Những bạn trẻ 'dành cả thanh xuân' cho lịch sử

Mong muốn lan tỏa tình yêu lịch sử tới cộng đồng, nhóm bạn trẻ đã kết nối với nhau tạo ra những sản phẩm về lịch sử Việt Nam.

Những bạn trẻ yêu lịch sử (từ trái qua, hàng trên): Minh Tuấn, Dũng Phan, Phan Thanh Nam, Phạm Vĩnh Lộc - Ảnh nhân vật cung cấp

Những ngày đầu năm 2018, hồi 1 mang tên Giấy của Tử chiến thành Đa Bang, dự án phim dã sử thực hiện theo lối diễn họa (animation) của nhóm Việt sử kiêu hùng, do Trần Minh Tuấn (30 tuổi, tốt nghiệp khoa Điện - Điện Tử, Trường đại học Bách khoa TP.HCM) làm trưởng nhóm đã ra mắt cộng đồng, nhiều người đã gửi họ những lời khen ngợi kèm theo sự ngưỡng mộ.

Theo chia sẻ của nhóm, để sản xuất 17 phút phim, 8 thành viên và hơn 20 tình nguyện viên đã mất khoảng 2 tháng rưỡi và phải gác hết công việc bên ngoài.

“Cả 8 người chúng tôi đều yêu thích lịch sử và say mê tìm tòi. Ngoài ra, chúng tôi có 2 chuyên gia cố vấn lịch sử, một người trong đó là tiến sĩ Việt Nam học Nguyễn Phương Anh, giảng viên Học viện An ninh Nhân dân Hà Nội”, anh Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn, người hết mình với tình yêu lịch sử - Ảnh: Thúy Hằng

Khoảng giữa tháng 4, phần ngoại truyện của Tử chiến thành Đa Bang sẽ ra mắt công chúng trẻ, theo Minh Tuấn đây sẽ là phần rất đáng xem và hấp dẫn.

Làm việc miệt mài không thù lao

Trần Minh Tuấn mới đưa mẹ từ thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp lên Sài Gòn để có thể hỗ trợ nhóm Việt sử kiêu hùng của các anh về phần hậu cần, cơm nước.

Tuấn cũng may mắn có những người đồng hành rất giỏi về lịch sử và tâm huyết với các dự án cộng đồng. Đó là anh Phan Thanh Nam, 32 tuổi, ngoài việc cố vấn những kiến thức về lịch sử, anh còn cho nhóm Việt sử kiêu hùng mượn một căn nhà ở TP.HCM để có nơi làm việc; anh Dũng Phan, 30 tuổi, kỹ sư xây dựng; anh Phạm Vĩnh Lộc, 28 tuổi, công việc chính là hướng dẫn viên du lịch nhưng đều nổi tiếng trong cộng đồng với kiến thức, kho tri thức về lịch sử.

Một buổi trò chuyện về lịch sử với các bạn trẻ do anh Phạm Vĩnh Lộc làm diễn giả - Ảnh anh Tuấn cung cấp

Chia sẻ với Thanh Niên, Tuấn cho hay đến nay Việt sử kiêu hùng chi hơn 200 triệu đồng để phục vụ các tập phim, từ việc vẽ, lồng tiếng, dựng phim… Trong tương lai con số này sẽ còn phải hơn, tất cả đều nhờ vào tiền túi bỏ ra của các thành viên, sự đóng góp của cộng đồng. Còn lại, cả 8 thành viên, làm ngày làm đêm, mong muốn sản xuất ra những phút phim chất lượng nhất, đều không có thù lao.

Trần Minh Tuấn bày tỏ, họ mong muốn những thước phim và trong tương lai sẽ là những cuốn sách của mình, có thể được cộng đồng chọn lựa, say mê nghiền ngẫm, khi đó, tình yêu với lịch sử mới được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Anh bộc bạch: “Tôi luôn tin rằng rất cả mọi người dân nước Việt đều có tình yêu với lịch sử, và mọi người đều đang chờ đợi một tác phẩm xứng đáng để có thể thể hiện được tình yêu lịch sử đó ra thôi”.

Start-up với lịch sử

Minh Tuấn sinh ra trong một gia đình 3 anh chị em tại Quảng Trị, sau một biến cố gia đình anh dọn vào Cao Lãnh, Đồng Tháp để sinh sống. Theo lời kể của Tuấn, mẹ anh từng là một “siêu nhân” từng du học tại Nga và cũng tại đất nước này, bà gặp bố của Tuấn và kết hôn. Khi về tới Quảng Trị, họ là một trong những gia đình rất giàu có tại đây, tuy nhiên sau đó làm ăn thua lỗ. Tuấn lớn lên và chứng kiến sự bình thản, an nhiên của mẹ với mọi biến cố trong đời.

“Tôi hiểu ra rằng, tiền bạc là phù du, một ngày nào đó ta thức dậy và chẳng còn gì ở cạnh mình. Vậy tại sao mình không làm những gì mình đam mê, hứng thú, để sau này không còn gì phải hối hận?”, Tuấn nói về lý do nhiều người ngạc nhiên hỏi anh, tại sao một người học rất giỏi, từng là học sinh trường chuyên ở Đồng Tháp, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.HCM đang theo đuổi những dự án cộng đồng, không mang về cho mình nhà cửa, tiện nghi và sự giàu có vật chất.

Anh Tuấn luôn cho rằng, cuộc sống phải dám đi đến tận cùng những đam mê - Ảnh NVCC

Tuấn luôn trăn trở là tại sao nhiều người giỏi như vậy vẫn chưa thể sống được với nghề làm về lịch sử, mà đa số phải làm một việc khác để nuôi sống bản thân? Tuấn cũng chia sẻ mong muốn kết nối tất cả những người yêu lịch sử trong một buổi tọa đàm về cách sống với nghề lịch sử sẽ được tổ chức trong thời gian sắp tới.

Lớn hơn nữa, Tuấn và những người cùng chí hướng đang ấp ủ dự án có thể khởi nghiệp, start-up với lịch sử. “Một doanh nghiệp xã hội có thể giúp những người yêu thích lịch sử sống được với niềm đam mê, để cho ra mắt những sản phẩm xuất sắc về lịch sử nước nhà. Đó có thể là sách, truyện tranh, phim hoạt hình, vật phẩm,… Sẽ còn rất nhiều việc để làm, và biết trước sẽ cực kỳ khó khăn, nhưng ít nhất phải cùng nhau cố hết mình một lần. Cứ làm đã, thành bại tính sau” Tuấn bộc bạch.

Thúy Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nhung-ban-tre-danh-ca-thanh-xuan-cho-lich-su-947494.html