Những bất cập lớn của Nga trong dự án chế tạo siêu tàu đổ bộ tấn công

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch chi 1,3 tỷ USD để đóng cho hải quân nước này 2 tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng, dự kiến chính thức đi vào phục vụ từ năm 2026, nhưng ngay lúc này đã có nhiều ý kiến chỉ ra sự bất cập của chương trình.

Khi hai tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp Mistral chế tạo ở Pháp không đến được với Nga, Moskva đã phải đối mặt với câu hỏi thay thế chúng bằng phương tiện nào.

Họ đã nói về điều này trong một thời gian dài, cân nhắc những ưu và nhược điểm, và cuối cùng quyết định chế tạo hai con tàu hoàn toàn mới cho hạm đội, được gọi là tàu đổ bộ vạn năng (UDC).

UDC là một con tàu có sàn cất hạ cánh cho máy bay và cả khoang đổ bộ ngập nước. Nó có khả năng đưa binh lính lên bờ, có không gian chứa trực thăng và xe bọc thép, đảm nhiệm cả vai trò tàu chỉ huy hay trung tâm tiếp tế và bệnh viện dã chiến.

Với sự trợ giúp của UDC, cuộc đổ bộ có thể diễn ra một cách rất thuận lợi khi cả trực thăng vũ trang, xe thiết giáp lội nước hay thậm chí là lính dù được triển khai từ nền tảng này.

Các chuyên gia quân sự gọi UDC là "người lính vạn năng", một con tàu như vậy không thể rẻ được. Tuy nhiên bản thân UDC không phải một hệ thống mà chỉ là phương tiện liên kết.

Để trở thành một đơn vị chiến đấu phổ quát, trực thăng và xe thiết giáp với các đặc tính chiến thuật tối ưu phải được tạo ra riêng cho chiếc tàu đổ bộ tấn công này.

Phương tiện được chế tạo đặc biệt để sử dụng từ những con tàu đó, và thậm chí là tổ chức thường xuyên của thủy quân lục chiến cũng như thiết kế của tàu phải tương ứng với nhau.

Chính ở giai đoạn này, sự không hoàn hảo của dự án đã được thể hiện. Thứ nhất, theo các chuyên gia, trước khi thiết kế UDC cần phải có sự sẵn sàng với tất cả các thiết bị và phương tiện nói trên chứ không phải ngược lại.

Thứ hai, UDC được phát triển bởi Cục thiết kế Zelenodolsk (ZPKB), đơn vị này chưa từng có kinh nghiệm làm việc với mẫu tàu mặt nước đặc biệt phức tạp như vậy.

Thứ ba, sự lựa chọn nhà sản xuất có vẻ lạ. Doanh nghiệp Zaliv trong nhiều năm nằm trong phạm vi quyền lực của Ukraine và trong thời gian này nó đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Thứ tư, trở lại với công nghệ trên tàu UDC, điều đáng nhớ là ngày nay Nga không sở hữu trực thăng vận tải, cũng không có máy bay đổ bộ đa năng được sản xuất đặc biệt cho tàu.

Tất cả những chiếc trực thăng Ka-29 được lên kế hoạch sử dụng trên tàu Mistral và Ivan Gren đều chế tạo từ thời Liên Xô và được phục hồi sau nhiều năm cất giữ. Nhưng chúng không đủ cho hai dự án trên.

Đã có lúc giới quân sự nói về sự xuất hiện trong tương lai của trực thăng hàng hải thế hệ mới Lamprey nhưng dự án chưa có dấu hiệu được khởi động. Do đó câu hỏi về việc trực thăng nào sẽ cất hạ cánh từ UDC vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó cũng có một vấn đề đối với tàu đổ bộ đệm khí và xe chiến đấu bộ binh, trong trường hợp không có sự hiện diện của chúng thì UDC mất hết ý nghĩa.

Có một dự án thú vị, Omsktransmash với các kỹ sư tài năng đã hứa hẹn một phương tiện chiến đấu bộ binh thế hệ mới. Nhưng các chuyên gia đánh giá đề nghị của Omsk là rất tốn kém và khó khăn về kỹ thuật.

Với chiếc xe tăng đắt tiền và phức tạp T-14 Armata, chưa chứng minh được rằng nó xứng đáng với số tiền đầu tư, không chắc một ai đó sẽ muốn bước chân vào lối mòn cũ.

Tóm tắt tất cả những điều trên, giới chuyên gia cho rằng dự án UDC vẫn còn "thô sơ", có thể không phù hợp với hệ thống hải quân của đất nước và có nguy cơ chỉ là một con tàu nằm trên giấy.

Để có được những bản thiết kế đầy đủ và hợp lý cả về tàu đổ bộ tấn công vạn năng lẫn phương tiện tác chiến đi kèm, Nga sẽ còn rất nhiều việc phải làm và mốc thời gian 2026 khó mà thành hiện thực.

Bạch Dương (Theo Topwar)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nhung-bat-cap-lon-cua-nga-trong-du-an-che-tao-sieu-tau-do-bo-tan-cong/852545.antd