Những anh nuôi trên tàu KN 491

Chuyến công tác dài ngày ở Trường Sa dịp cuối năm để lại trong tâm trí từng thành viên trong đoàn công tác chúng tôi những ấn tượng không thể nào quên. Có đi mới biết và cảm nhận được những khó khăn, vất vả và cả sự hy sinh của những người lính hải quân kiên trung, dũng cảm. Có đến từng điểm đảo mới cảm nhận được sự hiên ngang, trường tồn của những cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi… Và cũng không thể quên được hơn 20 ngày trên tàu KN 491, được ăn ở, sinh hoạt cùng với những chiến sỹ trên tàu, trong đó có những 'anh nuôi' nhiệt tình, trách nhiệm.

“Tối nay, đoàn mình được ăn thịt lợn tươi, bọn em nấu giả cầy, canh sườn rồi. Các anh có thấy mùi thức ăn ngào ngạt đang lan khắp hành lang không”, anh Nguyễn Bá, một trong 9 thành viên của tổ bếp tàu KN 491, nói vang khắp hành lang tầng 3 của tàu. Đó là tối thứ 3, đoàn phóng viên ở trên tàu trong hải trình hàng nghìn hải lý ra chúc Tết quân dân ở các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Lời nói của anh Bá dường như là lời động viên đoàn chúng tôi, khi có cả chục thành viên trong đoàn vẫn còn đang nằm bẹp vì say sóng.

Bữa tối hôm đó, gần 50 nhà báo có mặt đầy đủ để thưởng thức món “lợn tươi” của tổ bếp đã “quảng cáo”. Ai cũng cảm thấy phấn chấn, đỡ mệt mỏi sau những ngày đầu lênh đênh trên biển. Chúng tôi vui, khỏe hơn không hẳn là vì món ăn ngon của những “siêu đầu bếp” mà là vì tình cảm mà các thành viên trong tổ bếp dành cho cánh phóng viên. Trong số họ, cũng có vài người say sóng nhưng vẫn phải nấu ăn để phục vụ cho đoàn công tác, những người “chân yếu tay mềm” như chúng tôi bởi với họ, chúng tôi phải khỏe thì mới đủ sức để làm công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Gian bếp nhỏ, nơi phục vụ hàng trăm xuất ăn cho các thành viên trên tàu

Gian bếp nhỏ, nơi phục vụ hàng trăm xuất ăn cho các thành viên trên tàu

Phòng của tôi và một đồng nghiệp của TTXVN nằm ngay sát khu vực chứa thực phẩm của tàu KN 491. Chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa dịp cuối năm kéo dài cả tháng trời nên kho thực phẩm cũng trở nên đầy ắp. Chủ yếu là những thực phẩm đông lạnh, từ thịt bò, gà, bê lợn… cho đến cá diêu hồng, nục gai… cùng các loại rau củ quả đều đủ cả để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ cũng như những thành viên trong đoàn công tác. Anh Bá chia sẻ: “Với hải trình dài ngày như vậy, trên tàu phải mang theo hàng tấn gạo cùng đầy đủ các loại thực phẩm khác, kèm theo đó là mỳ tôm, phở gói, nước yến… Nếu cần mỳ tôm, các anh cứ sang đây bọn em cung cấp cho thoải mái, tuyệt đối không phải mua bán bất cứ thứ gì trên tàu. Trên tàu này, tiền không có giá trị”. Quả đúng như lời của anh Bá, mỗi bữa ăn sáng, thành viên nào không quen ăn cơm đều được bếp phục vụ mỳ tôm riêng. Mà không phải mỳ tôm “không người lái”, mỳ tôm sáng đầy đủ cả thịt, giò, rau cải… có thể làm hài lòng bất kể “hành khách” khó tính nào.

Trăm nghe không bằng một thấy, tận mắt chứng kiến hàng núi công việc bếp núc mỗi ngày mới thấy việc nấu ăn trên tàu quả thực vô cùng vất vả. Để đảm bảo phục vụ 3 bữa ăn/ngày cho hàng trăm người trên tàu, tổ bếp phải làm việc cật lực từ sáng đến đêm khuya. Họ thức dậy từ 3h, bắt tay ngay vào công việc mới kịp cho bữa ăn đầu tiên trong ngày vào lúc 6h. Sau bữa sáng, các chiến sỹ trong tổ bếp lại tất bật dọn rửa, nấu nướng chuẩn bị cho bữa trưa vào lúc 11h30… Công việc cứ thế tiếp diễn và thường đến 24h mới dọn dẹp xong. Trung bình mỗi ngày, các “anh nuôi” chỉ được nghỉ ngơi khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, Thượng úy Trần Trọng Lâm – Bếp trưởng tàu KN 491, chia sẻ: “Công việc nấu ăn trên tàu là vô cùng vất vả bởi mỗi bữa chúng tôi phải nấu cho hơn 500 người ăn. Thời tiết mùa này khắc nghiệt, biển động nên tàu luôn trong tình trạng ngả nghiêng. Nếu không cẩn thận trong lúc làm bếp sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, thành viên phụ bếp trong tổ cũng đều là chiến sỹ nghĩa vụ, họ cũng say sóng nên phải thực sự cố gắng và có tinh thần trách nhiệm cao mới đáp ứng được công việc kéo dài cả tháng trời như thế này”.

Tàu KN 491.

Nhìn Thượng úy Lâm tất bật đi lại, nấu nướng trong gian bếp nhỏ mới thấy, anh thực sự là “siêu nhân”. Một mình anh nấu chính tất cả các món ăn, còn lại tất cả 8 người chỉ phụ việc thái thịt, nhặt rau…Bếp trưởng Lâm cũng cho biết thêm, việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như ở đất liền, có những hôm gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, sóng đánh cao, tàu rung lắc dữ dội, anh em nhà bếp phải vật lộn với sóng dữ, đôi khi cơm đã dọn lên bàn bị sóng đánh đổ, thế là lại phải dọn dẹp và nấu lại, vì thế tiêu chuẩn quan trọng để được chọn vào tổ nấu ăn là phải trẻ, khỏe, năng nổ, nhiệt tình, chịu đựng được sóng gió…

Không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự nhiệt tình trong công việc, những “anh nuôi” trên tàu KN 491 còn sống rất tình cảm, họ quan tâm đến từng thành viên trong đoàn công tác chúng tôi. Còn nhớ, tối hôm đó, một đồng nghiệp của báo Lào Cai bị đau bụng do không quen ăn cá biển. Sau khi có dấu hiệu ngộ độc thức ăn và được cán bộ y tế cho uống thuốc, anh phóng viên nhịn ăn suốt cả 1 ngày. Vừa qua cơn say sóng nên anh ngày càng lả đi. Chiến sỹ Trần Văn Hùng (SN 1997, quê ở Quảng Nam), một thành viên trong tổ bếp, phát hiện ra sự vắng mặt của thành viên hóm hỉnh của đoàn đã lẳng lặng nấu riêng một tô cháo thịt nạc mang vào tận phòng cho anh nhà báo. Sáng hôm sau, Hùng tiếp tục nấu cháo mang vào cho “bệnh nhân”.

Và sau 3 lần như vậy, anh phóng viên báo Lào Cai đã khỏe hẳn, tiếp tục những chuyến “chinh phục” các điểm đảo ở Trường Sa. Một buổi tối, ngồi uống nước trên boong tàu, Hùng tâm sự: “Em cũng đã từng say sóng và biết được cảm giác kinh hoàng đó nên rất thông cảm với những ai từng đặt chân lên tàu. Nhất là đối với các anh, những nhà báo chân chính, không quản ngại ra từng điểm đảo trên quần đảo Trường Sa để tặng quà, động viên thăm hỏi cán bộ chiến sỹ. Đặc biệt, với ngòi bút của mình, các anh sẽ tuyên truyền đến từng người dân rằng, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, điều đó không thể chối cãi…”.

“Tổ phục vụ xin thông báo, đã đến giờ ăn sáng. Kính mời thủ trưởng và đoàn công tác xuống dùng cơm”, câu nói quen thuộc, mỗi ngày 3 lần, trong suốt 22 ngày trên tàu KN 491, đã trở nên thuộc lòng với chúng tôi. Với bao kỷ niệm khó quên về Trường Sa thì những câu chuyện thú vị, cảm động về những “anh nuôi” hải quân sẽ mãi lưu lại trong ký ức của những người đã từng được vinh dự ra khơi với KN 491.

Võ Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-anh-nuoi-tren-tau-kn-491-90472.html