuộc hành trình tìm kiếm và giải nghĩa những hình ảnh dụ ngôn trong cuốn sách cũng giống bạn đang bước đi trên một con đường đầy rẫy mây mù để truy vấn những ý niệm mơ hồ từ dấu vết mỏng manh mờ nhạt. Có một chút gì đó giống với những thước phim hiện thực huyền ảo của vị đạo diễn người Nhật Satoshi Kon, Tưởng tượng và dấu vết là một cuốn tiểu thuyết mập mờ giữa ranh giới hư thực - giữa thực tế chân phương và lãng đãng dưới lớp mây mù ảo ảnh.

Sách Tưởng tượng và dấu vết bản bìa cứng.

Có thể nói Phương là một mẫu nhân vật không hiếm gặp trong các câu chuyện và tiểu thuyết. Nhân vật chính của chúng ta là một chàng trai hướng nội, trải qua những tổn thương về thể xác và tâm lý đồng thời cũng mang theo ẩn ức ảm đạm, ám ảnh.

Kể từ khi bị liệt, anh ta buộc phải gắn bó cuộc đời của mình với trang sách và bên khung cửa sổ anh ngắm nhìn những gương mặt qua lại - những hình ảnh mờ nhòe và cả những thước phim sắc nét. Kể từ đó trong tiềm thức của anh đã xuất hiện nhiều bóng dáng kì lạ, cuộc đối thoại bí ẩn khiến người đọc có thể hoài nghi giữa ranh giới hư và thực.

Trong những giấc mơ triền miên, Phương như bị nhắc nhớ về cái quá khứ u ám và đầy ám ảnh. Xen lẫn chi tiết đó, ta thấy anh luôn nửa tỉnh nửa mê trong mộng mị.

Một ông già. Một cô gái câm. Một cô gái với bộ đồ màu đỏ. Một bà lão bán nước. Ta không biết đó là do Phương tưởng tượng ra, hay họ là người thực sự tồn tại và hiện hữu. Bởi câu chuyện của anh cứ đan xen giữa tính chân thực và phi lý. Và đằng sau những câu chuyện ấy, ta chỉ có thể nhận ra được một điều: Mặc cảm và bất an về tâm lý đã khiến anh luôn dằn vặt trong suy nghĩ đầy bức bối.

Phương truy tìm danh tính của ông già, của cô gái câm, của người phụ nữ váy đỏ. Anh ta luôn không ngừng truy vấn: Ông ta là ai? Cô ấy là ai? Rồi Phương lại ngạo nghễ lồng ghép những hoàn cảnh của anh và những người xung quanh vào trong những tình tiết, những trang sách anh đang đọc dở. Cái gán ghép phải chăng xuất phát từ chính sự bất lực của anh, khi nhìn sâu vào tâm trí của chính bản thân, giật mình nhận ra cái bản ngã thực sự mờ nhòa.

Phương không thể khẳng định hay phủ nhận chính mình. Anh trăn trở trong những ranh giới. Điều ấy có lẽ thể hiện trong những trang viết còn dang dở. Trong chính những giấc mơ giữa con quái vật nửa người nửa thú. Phải chăng, đó chính là những vết nứt vỡ trong một trái tim đa sầu đa cảm.

Những lạnh nhạt, thờ ơ của những con người xung quanh Phương có thể cho ta một gợi ý để lý giải bất ổn mong manh ấy. Tổn thương khó chữa lành có thể xuất phát từ những ám ảnh trong quá khứ và cả thái độ dửng dưng ở hiện tại.

Phương có một gia đình không mấy hạnh phúc hay nói đúng hơn là hạnh phúc của gia đình anh được ngụy trang một cách khéo léo và giả tạo. Một ông bố ngoại tình. Một bà mẹ (có lẽ) cũng có những góc khuất bí mật đang che giấu.

Phương dò dẫm trong bóng tối với những tưởng tượng về người cha, người mẹ, giống một hệ quả tất yếu của sự thiếu vắng kết nối. Chúng ta cũng không khẳng định được những cuộc đối thoại ấy là do anh tưởng tượng ra, hay chúng là những cuộc đối thoại thật sự, nhưng lời hỏi đáp cứ vang lên một cách sắc lạnh và vô cảm.

Miên xuất hiện khá nhiều trong những phân đoạn, chủ yếu là trong hồi ức quá khứ và giấc mơ, những ảo ảnh của Phương. Miên là một cô gái có thể dâng hiến và hi sinh những gì đang có cho một tình yêu trong sáng và thuần khiết.

Nhưng Miên liệu có thực sự tồn tại không? Hay chỉ là khát khao, mong ước của Phương về một tình yêu mà anh ta hằng mơ mộng? Bởi những hư thực đan xen lồng ghép, người đọc dường như cũng hoài nghi về điều đó. Đó chỉ là khoảng trống và hư hay thực lại do chính các độc giả tìm kiếm và điền vào chỗ còn thiếu vắng từ những dấu vết ẩn dụ mơ hồ.

Dãy số 688.211 là gì? Đó là một dãy số kì quặc mà cô gái áo đỏ nói thầm vào tai Phương và anh luôn trăn trở trong việc tìm kiếm ý nghĩa của nó. Cuối cùng thì có lẽ cả anh và người đọc đều vẫn tồn tại hoài nghi về một dãy số đầy dụ hoặc.

Trong giấc mộng, Phương luôn muốn chặt đi đôi chân của mình, ta liên tưởng đến câu chuyện cái đuôi lợn trong Trăm năm cô đơn. Phải chăng, có những thứ thực sự tồn tại mà dường như thừa thãi. Đó không chỉ là đôi chân mà còn lại một thực thể sống; Phương và những người xung quanh anh, dường như chỉ là những cái bóng lạnh lẽo vô cảm.

Anh ta (có lẽ) thèm khát một sự kết nối với thế giới, nhưng đôi khi lại phủ nhận bằng thái độ lãnh đạm và thờ ơ. Để rồi kết quả cuối cùng của sự truy vấn ấy là câu trả lời về túm cỏ xanh mọc đằng sau gáy và sự bứt bỏ đoạn tuyệt có lẽ là với quá khứ và sự nhu nhược.

“Từ hôm nay anh sẽ là quái thú nhưng anh sống một cuộc đời thực…”

Cuộc đời mơ hồ và chìm ngập trong những ảo ảnh của Phương biết đâu sẽ bước sang một ngã rẽ mới. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có quyền tưởng tượng dựa trên những dấu vết đầy bí ẩn của ngôn từ.

Hoàng Thị Hạnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-an-uc-tuoi-tho-va-hanh-trinh-ngup-lan-truy-tim-danh-tinh-post1447411.html