Những bất cập trong Luật Doanh nghiệp - Bài 1: Loạn đăng ký kinh doanh

LTS: Thời gian qua, Luật Doanh nghiệp liên tục sửa đổi để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động như rút ngắn thời gian cấp phép, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp… Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp 'dở khóc dở cười' vì bị vướng trong chính các quy định của luật.

Cụ thể, thời gian cấp phép một ngày, nhưng sai sót khiếu kiện nhiều năm; trao quyền cho cán bộ cấp phép, nhưng khi sai lại không có quy định xử lý… Hiện dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp đang được tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các ngành, các cấp và loạt bài này sẽ nêu ra một số bất cập cần sửa đổi.

Rất nhiều trường hợp phát hiện nhà mình tự nhiên trở thành trụ sở của công ty nào đó, hoặc mất giấy chứng minh nhân dân, bỗng dưng trở thành chủ doanh nghiệp, bị công an triệu tập vì… nợ thuế. Luật Doanh nghiệp liên tục sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, được tự do kinh doanh, được cấp phép kinh doanh trong vòng 1-3 ngày… Thế nhưng, quyền lợi của người “bỗng dưng thành chủ nợ” này không ai xử lý.

Hoang mang

Chị Nguyễn Thị T. (nhà ở quận Bình Tân, TPHCM) bức xúc, tự dưng nhà chị là trụ sở của một doanh nghiệp nào đó, trong khi chị chưa bao giờ ký hợp đồng cho thuê hay cho mượn nhà làm trụ sở. Chuyện trở nên ly kỳ hơn khi nhà riêng của một chi cục trưởng chi cục thuế trở thành trụ sở của nhiều doanh nghiệp, khiến ông tá hỏa! Các doanh nghiệp này tồn tại nhiều năm, đến khi doanh nghiệp bỏ trốn với quá nhiều hóa đơn “ma” mới bị phát hiện. Thắc mắc là với quy trình hiện nay khi doanh nghiệp thành lập, thông báo sử dụng hóa đơn thì cán bộ thuế phải đến kiểm tra trụ sở xem có thật không, có treo bảng hiệu công ty tại trụ sở hay không… mà sao một doanh nghiệp “ma” tồn tại trong nhà lãnh đạo nhiều năm lại không biết. Hỏi ra mới hay, nguyên nhân rất “tế nhị” là vì trụ sở tại nhà sếp nên cán bộ tin tưởng không cần kiểm tra!

Nhà người dân có thể tự nhiên trở thành trụ sở doanh nghiệp nào đó. Ảnh: CAO THĂNG

Nhà người dân có thể tự nhiên trở thành trụ sở doanh nghiệp nào đó. Ảnh: CAO THĂNG

Anh Nguyễn Văn L. đang làm việc tại TPHCM, bỗng dưng nghe gia đình ngoài quê thông tin vừa nhận được giấy triệu tập của công an vì anh là… chủ doanh nghiệp mua bán hóa đơn giả và nợ thuế khiến anh phát hoảng. Anh L. gọi cho chúng tôi kêu cứu, kiểm tra lại mới thấy số chứng minh nhân dân trong hồ sơ doanh nghiệp là cái mà anh đã làm mất nhiều năm trước và anh đã làm lại chứng minh thư mới ngay sau đó. Tuy nhiên, anh không thể bỏ công ăn việc làm về quê theo giấy triệu tập của công an nên phải làm bản tường trình việc mất giấy chứng minh nhân dân, kèm chứng minh thư mới gửi về quê. Tự dưng phải giải trình, mà anh còn phải sống trong thấp thỏm. Tương tự, chị Nguyễn T. H. ở quận 4, TPHCM, cũng bị mất chứng minh nhân dân, đã báo cớ mất và làm lại chứng minh thư ngay sau đó. 3 năm sau, chị phát hiện mình đứng tên chủ doanh nghiệp theo số chứng minh nhân dân cũ. Sợ bị trách nhiệm, chị báo công an, cơ quan thuế và sở KH-ĐT (nơi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp mang tên chị), nhưng nơi nào cũng tiếp nhận mà không thấy xử lý. Hỏi thì sở KH-ĐT địa phương trả lời đang mời “chủ” doanh nghiệp lên làm việc nhưng… chưa lên!

Trao quyền, không giao trách nhiệm

Theo quy định hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, người dân chỉ cần cầm giấy chứng minh nhân dân đến sở KH-ĐT địa phương làm thủ tục theo mẫu. Riêng Sở KH-ĐT TPHCM có cán bộ hỗ trợ, chỉ cần nói yêu cầu, cán bộ làm trên máy, in ra, người dân chỉ cần ký là nộp ngay. Thậm chí, người dân có thể làm hồ sơ tại nhà gửi đến Sở KH-ĐT, sau khi được kiểm tra, chỉ cần in ra và nộp. Nếu không muốn đến lấy giấy phép, có thể đăng ký trả kết quả tận nhà. Các thủ tục khác như khắc dấu, liên kết mã số thuế… cũng được Sở KH-ĐT liên thông một đầu mối, bà con không phải đi lại nhiều lần. Thời gian cấp phép thành lập doanh nghiệp cũng chỉ từ 1-3 ngày.

Giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh cho người dân tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thế nhưng, luật lại không buộc người đăng ký kinh doanh phải chứng minh trụ sở doanh nghiệp, tức không cần chứng minh nhà sở hữu, hay phải có hợp đồng thuê, mượn địa điểm làm trụ sở. Người đăng ký kinh doanh có thể cung cấp bất kỳ địa chỉ nào và tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký của mình. Theo Luật Doanh nghiệp, cán bộ tiếp nhận chỉ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ (tức khai đủ các tờ khai, nộp đủ hồ sơ) mà không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp (khai sai, cung cấp thông tin, giấy tờ sai). Do vậy, có trường hợp người dân nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà riêng ở cư xá, cán bộ đăng ký kinh doanh từ chối vì theo quy định không cấp phép tại chung cư, cư xá… Thế là thông qua cò, hồ sơ trót lọt. Từ đó đặt ra nghi vấn khi nào cán bộ không biết, khi nào cán bộ làm lơ là không xác định được, vì luật không quy định trách nhiệm cán bộ khi cấp sai.

Vì luật quy định giao toàn quyền cho người dân, doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, từ đó phát sinh tình trạng dùng địa chỉ nhà người khác làm trụ sở doanh nghiệp; dùng giấy chứng minh nhân dân giả, chứng minh nhân dân của người khác đứng tên doanh nghiệp. Vì cán bộ không có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của hồ sơ nên kẻ gian lộng hành, thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn trục lợi. Còn trách nhiệm thì không được quy định rõ ràng nên người bị lạm dụng, bị lấy địa chỉ nhà làm trụ sở, bị đánh cắp chứng minh nhân dân để đứng tên chủ doanh nghiệp thì kêu cứu không ai giải quyết. Công an bỏ qua vì không có tính hình sự; Sở KH-ĐT thì không thẩm tra được vì mời doanh nghiệp không đến.

HÀN NI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-bat-cap-trong-luat-doanh-nghiep-bai-1-loan-dang-ky-kinh-doanh-606582.html