Những bản làng phía Tây ở Thanh Hóa rũ bỏ 'bão trắng', lá ngón để hồi sinh

Bản Poọng, Pù Ngùa, Sa Ná (Thanh Hóa) đang từng ngày thay da đổi thịt, không còn cảnh đàn ông hút thuốc phiện, phụ nữ tự tử bằng lá ngón hay những đứa trẻ mồ côi.

Khu vực miền Tây Thanh Hóa là nơi quần cư sinh tụ của 7 tộc người, gồm: Kinh, Thái, Mường, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú.... Nơi đây, trong quá khứ, nhiều bản làng trải qua những đau thương mất mát, khó nghèo cùng cực do hủ tục, thiên tai và cả tệ nạn xã hội… Nhưng, giờ đây, những bản làng ấy đang chuyển mình, dần thay da đổi thịt, như những đóa hoa mùa xuân, khoe sức sống và vẻ đẹp của mình.

Từ bản Poọng mồ côi...

Mười năm về trước, tôi và đồng nghiệp lần đầu vượt rừng lên với bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Đường lên Mường Lát ngày ấy rất khó đi. Từ thành phố Thanh Hóa lên trung tâm huyện chưa đầy 300 km, nhưng mất gần một ngày đi ô tô. Đường gập ghềnh, quanh co, nhiều sỏi đá đến nỗi, chiếc xe u-oát chuyện đường rừng nảy sòng sọc như muốn long từng chiếc ốc.

Đường chính đã thế, đường vào bản còn khó khăn gấp bội. Mất mấy giờ đồng hồ, băng qua con đường độc đạo xuyên rừng, chúng tôi mới vào đến bản Poọng. Bản Poọng khi ấy vừa trải qua cơn “bão trắng”- rất nhiều đàn ông, thanh niên trong bản nghiện ma túy. Cơn nghiện khiến bao gia đình tan nát, bao người thân tàn ma dại.

“Bão trắng” chưa kịp qua, một cơn bão đau thương khác lại ập tới- bão HIV. Những người đàn ông nghiện ngập, nhiễm HIV, lây truyền cho nhau, rồi truyền cho vợ con. Bản Poọng có chưa đầy trăm nóc nhà, nhưng có tới vài chục cặp vợ chồng cùng nhiễm HIV. Nhiều gia đình, cả vợ và chồng cùng qua đời vì căn bệnh quái ác, để lại những đứa con mồ côi, bơ vơ giữa núi rừng.

Bản Pọng thay da đổi thịt từng ngày, không còn người chết vì hút thuốc phiện và HIV.

Bản Pọng thay da đổi thịt từng ngày, không còn người chết vì hút thuốc phiện và HIV.

Chúng tôi gặp Hà Thị Thoái trong căn nhà sàn u buồn, hoang vắng của em. Khi ấy, Thoái mới 15 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đều do bệnh AIDS. Thoái sống cùng bà ngoại già yếu và cậu em trai chưa đầy 10 tuổi - Hà Văn Thường. Vì bố mẹ- những lao động trụ cột đã qua đời - nên cuộc sống của bà cháu Thoái vô cùng đói khổ. Bữa cơm trưa hôm ấy chỉ có “ếp khẩu” cơm nếp nguội và niêu canh rau rừng lõng bõng.

Ngày ngày, Thoái vượt qua con dốc ngoằn ngoèo đầy sỏi đá lên nương, rồi lại trở về, mà không biết con đường ấy sẽ dẫn mình đi về hướng nào của tương lai. Khi tôi hỏi “Có nhớ bố mẹ không”, Thoái cúi mặt trả lời “Nhớ lắm nhưng biết làm sao được”. Ánh mắt của cô bé tuổi 15 khiến tôi ám ảnh mãi không thôi.

Mùa xuân này, chúng tôi có dịp trở lại bản Poọng trong một chuyến công tác. Mọi thứ đều đổi khác không ngờ.

Đường từ thị trấn Mường Lát vào bản được đổ bê tông, đi ô tô chỉ mất vài chục phút. Bản Poọng giờ được xây dựng thành khu tái định cư mới khang trang. Những nếp nhà sàn thẳng hàng thẳng lối, được quy hoạch tập trung trên khu đất cao ráo, vững chãi.

Chị cán bộ văn hóa xã Tam Chung cho biết, nhờ sự quản lý, giám sát, tuyên truyền vận động của chính quyền và lực lượng biên phòng, bây giờ, bản không còn người nghiện. Những người mắc căn bệnh thế kỷ cũng không còn nhiều, đều được chăm sóc y tế, phổ biến kiến thức đầy đủ để tự bảo vệ mình và mọi người.

Hỏi thăm Thoái, người trong bản cho biết, em đã đi lấy chồng trên bản Na Tao, xã Pù Nhi (cách đó chừng vài chục cây số), có cuộc sống yên ấm với gia đình nhỏ. Còn cậu bé Thường, giờ là học sinh lớp 9, trọ học ngoài trung tâm xã, cuối tuần mới về bản.

Bản Poọng đã đi qua “bão trắng” rồi “bão AIDS”, và những đứa trẻ nơi này, giờ không còn mồ côi.

…Đến Pù Ngùa nở hoa

Cùng chuyến đi về vùng biên Mường Lát, chúng tôi thăm lại bản Pù Ngùa, một bản làng người Mông heo hắt trên đỉnh Pù Nhi. Ở Pù Ngùa, có rất nhiều đứa trẻ mồ côi, bởi mẹ của chúng đã tìm đến lá ngón để “về trời”.

Lá ngón là loài cây có vẻ ngoài rất đỗi hiền lành. Đặc biệt, vào cuối thu đầu đông, cây nở hoa vàng rất đẹp. Thế nhưng, loài cây ấy mang trong nó chất độc chết người. Tự bao đời, người Mông ở Pù Ngùa có nỗi sợ vô hình đối với cây ngón.

Người ta tin rằng, trong cây ngón có con ma. Con ma ấy thường hóa thành cô gái đẹp, tìm cách dụ dỗ con người đi tìm cái chết. Nếu ăn lá ngón, linh hồn người chết sẽ được về trời, sống một cuộc đời không còn buồn đau, tủi nhục. Cũng bởi quan niệm ấy mà người Mông, đặc biệt là phụ nữ, rất dễ dàng tìm đến lá ngón mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống.

Người dân bản Pù Ngùa đi chặt cây lá ngón.

Trong căn nhà tuyềnh toàng cheo leo trên mô đất cao ở Pù Ngùa, anh Thao Văn Chía một mình nuôi 2 con nhỏ: Thao Duy Cúc và Thao Thúy Vân. Nhiều năm về trước, khi đang mang thai đứa con thứ 3, một hôm, vì có việc, vợ Chía đi mượn tiền. Không mượn được, lại thêm giận dỗi chồng, chị lên nương tìm lá ngón ăn rồi qua đời, mang theo đứa con trong bụng và để lại 2 đứa trẻ mồ côi.

Ở Pù Ngùa, hầu như nhà nào cũng có người tự tử vì lá ngón. Cách nhà Chía vài trăm mét, nhà của Va May A còn bi kịch hơn, khi có tới 3 người phụ nữ cũng tự tử. Đau xót nhất là Va Thị Vá, con gái của May A.

Mấy năm trước, chỉ vì xin bố mẹ 200 nghìn đồng đi chợ huyện không được, Vá lên nương tìm lá. Khi người thân phát hiện ra, Vá đã qua đời, mãi mãi dừng lại ở tuổi 16- lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái.

Bây giờ, bản Pù Ngùa khác xưa nhiều. Con đường vào bản, mấy năm trước còn lầy lội đầy bùn đất, nay đã được lát bê tông. Các biện pháp tuyên truyền, vận động bà con về tác hại của cây lá ngón được các cấp chính quyền tích cực thực hiện.

Dân bản tổ chức chặt cây ngón, nhằm loại bỏ loài cây độc này khỏi khu dân cư. Những đứa trẻ ở tuổi đến trường được thầy cô giáo hướng dẫn tránh xa cây ngón… Nhờ đó, tình trạng tự tử bằng lá ngón của dân bản, đặc biệt là phụ nữ giảm xuống rõ rệt. Đời sống của đồng bào cũng thay da đổi thịt.

Mấy năm nay, đồn biên phòng Pù Nhi tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ bà con xây dựng mô hình kinh tế trồng nghệ, trồng táo mèo. Bây giờ, hoa đã nở ở Pù Ngùa, nhưng không phải là thứ hoa ngón chết người, mà là hoa của những nương nghệ, nương táo đang hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Sa Ná bừng dậy sau thảm họa kinh hoàng

Hơn một năm trước, vào tháng 8/2019, khi mưa lớn đổ xuống Thanh Hóa, một trận lũ kinh hoàng quét qua bản Sa Ná, xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn. Trong tai ương khủng khiếp ấy, một phần bản Sa Ná bị san bằng, hơn 20 nhà dân bị cuốn trôi, 10 người chết và mất tích. Cái còn lại sau đợt lũ quét là một Sa Ná tang thương, với nỗi đau cùng cực.

Cứ ngỡ, sẽ phải rất lâu Sa Ná mới có thể gượng dậy sau mất mát....

Cánh đồng này từng là nơi ở của người dân bản Sa Ná bị lũ quét trắng, cuốn trôi hết nhà cửa.

Nhưng, những ngày này, trở lại Sa Ná, mới thấy sự hồi sinh kỳ diệu của bản nhỏ. Nền bản cũ, nơi xảy ra tai ương kinh hoàng, giờ biến thành cánh đồng rau tươi tốt. Người dân san đất canh tác, trồng rau, vừa để cải thiện cuộc sống hàng ngày, vừa để nhanh chóng quên đi ký ức buồn đau. Những mầm xanh bắt đầu trổ lộc, báo hiệu cuộc tái sinh.

Cách đó chưa đầy 1 km, khu tái định cư Sa Ná được xây dựng quy mô, bề thế. Tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu, lựa chọn khu đất cao, an toàn, tránh nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. 51 nếp nhà khang trang được quy hoạch thẳng, hàng thẳng lối và đẹp mắt. Đặc biệt, căn nhà nào cũng trồng đầy hoa xung quanh.

Một năm sau thảm họa, những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến trường. Các cô gái cùng nhau dệt vải. Người dân chăm chỉ làm ăn…. Sa Ná giờ không còn hộ nghèo, trở thành bản Nông thôn mới kiểu mẫu. Một Sa Ná đau thương đang bừng lên sức sống mới. Một Sa Ná đã vượt qua ám ảnh tai ương để phát triển ổn định và bền vững.

Điểm trường Tiểu học ở Sa Ná khang trang, học sinh không còn bỏ học nhiều như trước.

Trên dải đất miền Tây xứ Thanh, còn có biết bao bản làng như bản Poọng, Pù Ngùa, Sa Ná… Đi qua tai ương khắc nghiệt của tự nhiên; đi qua hủ tục lạc hậu và mông muội truyền đời; đi qua cả những thách thức của cuộc giao lưu, tiếp biến về văn hóa trong thời đại hôm nay… các bản làng ấy vừa giữ gìn bản sắc, vừa chuyển mình phát triển, để xuân này, khoe vẻ đẹp tươi mới, giàu sức sống và đầy hy vọng.

Lam Giang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-ban-lang-phia-tay-o-thanh-hoa-ru-bo-bao-trang-la-ngon-de-hoi-sinh-ar595361.html