Những bất lợi của người đẹp Việt trên đấu trường Quốc tế

Rất nhiều đại diện Việt Nam từng được các Website bình chọn nhan sắc uy tín thế giới đánh giá cao nhưng cuối cùng vẫn không đạt kỳ vọng. Lý do vì đâu?

6 đại diện nhan sắc Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp Quốc tế 2018.

Vì đâu “tay trắng”?

So với các quốc gia đang phát triển trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước “chăm chỉ” trên hành trình chinh phục ngôi vị tại đấu trường nhan sắc quốc tế. Năm nay, 6 người đẹp được cử tham dự cuộc thi sắc đẹp thế giới đều là những cái tên được đánh giá cao: Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Hoa hậu hoàn vũ H'Hen Niê, Á hậu Bùi Phương Nga, Người đẹp nhân ái Nguyễn Thúc Thủy Tiên, Á hậu 2 Nguyễn Phương Khánh và Siêu mẫu Minh Tú.

Nhưng một thực tế đang xảy ra, dù thu hút sự chú ý và nhận được đánh giá tích cực về nhan sắc ngay từ khi đặt chân đến cuộc thi, song các người đẹp Việt đều nhận kết quả ra về “tay trắng”. Đến nay, vị trí cao nhất Việt Nam dành được có Thúy Vân - Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế 2015, Huyền My - Top 10 Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017, Top 11 Hoa hậu Thế giới 2015 của Lan Khuê, … Vậy rốt cuộc, Việt Nam thiếu gì để công phá bảng xếp hạng nhan sắc quốc tế?

Lật lại vấn đề này, nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính đó là thời gian để các người đẹp chuẩn bị “hành trang” quá vội vàng. Các cuộc thi Hoa hậu trên thế giới thường diễn ra vào cuối năm nên nhiều quốc gia tổ chức thi nhan sắc ngay từ đầu năm, hoặc lấy Hoa hậu từ năm trước đi thi. Như thế, đại diện của họ có thời gian dài chuẩn bị tâm lý, rèn luyện kỹ năng, giúp cho các cô gái đủ bản lĩnh để tỏa sáng. Ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Trong khi cuộc thi trên thế giới sắp diễn ra thì Việt Nam vẫn đang chọn người đẹp. Từ một cô gái chưa từng đi trên đôi giày cao gót, chỉ trong khoảng 1-2 tháng thậm chí là vài tuần làm quen với sự nổi tiếng thì hành trang và kỹ năng của người đẹp đó chỉ có thể dừng lại ở mức trung bình. Đó là chưa kể đến việc phải chuẩn bị các trang phục, clip giới thiệu bản thân và đặc biệt là dự án Nhân ái nếu đến với Miss World.

Một lý do khác cũng góp phần vào kết quả “trắng tay” của người đẹp Việt đó là trình độ ngoại ngữ. Xét trên thực tế, việc một người đẹp đi thi quốc tế, điều kiện cần và đủ là tiếng Anh giao tiếp. Vừa để giao lưu với các thí sinh trong các hoạt động bên lề; vừa tự tin cho phần thi hùng biện và đối đáp cũng như ứng xử trực tiếp với Ban Giám khảo.

Nhìn lại trong 6 người đẹp dự thi đấu trường nhan sắc quốc tế năm nay, ngoại trừ Minh Tú là siêu mẫu đã dư thừa kinh nghiệm chinh chiến nước ngoài; Á hậu Bùi Phương Nga đang có màn thể hiện khá tự tin tại Miss Grand International diễn ra ở Myanmar thì khả năng giao tiếp khi sử dụng ngoại ngữ của các người đẹp còn lại đều đáng lo ngại. Nhất là khi mới đây, tại một sự kiện lớn diễn ra ở Paris, Hoa hậu Trần Tiểu Vy với vốn tiếng Anh ít ỏi đã bộc lộ yếu điểm khi giao tiếp.

Không nhất thiết vừa thi Hoa hậu xong đã đi thi quốc tế

Trước lo ngại về thời gian tổ chức Hoa hậu Việt Nam quá sát với các cuộc thi quốc tế, ông Lê Xuân Sơn - Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho biết: “Lịch trình của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được thiết kế cho phù hợp với nhóm thí sinh lớn nhất của cuộc thi là sinh viên các trường đại học và học sinh phổ thông tốt nghiệp trong thời gian diễn ra cuộc thi. Để không ảnh hưởng quá nhiều đến lịch học, lịch thi của các em. Các hoạt động chính của cuộc thi diễn ra trong mùa hè, các em được nghỉ sau khi các sinh viên thi cuối năm hoặc học sinh THPT thi tốt nghiệp xong. Thực tế là nhóm học sinh phổ thông như Nguyễn Hoàng Bảo Châu, Trần Tiểu Vy đều có thể thi tốt nghiệp đồng thời vào đến vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, thậm chí đoạt giải cao như Bảo Châu - Người đẹp Biển, Tiểu Vy - Hoa hậu.

Với việc trong những năm gần đây, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được nâng cấp, nhiều hoạt động nghiệp vụ và hoạt động hướng về cộng đồng được tổ chức hơn, thời gian của cuộc thi kéo dài hơn trước và Hoa hậu của chúng ta có ít thời gian chuẩn bị hơn cho cuộc thi Miss World, đó là một thực tế. Tuy nhiên, chúng ta có giải pháp khắc phục bớt ảnh hưởng của việc này. Thứ nhất, do cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức hằng năm mà cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2 năm mới tổ chức một lần, nên Hoa hậu nào chưa sẵn sàng cho cuộc thi đó thì có thể lưu lại năm sau đi dự thi. Như trường hợp Đỗ Mỹ Linh đăng quang năm 2016 nhưng năm 2017 mới đi thi Miss World. Năm trống đó chúng ta có thể lựa chọn người khác sẵn sàng hơn mà không sợ Việt Nam không được đi thi Miss World.

Thứ hai, nếu xét thấy Hoa hậu có thể dự thi quốc tế ngay, chúng ta sẽ cử đi với một chương trình hỗ trợ, đào tạo tăng cường. Ví dụ, trường hợp tân Hoa hậu Trần Tiểu Vy. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đánh dấu 30 năm Hoa hậu Việt Nam nên đã kéo dài, có nhiều hoạt động hơn thường lệ. Các thí sinh được luyện tập, trình diễn và thi nhiều hơn (tính từ vòng Sơ khảo đến Chung kết, thí sinh trải qua 10 cuộc thi – bài thi lớn nhỏ). Đồng thời năm nay các thí sinh được lên sóng truyền hình trực tiếp 5 lần chứ không phải 1-2 lần như các năm trước. Vì thế nhiều kỹ năng thí sinh đã được đào luyện, mài giũa, thí sinh gần như sẵn sàng cho cuộc thi quốc tế.

Về trường hợp Trần Tiểu Vy, một số điểm yếu như khả năng ứng xử trước công chúng, khả năng tiếng Anh, Công ty Sen Vàng Entertainment – đơn vị có bản quyền đưa thí sinh đi thi Miss World dự kiến sẽ khắc phục được trong vòng gần 2 tháng chuẩn bị với một chương trình hỗ trợ và đào tạo cường độ cao. Chúng tôi ủng hộ quyết định và quyết tâm của Sen Vàng vì thấy có thể làm được điều đó trên cơ sở tố chất con người và kiến thức nền mà Hoa hậu Trần Tiểu Vy có được vào thời điểm này”.

Trước sự quan ngại về khả năng ngoại ngữ của các người đẹp Việt khi ra quốc tế, đơn cử là trường hợp của Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy, ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh: “Trong thời gian cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, BTC đã tiến hành kiểm tra khả năng ngoại ngữ của các thí sinh và nhận thấy Trần Tiểu Vy có khả năng nghe, nói tiếng Anh thường thức tương đối khá so với một học sinh phổ thông bình thường. Chúng tôi đánh giá nếu có một chương trình học tập tăng cường với thầy giỏi thì trong một thời gian ngắn, trình độ nghe nói của cô có thể cải thiện để đáp ứng yêu cầu đi thi quốc tế”.

Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhung-bat-loi-cua-nguoi-dep-viet-tren-dau-truong-quoc-te-20181012190239853.htm