Những bàn tay vàng chạm nét đẹp quê hương

Làng Chuôn Ngọ nằm bên bờ sông Nhuệ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) nổi tiếng với nghề khảm trai cổ truyền, có truyền thống gần 1000 năm. Những nghệ nhân nơi đây đang tiếp bước cha ông trên con đường đổi mới, xây dựng phát triển làng văn hóa có nghề truyền thống hấp dẫn, giàu tiềm năng kinh tế và du lịch.

Văn hóa và Phát triển

Nghệ nhân khảm trai đang chế tác sản phẩm. Ảnh: HOÀNG BÍCH

Nghệ nhân khảm trai đang chế tác sản phẩm. Ảnh: HOÀNG BÍCH

Công phu, tinh xảo cùng nghề

Theo con đường bê-tông sạch bóng, chúng tôi đến làng Chuôn Ngọ thanh bình, nơi có những "bàn tay vàng" đã chạm khắc nên những bức tranh sống động khiến bao khách hàng trong và ngoài nước yêu thích, say mê. Trong làng, vang lên những tiếng đục, đẽo, tách, tỉa, cho thấy không khí lao động miệt mài. Chuôn Ngọ đang chuyển mình trước bước tiến của thời gian và thời buổi làm ăn kinh tế; lại vẫn mang nét hồn hậu, chất phác của những bàn tay, khối óc đã làm nên một hình ảnh mang thương hiệu quốc gia.

Người cho chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất về đặc trưng của nghề truyền thống nơi đây là nghệ nhân Trần Bá Năm. Ngồi bên, xem ông làm việc, dễ dàng nhận ra một phong thái nghệ thuật không thể lẫn với bất kỳ ai. Ông là một nghệ nhân tài hoa với những dòng sản phẩm mang đậm cái "thần" của người nghệ nhân phả vào trong đó. Cả đời làm ra bao sản phẩm giá trị, nhưng bức Thiên đô chiếu, theo như ông khẳng định, vẫn là đặc sắc nhất. Để có được dòng sản phẩm ấy, khâu đầu tiên phải nói đến là lựa chọn nguyên liệu. Tự tay nghệ nhân đã lựa chọn từng vỏ trai, vỏ ốc thô mang về; đích thân quán xuyến công đoạn gia công làm mềm, mài nhẵn và ép phẳng rồi cuối cùng chọn lấy phần nguyên liệu tinh khiết loại một (phần gần miệng ốc) dùng để truyền thần vào tranh. Đây là tác phẩm khảm ốc xà cừ lớn nhất nước ta, thể hiện thành công bức Chiếu dời đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Năm chia sẻ, mỹ nghệ xà cừ là hàng cao cấp. Để hoàn thiện một bức tranh phải tốn bao công sức và tâm huyết của người thợ. Nguyên liệu nhập với giá cao, khó làm, lắm công phu, nhiều công đoạn. Nhưng khi đã hoàn thành thì trở thành kho báu vô cùng quý giá, có giá trị lưu truyền ngàn đời. Ông Năm tự hào khi nói đến người thầy của mình, cụ Trần Minh Sỹ, một người thợ tài hoa hiếm có trong nghề khảm trai. Được mệnh danh là "phù thủy" của nghệ thuật chạm khảm, phối mầu; từ những nguyên liệu không dùng đến như xương ốc, ông Trần Minh Sỹ có thể tạo ra dòng sản phẩm tuyệt mỹ và ấn tượng như đồ trang trí, lưu niệm...

Làm tranh khảm trai là một quá trình khổ luyện, người học thì nhiều nhưng người đạt đến trình độ truyền thần vào dòng tranh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kỹ thuật làm tranh có nhiều công đoạn. Từ việc xẻ, mài, ép ốc và trai. Ở đây, người thợ xẻ cứ theo ba đường gân nổi trên mình ốc, lọc bỏ lớp vỏ ngoài, vỏ trong, lấy lớp tinh khiết ở giữa. Sau đó, mài nhẵn lớp đã chọn, đem lát cắt ốc hơ lên đầu ngọn đèn dầu, mặt trên đỡ bằng que đóm được ngâm trong bùn ao lâu ngày, vì ốc này nhiều can-xi cho nên khi gặp nhiệt độ cao sẽ dễ miết thẳng ra. Các công đoạn không hề có sự tham gia của máy móc, vì nếu dùng máy ép, ốc sẽ bị vỡ vụn. Công đoạn thứ hai là châm vạch ốc, lấy kim vạch mảnh ốc theo mẫu hoa văn. Sau đó là kỹ thuật chạm đục trên mặt gỗ rồi lấy mảnh ốc đã châm vạch gắn xuống mặt gỗ. Tiếp đến là công đoạn mài, đánh bóng, tỉa gọt. Gỗ được chọn làm mặt tranh là gỗ gụ, loại gỗ này khi đánh bóng sẽ có mầu nâu trầm rất hòa hợp với mầu trai, ốc. Kết thúc các công đoạn nêu trên, người thợ sẽ bước vào khâu truyền thần cho tranh. Tất cả kỹ thuật chạm khảm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác tuyệt đối và bề dày kinh nghiệm của những đôi bàn tay tài hoa. Tinh xảo, hoàn mỹ tới mức, họa tiết trong tranh có thể chạm "nhỏ như một sợi chỉ". Mầu sắc tranh phụ thuộc vào hướng gắn của chiều ốc, trai; ngược chiều thì tranh không sáng và có khi không nổi mầu tự nhiên theo ý muốn của người thợ chế tác.

Sinh trưởng trong một gia đình có năm đời làm nghề khảm trai, từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng đã được sống trong một không khí làm nghề sôi động. Ông nội anh là cụ Nguyễn Văn Tố, người được xem là cụ tổ của nghề. Cha là Nguyễn Thiết Trình, cũng là một nghệ nhân tài hoa có tiếng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, Nguyễn Xuân Dũng luôn trăn trở tìm hướng giữ nghề để phát huy tinh hoa do cha ông để lại. Bức khảm trai Chân dung Hồ Chủ tịch, bức Chợ quê đậm đà phong vị dân gian, cùng với bức Tào Tháo hiến cẩm bào (tác phẩm được Chương trình Nghệ thuật Đông Dương trao tặng giải Bàn tay vàng năm 1999) đều là những tác phẩm hoàn mỹ, độc đáo, làm nên tên tuổi của nghệ nhân này. Bên cạnh lớp đi trước, có thể dễ dàng gặp được ở Chuôn Ngọ những nghệ nhân mà dẫu tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng những tác phẩm họ làm ra có thể sánh ngang những nghệ nhân bậc thầy trong nghề. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng sinh năm 1980, chỉ mới vào nghề khoảng năm đến sáu năm nhưng đã được đánh giá là một tài năng đầy triển vọng với những tác phẩm mộc mạc, bình dị, mang nét riêng. Chế tác chân dung Bác Hồ là niềm say mê bất tận và cũng là tâm huyết của cả cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng. Đó không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà cao hơn cả, còn thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính của anh với Bác Hồ. Bức Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của anh đã đoạt giải thưởng Tinh hoa làng nghề. Hơn ai hết, anh xứng đáng là lớp nghệ nhân kế thừa những tinh hoa của làng nghề nghìn năm tuổi này.

Gian hàng của làng nghề Chuôn Ngọ tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ 3. Ảnh: HOÀNG BÍCH

Sáng tạo để vươn xa

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với đà phát triển của nền kinh tế thị trường, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm của làng nghề Chuôn Ngọ dần được mở rộng; sản phẩm của làng nghề không chỉ sử dụng ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... mà còn chinh phục cả những thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Sản phẩm làm ra tới đâu bán hết tới đó, bởi đều là do khách hàng đến tận nhà đặt mua, đến tận nơi để nhận hàng. Bây giờ, lớp nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đang không ngừng chủ động cải tiến dần kỹ thuật, sáng tạo nhiều dòng mẫu mã đa dạng, chế tác đồ trang trí, lưu niệm như hộp, khay trầu, ấm tích, câu đối và bắt đầu kết hợp với dòng tác phẩm chạm nổi bằng xương ốc, trai tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, mang tính kỹ thuật và thẩm mỹ cao nhưng vẫn giữ được phong cách truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi hướng ra xuất khẩu, chinh phục thị trường nước ngoài.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết tâm sự, đã là nghệ nhân thì phải có ý thức tìm tòi, sáng tạo, và chỉ có sáng tạo không ngừng mới tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo và đáp ứng thị hiếu thời đại. Bức Bình phong sáu tấm khảm hai mặt là một trong những tác phẩm độc đáo đã làm nên tên tuổi của anh, tác phẩm được tỉnh Hà Tây (trước đây) trao giải "Tuổi trẻ sáng tạo", sau này được khách yêu tranh Hàn Quốc tìm đến mua lại. Sức sáng tạo không ngừng của lớp nghệ nhân làng nghề đã làm nên "danh thơm" không những vang xa khắp mọi miền Tổ quốc mà còn nức lòng bè bạn bốn phương.

Ngoài việc tìm thị trường cho sản phẩm, các nghệ nhân ở Chuôn Ngọ vẫn có những trăn trở, khi làng nghề chưa có trung tâm thương mại để trao đổi, giao lưu kinh tế - văn hóa và bày bán sản phẩm. Một làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi đậm nét cổ kính, nơi sản sinh ra những thế hệ nghệ nhân khéo léo, tài hoa đáng lẽ ra phải là một điểm đến hấp dẫn cho du khách, nhất là những người yêu tranh khảm trai. Hy vọng, những trăn trở ấy sẽ được chính quyền địa phương có hướng giải quyết, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, hình thành không gian bày bán sản phẩm, tiến tới phát triển thành điểm du lịch làng nghề để nghề truyền thống của làng được tỏa sáng hơn. Đó cũng sẽ là cách tôn vinh, động viên và góp phần gìn giữ lửa nghề cho người dân Chuôn Ngọ, cho Những bàn tay vàng chạm nét đẹp quê hương (Thơ của Lại Hồng Khánh).

VŨ PHƯƠNG PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/38431302-nhung-ban-tay-vang-cham-net-dep-que-huong.html