Những 'báu vật' sống của núi rừng

Không chỉ có những ngôi nhà cổ, những điệu then mượt mà, làn sli, soóng cọ tình tứ, da diết, Bình Liêu còn có những 'báu vật' sống không phải ai cũng biết, đó là những người làm nghề dệt, làm vòng trang sức, thổi kèn Dao.

Nói là “báu vật” vì những người còn “giữ lửa” nghề như thế ngày càng hiếm và mai một…

70 năm gắn bó với khung cửi

Xuôi qua cầu Pắc- Hoóc chừng 1,5km, thuộc thôn Nà Phạ 1, xã Tình Húc, ngay bên đường có một căn nhà nhỏ 2 gian lợp ngói fibro bình dị như bao căn nhà khác xung quanh. Đó là “xưởng” dệt của cụ Lý Thị Chương- người phụ nữ Tày đã bền bỉ làm nghề dệt vải 70 năm qua. Chúng tôi đến thăm cụ vào 9 giờ sáng- đang là giờ làm việc của cụ. Có khách lạ đến thăm nhà, cụ Chương vui vẻ tiếp chuyện nhưng vẫn miệt mài công việc.

Chiếc khung cửi gắn bó với cụ Chương kề từ ngày cụ biết dệt vải.

Cụ Lý Thị Chương đang miệt mài dệt khăn.

Năm nay, tròn 80 tuổi nhưng cụ Lý Thị Chương còn mạnh khỏe, mắt rất tinh, đôi tay vẫn thoăn thoắt đưa thoi. Cụ Chương cho biết, quê cụ ở trên xã Hoành Mô, lấy chồng xuống xã Tình Húc và định cư ở đất này. Thuở nhỏ, khi mới 10 tuổi, cụ đã được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Cả nhà mấy chị em nhưng mẹ chỉ truyền được cho cụ. Những năm đất nước có chiến tranh, dù khó khăn, cụ cũng bền bỉ duy trì nghề. Chiếc khung cửi cha cụ đóng cho từ khi học dệt gắn bó với cụ đến nay vẫn sử dụng tốt.

Những chiếc khăn thành phẩm của cụ Chương.

Cụ Chương cho biết, cụ có thể dệt quần, áo của người Tày, Dao nhưng sản phẩm chính cụ đang làm như hiện nay là khăn của chị em phụ nữ Sán Chỉ. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, chiếc khăn đội đầu, vấn tóc là vật không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của chị em phụ nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu. Mọi phụ nữ đều dùng khăn khi ở nhà cũng như lúc đi rừng. Mỗi chiếc khăn có chiều dài 1,2m, rộng 20cm, hai đầu có các tua chỉ và đều có chung một màu là màu xanh cánh trả.

Thoạt nhìn, những chiếc khăn tưởng như đơn giản nhưng khi cụ Chương dừng tay, với một cái khăn chỉ cho tôi thấy những hoa văn quả trám nổi hàng ngang khăn, tôi mới nhận ra chẳng đơn giản chút nào. Cụ bảo, đó là khác biệt so với khăn Trung Quốc bán trên cửa khẩu.

Tôi hỏi cụ Chương công việc của cụ đâu là khâu khó nhất, cụ bảo đầu tiên người làm nghề phải biết căng sợi, tức là phải căng cho khéo 175 sợi chỉ dài khoảng 15m sao cho không rối. Sau đó, các sợi chỉ này được cuộn vào một trục gỗ ở đầu khung cửi. Khi dệt đến đâu, người dệt điều chỉnh để trục quay, nhả sợi ra.

Trước đây, hàng tuần, cụ Chương phải đi lên cửa khẩu Hoành Mô mua sợi nhưng nay, mối quen mang sợi đến tận nhà cho cụ. Hàng làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Mỗi cái khăn cụ Chương bán 150.000 đồng, mỗi ngày cụ dệt được 3 khăn. Còn sức khỏe và say nghề, cụ Chương bảo không chỉ dệt ngày mà cụ còn dệt cả buổi tối. Cụ làm việc mà không cần đeo kính.

Câu chuyện của tôi với cụ Chương tạm ngừng do có một cô gái trẻ đến bên cụ Chương nói với cụ câu gì đó bằng tiếng Tày. Cô gái đi rồi, cụ Chương cho biết đó là cô cháu nội. Cô bé mới tốt nghiệp đại học, trong khi chờ xin việc, lúc rảnh cụ lại gọi sang chỉ bảo cho từng chút một. Con cái không có ai theo nghề được nên cụ đang hy vọng cô cháu nội sẽ là truyền nhân của mình.

Anh chàng dị tật đúc vòng

Nếu như tìm gặp cụ Chương thuận lợi bao nhiêu thì việc tìm gặp Phùn Dẩu Thềnh- anh chàng người Dao chuyên làm vòng trang sức cho phụ nữ lại vất vả bấy nhiêu.

Đường vào bản Sam Quang, xã Đồng Tâm.

Cùng La Lành, Hoàng Gái- hai đồng nghiệp ở Trung tâm Truyền thông- Văn hóa huyện Bình Liêu, lại có thêm anh Sơn, cán bộ tư pháp xã Đồng Tâm nhiệt tình đi cùng dẫn đường, tôi tìm đến nhà Thềnh chỉ với thông tin vẻn vẹn rằng nhà anh ở cuối bản Sam Quang, xã Đồng Tâm. Từ trụ sở xã Đồng Tâm rẽ trái, qua hai con đập đường bê tông còn dễ đi, sau đó chỉ toàn là đường ổ gà, ổ voi, trơn trượt, nhất là đoạn từ bản Phiêng Sáp đi vào. 5-6km, đường lúc thì leo cao, lúc tụt xuống suối, đi xe máy số 1, số 2 mà hai chân nhiều lúc cứ phải dang ra chực chống xuống đất kẻo ngã.

Nhà của anh Phùn Dẩu Thềnh nằm khuất nẻo cuối bản Sam Quang.

Mất hai, ba lần hỏi thăm, chúng tôi mới đến được nhà Phùn Dẩu Thềnh ở cuối bản Sam Quang. Ngôi nhà tường đất, mái ngói âm dương thấp tè, nhìn xuống thung lũng rậm rịt cây rừng. Phùn Dẩu Thềnh đón nhóm khách lạ bằng nụ cười… không vội của người Dao. Năm nay 40 tuổi nhưng do khuyết tật, chân phải nhỏ, thấp hơn chân trái nên anh Thềnh đi tập tễnh, cơ thể nhỏ như một thiếu niên. Có lẽ vì thế nên Thềnh không lấy vợ. Anh ở vậy cùng bố và vợ chồng người em trai. Hàng ngày, bố cùng vợ chồng người em đi nương, Thềnh chỉ quanh quẩn ở nhà.

Tác giả hỏi chuyện anh Phùn Dẩu Thềnh về kỹ thuật làm vòng.

Tôi bước vào nhà Thềnh. Mất điện nên căn nhà tối om. Hỏi chuyện làm vòng trang sức, Thềnh bảo lâu lâu rồi không làm nữa. Đang nói chuyện thì có 1 phụ nữ trẻ dắt theo một đứa bé sang chơi. Hỏi chuyện, chị cho biết tên là Voòng Sám Múi, 20 tuổi, là em dâu con ông chú ruột Thềnh. Biết ý định chuyến thăm của chúng tôi, chị Múi quay sang phía Thềnh trao đổi gì đó bằng tiếng Dao, anh bèn sách đèn pin đi tìm đồ nghề. Rồi Thềnh lôi ra búa, kéo, đục, đòn kê, ngồi ngay trước cửa nhà cắt một miếng nhôm từ chiếc chậu hỏng, khéo léo gò thành một ống tròn như chiếc đũa, một đầu loe như miệng muôi.

Những chiếc vòng do anh Phùn Dẩu Thềnh làm ra.

Trong lúc Thềnh làm, chị Múi chạy về nhà mang sang cho chúng tôi xem 3 cái vòng gồm 1 vòng cổ, 1 vòng tay bằng nhôm và 1 vòng đeo tai bằng bạc. Múi bảo những chiếc vòng này là của mẹ chồng chị, đều do anh Thềnh làm ra. Nhìn những chiếc vòng được chau chuốt, nếu không gặp Thềnh hẳn ai cũng nghĩ chúng được làm ra bởi những nghệ nhân cao niên nào đó. Chị Múi cho biết, những phụ nữ Dao như chị thường đeo vòng vào những khi xuống chợ, đi đám hội cần ăn mặc đẹp. Người nào càng nhiều vòng càng đẹp.

Sau chừng 20 phút thì Thềnh cũng chế xong chiếc muôi. Trong câu chuyện chậm rãi, Thềnh kể anh học lỏm nghề này từ một số người già trong bản. Từ các vật dụng bằng nhôm hỏng, anh cắt nhỏ rồi cho nấu chảy ra, đổ vào khuôn cũng bằng nhôm, tạo thành một “chiếc đũa” dài rồi mài, chuốt cho bóng, thuôn nhỏ dần 2 đầu rồi cuốn lại tạo thành các móc. Mỗi chiếc vòng cổ, Thềnh bán với giá 150.000 đồng, vòng tay thì nhỏ hơn. Tuy nhiên, Thềnh bảo thời gian qua anh tạm ngừng công việc làm vòng vì đang muốn sang Trung Quốc tìm việc làm (?).

Chia tay Thềnh, chúng tôi trở về thị trấn khi đã sắp trưa. Đem câu chuyện trên trao đổi với anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm- Truyền thông văn hóa huyện Bình Liêu, một chàng trai Tày hiểu khá rõ và rất say sưa tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Anh Hiệu cho biết, Bình Liêu giờ ngày càng hiếm những người như bà Chương, anh Thềnh. Nghề dệt vải đúng ra còn một số cụ già trên dưới 90 tuổi biết nghề nhưng họ bỏ nghề từ lâu. Đang làm nghề thì chỉ còn có cụ Chương mà thôi. Nghề đúc vòng trang sức thì chưa thấy có ai ngoài anh Thềnh. Ngoài ra, theo tìm hiểu của anh Hiệu, còn có một người đàn ông Dao- có lẽ cũng là người cuối cùng ở Bình Liêu còn thuộc, biết thổi kèn các điệu nhạc của người Dao.

Chị Voòng Sám Múi cho biết vòng là trang sức không thể thiếu đối với phụ nữ Dao.

Chị Bùi Thị Giang, Phó Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa- Thể thao) cũng xác nhận, năm 2015, trong quá trình đi kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Bình Liêu, chị biết cũng còn có một vài cụ già biết nghề nghề dệt nhưng còn làm nghề thì chỉ có cụ Chương.

Thời gian cứ vô tình trôi. Tôi chợt nhớ tới cố Nghệ nhân dân gian Ngô Đức Nguyên, nguyên Phó phòng Văn hóa huyện Bình Liêu- một người Kinh quê Bắc Giang nhưng gắn bó với Bình Liêu, sống và sinh hoạt như người Tày bản địa. Ông Nguyên là người có công rất lớn trong bảo tồn, gìn giữ hát then, đàn tính, từng sáng tác rất nhiều bài then cổ, then mới truyền dạy cho học trò. Sau khi ông mất, chưa có ai làm tiếp được như ông.

Được biết, huyện Bình Liêu cũng đang xây dựng, triển khai đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, coi văn hóa là tài nguyên phát triển du lịch. Mong sao, trong đề án quan tâm đến bảo tồn các nghề truyền thống bởi đó chính là một trong những yếu tố làm nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người Bình Liêu.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Đại Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-bau-vat-song-cua-nui-rung-post265174.info