Những áng văn lộng lẫy của Alphonse Daudet

Kể những câu chuyện xúc động trong quá trình trưởng thành, mang lại mỹ cảm lãng mạn khiến các tác phẩm của Daudet lay động bao độc giả Việt.

Văn học Pháp thế kỷ 19 có nhiều tượng đài kỳ vĩ, Balzac, Hugo… Alphonse Daudet tuy không kỳ vĩ, nhưng lại gặp gỡ nhiều với văn học Việt Nam. Trước đây, bạn đọc thân thuộc với ông qua cái tên An-phông-xơ Đô-đê.

Truyện Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn có chi tiết tác phẩm của Daudet. Chương trình giáo dục Việt Nam có học 2 trích đoạn ở tập truyện Lá thư hè, trong đó thân quen hơn cả là Buổi học cuối cùng.

Trong khuôn khổ Ngày Sách châu Âu 2018, một buổi trò chuyện về văn chương Alphonse Daudet được tổ chức tối 7/5 tại Hà Nội.

Thằng Nhóc - Những bài học xúc động về sự trưởng thành

Tại Việt Nam, tác phẩm Thằng nhóc của Daudet tạo sự xúc động với nhiều độc giả. Dịch giả Đỗ Minh Nguyệt - người chuyển ngữ tiểu thuyết Thằng nhóc - cho biết, tác phẩm mang là câu chuyện cảm động, như chính cuộc đời Daudet.

Tiểu thuyết Thằng Nhóc. Ảnh: NN

Tiểu thuyết Thằng Nhóc. Ảnh: NN

Tác phẩm như tiểu thuyết tự truyện, nhiều chi tiết trong sách gợi lại đời sống tác giả: nhân vật Thằng Nhóc và tác giả có cùng ngày sinh, gia đình phá sản, lên thành phố làm các công việc khác nhau, cùng có ước mơ văn chương…

Câu chuyện về một chú bé tỉnh lẻ nghèo khổ và yếu đuối trải qua hành trình trải đầy gian nan, cạm bẫy của Thằng Nhóc, từ những năm tháng niên thiếu gian khó đến giai đoạn tự xác định căn tính bao đau đớn trong trường đời, để rồi cuối cùng vượt qua cái chết và đến với một trang đời mới hứa hẹn hạnh phúc.

Câu chuyện tình cảm, chạm tới người đọc với ngòi bút tinh tế. Tác phẩm mang tính giáo dục cao, Thằng Nhóc luôn đi tìm ý nghĩa cuộc sống, chịu nhiều tổn thương để hiểu ra được ý nghĩa cuộc sống của mình.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, ở Thằng Nhóc, Daudet biến cuộc đời mình thành thứ chất liệu cho tiểu thuyết. Nhiều chi tiết tiểu sử như ngày sinh, công việc mình trải qua, tình trạng gia đình đưa vào sách.

Thằng Nhóc không chỉ là tiểu thuyết tự truyện, mà còn là tiểu thuyết về sự trưởng thành. Đây là thể loại quan trọng của văn học thế giới, nó miêu tả sự lớn dần của một con người. Khởi là khi tuổi tác còn trẻ, quan niệm về cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ, nhân vật sẽ trải qua một hành trình với câu hỏi lớn: khi nào chúng ta thật sự trưởng thành?

Trưởng thành ở đây không hề là một quá trình dễ chịu. Nhân vật phải đối mặt với nhiều biến cố. Thằng Nhóc đang sống trong thế giới yên bình, nó sở hữu một thế giới trong trẻo. Khi nó biết gia đình gặp vấn đề tài chính, buộc phải chuyển tới nơi ở mới, không mang theo nhiều thứ gắn bó, bài học đầu tiên của nó là từ bỏ.

Thằng Nhóc rất thích các cuốn sách, ao ước trở thành nhà văn. Nhưng nhận ra gia đình khó khăn, nhân vật phải tái thiết gia đình. Câu chuyện ấy thật trần trụi, Thằng Nhóc chưa thể thực hiện giấc mơ mà phải đi làm giám thị.

Nhân vật tìm đến tự tử để chứng minh mình mạnh mẽ hơn. Nhưng mạnh mẽ hơn không phải cái chết, mà là sự sống. Anh ta tới Paris, tìm thấy một không gian rộng lớn hơn: anh thành thi sĩ. Nhưng cuốn sách mà anh tâm huyết chỉ bán được duy nhất 1 cuốn. Trưởng thành ở đây là học chấp nhận, chấp nhận điều vô cùng quan trọng với mình lại vô nghĩa với người khác.

Trưởng thành còn là khi cậu nhóc có dục vọng. Nhưng trưởng thành hơn, là khi Thằng Nhóc phải từ biệt người anh của mình. Người mà cậu luôn coi là mẹ, người mà cậu từng nghĩ anh yếu đuối, nhưng lớn lên lại luôn che chở cho nó. Cuối cùng thằng nhóc chấp nhận mình trở thành ông chủ cửa hàng đồ sành sứ.

Thằng Nhóc được coi là tiểu thuyết mang yếu tố tự truyện của nhà văn Alphonse Daudet.

Sự trưởng thành của nhân vật Thằng Nhóc cho thấy, cuộc đời này là sự biến đổi không ngừng, ta không đối nghịch với nó, mà chấp nhận nó. Điều đó không có nghĩa là khi gặp biến cố ta sẽ buông xuôi; ta phải lăn xả vào nó, chấp nhận nó. Qua đó, ta trưởng thành hơn.

Thằng Nhóc nằm trong loại hình tiểu thuyết trưởng thành, khá nhiều tác phẩm lớn trên thế giới thuộc thể loại này, ví dụ Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawer, Oliver Twist, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh

Ở Việt Nam có những tác phẩm như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)… cũng thuộc thể loại này.

“Khi còn nhỏ, chúng ta luôn băn khoăn khi nào chúng ta trưởng thành. Quá trình trở thành người lớn, ta phải đối mặt nhiều thứ tổn thương, rạn vỡ, tập xác định lại từ đầu. Đó là quá trình khó khăn, nhưng hạnh phúc. Tiểu thuyết trưởng thành với tôi có ý nghĩa văn hóa rất lớn”, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nói.

Lá thư hè - Sức hấp dẫn của mỹ học lãng mạn

Tập truyện ngắn Lá thư hè có 3 bản dịch khác nhau tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Daudet không là nhà văn lớn, nhưng văn chương Việt Nam là vùng khí hậu để tác phẩm của ông được tiếp nhận, nó kiến tạo nên bầu không khí lãng mạn ở Việt Nam.

Lá thư hè (hay được biết tới với tên Thư gửi từ cối xay gió) là tập truyện như vậy. Đây là tập truyện ngắn đỉnh cao của Daudet. Cả tập truyện như một bức tranh về xứ sở Provence (miền Nam nước Pháp) - thế giới thôn dã mà Daudet yêu thương.

Thế giới ấy được xây dựng nên những cặp đối lập: Paris - vùng Provence, sự đối lập thành thị - thôn quê, truyền thống - hiện đại, cối xay gió - ngọn hải đăng…

Thời Daudet sống đầy biến động, nhưng thế giới của Daudet lại đầy tĩnh lặng, giữa mặt đất, bầu trời trên cao, bầy gia súc dường như có mối liên hệ nhất định.

Tập truyện ngắn Lá thư hè được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của Daudet. Ảnh: NN

Nhưng thế giới mục đồng đó không chỉ hấp dẫn bởi bức tranh phong cảnh. Có rất nhiều câu văn là chất liệu có thể chuyển sang hội họa. Nhiều câu văn, đoạn văn khi đọc, có cảm giác như Daudet dùng ngôn từ mà gợi ra hội họa sắc nét.

Không chỉ cảnh quan thiên nhiên, sự hấp dẫn của tập truyện này đến từ những con người ở vùng đất này. Daudet mô tả những người nhà quê thuần hậu, ngay cả khi ông nói về những thói xấu của họ.

Thế giới đó có những nỗi khổ, sầu muộn của con người. Ví dụ, truyện Hai quán trọ miêu tả người phụ nữ sau khi đứa con qua đời cứ dầm mình trong đau khổ, vì thế người vợ không thể giữ được người chồng ham vui của mình. Truyện ngắn Đắm tàu Semillante miêu tả khoảnh khắc con người đối diện cơn cuồng nộ của vũ trụ, có thể coi là một kiệt tác ở thể loại truyện ngắn.

Thế kỷ 19 là thế kỷ của những con người mang tham vọng, nhưng con người trong Lá thư hè không như vậy.

Xứ sở thôn dã ở đây không phải không gian tĩnh lặng bất biến. Nó đối mặt với nhiều thay đổi. Truyện Bí mật ông lão Cornille mang câu chuyện thực tại khi đó, với sự xuất hiện các nhà máy xay. Ông chủ cối xay gió phải đối mặt với chuyện đó, nhưng vẫn kiêu hãnh không cho mọi người biết sự khốn khó của mình.

Cho tới khi mọi người dân nhận ra điều đó, họ quay lại xay ở chỗ ông Cornille, chẳng bao lâu ông chết, mà không có ai nối nghiệp. Ở đây, Daudet nhìn thấy khả năng hòa giải xung đột tiềm tàng trong cuộc sống.

Mỹ học lãng mạn đề cao tính khởi nguyên, thuần khuyết. Tác phẩm của Daudet mang lại cho người đọc mỹ cảm ấy. Ở truyện ngắn Những vì sao, anh chàng nhân vật trong truyện yêu thích, thuộc tên các vì sao, sự bí ẩn của vũ trụ mang những câu chuyện trinh nguyên.

Nhận thức về tình yêu của chúng ta hiện nay vẫn là yêu trong mỹ cảm lãng mạn, điều này thể hiện rõ trong truyện Cô gái thành Arles.

Trong tập Lá thư hè có nhiều chuyện châm biếm, nhưng không châm chọc, chỉ là chuyện hồn nhiên với tiếng cười nhẹ nhõm. Truyện Con dê của ông Seguin mang tính triết lý. Bản thân sự yên tĩnh, êm đềm của đồng quê rất có thể là một giới hạn.

Con dê này không chỉ cần ăn trên đồng cỏ an toàn, nó thèm khát tự do. Nó lên núi, và gặp sói. Tất cả những con dê lên núi đều bị sói ăn thịt, nhưng con dê này vẫn muốn thử sức. Nó chiến đấu với con sói suốt cả đêm. Dù chiến bại, con dê vẫn kể câu chuyện đẹp, khao khát vươn tới tự do.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-ang-van-long-lay-cua-alphonse-daudet-post840648.html