Những báu vật của buôn làng

Tôi có nhiều năm cùng ăn, cùng ở tại các buôn làng của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng Bắc Tây Nguyên.

Ngoài những nét văn hóa, lễ hội truyền thống đậm bản sắc của các dân tộc như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tục chia của cho người chết, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… thì điều làm tôi ấn tượng là người vùng này có quan niệm trồng cây tại các nguồn nước để giữ mạch nước ngầm và khu nhà mồ để "lưu giữ linh hồn" của người đã khuất.

Ở làng nào của người bản địa Tây Nguyên cũng vậy, những cổ thụ to cứ sừng sững bên cạnh các khu nhà mồ, nguồn nước (nơi lấy nước để sinh hoạt). Các loại cây thường được chọn để trồng là trâm, đa, sộp, gạo. Tại làng Phưn (phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai), những cây gạo to 2 người ôm phía trên nguồn nước trong vắt chảy quanh năm. Người dân cho rằng là do những cây gạo này góp phần giữ nước.

Cách đây chừng chục năm, khi đến làng Brel (xã Biển Hồ, TP Pleiku), tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy nhiều cây đa cổ thụ mọc gần nhau tại khu đất rộng lớn. Những cây đa to phải vài người ôm, bóng cây tỏa kín một vùng. Lúc đấy, già làng H’Mril bảo người Jrai của già quan niệm cây cổ thụ là nơi lưu giữ linh hồn của những người đã khuất, nên khu nhà mồ của làng cũng nằm bên những gốc đa to lớn này.

Những ngôi làng ở Tây Nguyên thường có nhiều cổ thụ rợp bóng

Những ngôi làng ở Tây Nguyên thường có nhiều cổ thụ rợp bóng

Rồi già H’Mril kể những cây này được trồng từ xưa, khi ông bà đến lập làng. Khi những người già đầu tiên mất, con cháu trồng những cây đa này để tưởng nhớ, lưu giữ linh hồn của người đã khuất. Qua thời gian, hơn chục cây đa đã to lớn, hàng chục người ôm mới xuể.

Còn trong tâm trí của già H’nêch (cùng làng Brel) thì những cây đa còn là cả bầu trời tuổi thơ với những lần cùng đám bạn chạy nhảy, chơi đùa, bám những rễ cây đa rủ xuống để làm xích đu.

Với những người dân vùng này, làng nào có những cổ thụ to lớn là niềm tự hào. Không được để thần cây mất đi vì như thế thì linh hồn cha ông cũng mất, mạch nước là nguồn sống cho làng cũng mất. Chính vì vậy, người làng xem cây như báu vật để chăm sóc, giữ gìn cho con cháu đời sau.

Những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh nở rộ, một số người tìm tới các làng hỏi mua những cổ thụ nhưng người dân nhất định không bán. Một già làng kể từng có thương lái đến hỏi mua cổ thụ của làng, sau đó người này gạ đổi 4 chiếc xe máy giá trị cao để được lấy cây nhưng người làng vẫn không chịu.

"Xe thì cũng hỏng. Chỉ có cây là những vị thần luôn bảo vệ, mang may mắn đến cho làng nên phải giữ để con cháu đời sau hưởng" - già làng này nói rồi kể cũng có những kẻ tới định bứng cây nhưng dân làng quyết giữ, đã đuổi đi...

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-bau-vat-cua-buon-lang-20200409195407287.htm