Những bất thường ở VFF: FIFA sẽ cám ơn nếu Chính phủ vào cuộc

Nhiều cuộc gọi đến tòa soạn cũng như rất nhiều bình luận của độc giả trên Báo Người Lao Động bày tỏ thắc mắc xen lẫn âu lo: Liệu khi Chính phủ can thiệp vào hoạt động VFF, FIFA sẽ cấm vận bóng đá Việt Nam?

Chúng tôi xin khẳng định khi Chính phủ chỉ đạo thanh tra LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhằm chống tiêu cực trong quá trình chuẩn bị tiến cử và bầu cử, LĐBĐ Thế giới (FIFA) không chỉ tán thành mà còn phải cám ơn vì đã giúp liên đoàn thành viên trở nên vững mạnh hơn, trong sạch hơn.

Cũng chính từ việc chống tham nhũng mà tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này đã buộc 2 nhân vật quyền lực là cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Âu Michel Platini phải từ bỏ cương vị do bị phát hiện đưa - nhận hối lộ. Thậm chí, ông Blatter còn bị cấm 8 năm không được tham gia điều hành bóng đá.

Ngoài Ủy ban Chống tham nhũng, FIFA còn có Ủy ban Đạo đức. Ông Michael Garcia - cựu kiểm sát liên bang, cựu Bộ trưởng Nhập cư và Hải quan Mỹ dưới thời Tổng thống Bush - đã được chỉ định làm Giám đốc Ban Điều tra nhằm làm sáng tỏ những vụ bê bối nhận hối lộ trong mua bán bản quyền truyền hình liên quan đến các quan chức FIFA.

Bên cạnh đó, thẩm phán người Đức Hans-Joachim Eckert được chỉ định làm Giám đốc Ban Xét xử. Ông Eckert từng là thẩm phán ở Tòa Hình sự Munich - Đức, tham gia nhiều phiên xét xử các vụ án tham nhũng, trong đó có vụ liên quan đến Tập đoàn Viễn thông Siemens. Thông điệp của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, người vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, rất rõ ràng: "FIFA cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, kỹ lưỡng để phát hiện và loại bỏ những cá nhân có hành vi sai phạm, những người tư lợi cá nhân và lạm dụng uy tín".

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (giữa) trong cuộc làm việc với VFF tại Hà Nội ngày 8-2 Ảnh: Hải Anh

Do vậy, những tuyên bố mạnh mẽ, công khai của 2 Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ nhằm vào nhóm người có biểu hiện đang khuynh đảo VFF là rất phù hợp với thông điệp chống tham nhũng của FIFA. Sau khi bầu Đức phản ánh sự bưng bít thông tin, lạm quyền và lật tẩy những sai trái của Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị đại hội VFF khóa 8, đến lượt ông Gụ cung cấp thông tin chi tiết hơn về sự tính toán nhân sự tại Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) của các lãnh đạo còn lại ở VFF.

Theo ông Gụ, lúc đầu, 3 người đại diện vốn cho VFF là Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (15%), ông Trần Anh Tú (10%) và bà Đinh Thị Thu Trang - Phó Tổng Thư ký VFF (10%). Trong đó, ông Tuấn đang là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nhiệm kỳ 2. Với sự đề cử này, nhiều khả năng ông Tuấn sẽ giữ luôn chức Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3. Do đó, ông Gụ góp ý với ông Tuấn không nên tham gia vì ông đang giữ quá nhiều chức vụ, vì vậy danh sách được đổi lại là: ông Tú (15%), bà Trang (10%) và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh (10%).

Như chúng ta đã biết, ông Tú đã trở thành Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3 (cũng là Tổng Giám đốc VPF và Trưởng Ban Điều hành V-League 2018), đồng thời là ứng viên duy nhất trong cuộc tranh cử chức phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa 8. Việc độc diễn của ông Tú có sự đóng góp từ sai sót của Tiểu ban Nhân sự, mở đường cho ông trở thành phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8 đồng thời là chủ tịch HĐQT VPF. Lúc đó, với ông Trần Quốc Tuấn là Phó trưởng Ban Tiếp thị tài trợ và tạo nguồn tài chính VFF, tất cả những gì liên quan đến tài chính đều thuộc về 2 ông Tú - Tuấn.

Những biểu hiện mù mờ trong điều hành, thiếu minh bạch thông tin của lãnh đạo VFF khiến dư luận dậy sóng. Hơn bao giờ hết, người dân đang mong đợi Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Hoàng Tú

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/nhung-bat-thuong-o-vff-fifa-se-cam-on-neu-chinh-phu-vao-cuoc-20180326214931733.htm