Những bê bối đáng quên nhất của ngành Công nghiệp ô tô trong thập kỷ qua

Năm 2020 đã khép lại một thập kỷ sôi động với nhiều sự kiện đình đám cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực của ngành Công nghiệp ô tô toàn cầu.

Bên cạnh những phát kiến quan trọng về xe tự hành, xe điện hay xe sử dụng nhiên liệu hydro, cũng có những “chiến tích” đầy bi thương mà có lẽ các nhà sản xuất sẽ phải dành nhiều năm của thập niên mới để giải quyết hậu quả. Dưới đây là 10 kỉ niệm không mấy đẹp đẽ về những chiếc “bốn bánh” trong 10 năm qua.

Bê bối khí thải của Volkswagen

Phải tới tháng 9-2015, người ta mới ngỡ ngàng trước những sai phạm khủng khiếp của Volkswagen AG (Đức) khi Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) Mỹ khẳng định tập đoàn ô tô Đức đã vi phạm đạo luật không khí sạch của nước này.

Cụ thể, Volkswagen đã cài đặt phần cứng và phần mềm gian lận trên các ô tô xuất xưởng nhằm đánh lừa cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra khí thải. Vì vậy, mặc dù một số mẫu xe gây ô nhiễm gấp 40 lần tiêu chuẩn quy định nhưng vẫn được đưa ra thị trường.

Tệ hơn, quá trình điều tra đã chỉ rõ, những hành vi sai phạm của Volkswagen đã diễn ra từ cuối thế kỷ 20, khi tập đoàn này quyết định đầu tư ngân sách khổng lồ cho thương hiệu con TDI với mong muốn thống trị phân khúc xe du lịch với động cơ diesel trên toàn cầu trong bối cảnh các quy định về khí thải ngày càng hà khắc hơn.

Quyết định trên giờ đây khiến tập đoàn ô tô lớn nhất châu Âu phải trả giá đắt, khi không chỉ những lãnh đạo cao cấp nhất đều rơi vào lưới pháp luật mà Volkswagen còn phải chi hàng chục tỷ USD để khắc phục hậu quả, uy tín bị suy giảm tới mức tệ hại chưa từng có.

Những thương hiệu ô tô khác cùng thuộc tập đoàn như Porsche, Audi, Bentley… đều bị liên đới và thiệt hại. Bê bối khí thải cũng khiến Volkswagen phải từ bỏ hoàn toàn thị trường ô tô động cơ dầu diesel, thay vào đó tập trung phát triển xe điện, được cho là cách tốt nhất để xóa đi những vết nhơ đầu thế kỷ XXI.

“Túi khí sát thủ” của Takata

Sự đáng sợ nhất trong bê bối túi khí của Takata không phải đến từ quy mô khổng lồ (tới nay ít nhất 50 triệu ô tô trên toàn cầu sẽ phải triệu hồi để sửa lỗi), mà nằm ở việc nó vẫn đang diễn biến phức tạp và vẫn tiềm ẩn khả năng gây thương vong đối với hàng triệu người sử dụng trên khắp thế giới, dù họ đang sử dụng loại ô tô nào đi chăng nữa.

Theo mô tả, cụm bơm túi khí của Takata đối mặt nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ khi có tai nạn xảy ra, do việc giải phóng khí trơ tạo áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn. Các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, gây ra nguy hiểm chết người. Trong nhiều trường hợp, túi khí thậm chí có thể bung, dù xe không hề bị va chạm.

Là nhà sản xuất linh kiện lâu đời của Nhật Bản, Takata cung cấp tới 20% túi khí cho ngành Công nghiệp ô tô, đồng nghĩa rằng từ Honda cho tới Volkswagen, thậm chí McLaren hay Tesla, Mercedes-Benz đều bị cuốn vào vòng xoáy bê bối.

Cú ngã ngựa của Chủ tịch liên minh Nissan-Renault Carlos Ghosn

Đề tài gây xôn xao nhất có lẽ là việc Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Carlos Ghosn của liên minh Nissan-Renault bị giới chức Nhật Bản bắt giam vào năm 2018. Tới nay, cuộc chiến pháp lý vẫn đang diễn tiến phức tạp.

Là vị thuyền trưởng đã vực dậy cả Renault và sau đó là Nissan từ bờ vực thẳm trong hơn một thập kỷ qua, ông Ghosn đã nhận được sự kính nể của cả ngành Công nghiệp ô tô toàn cầu. Do đó, việc ông bất ngờ bị bắt giữ đã khiến nhiều người bị sốc.

Quá trình điều tra chỉ ra rằng, ông Ghosn còn gian lận về tài chính, cùng với hàng loạt cáo buộc khác từ phía các cơ quan điều tra của Nhật Bản. Riêng trong năm 2019, ông Ghosn đã bị bỏ tù ít nhất bốn lần, chưa kể bị giam giữ tại nhà và không được tiếp xúc với gia đình.

Về phần mình, ông Ghosn luôn bác bỏ các cáo buộc và cho rằng mình vô tội, đồng thời tuyên bố các bản án là một âm mưu có tính toán từ nội bộ Nissan nhằm hạ uy tín của mình.

Vụ kiện bất ngờ giữa General Motors và Fiat-Chrysler Automobiles

Sự kiện pháp lý gây sốc nhất trong ngành Ô tô có lẽ là việc General Motors (GM) bất ngờ khởi kiện Fiat Chrysler Automobiles (FCA), viện dẫn đạo luật chống tội phạm có tổ chức của Mỹ (RICO: Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act) vào tháng 11 vừa qua.

GM cho rằng, FCA bằng cách nào đó đã bí mật giành được những ưu đãi về lao động từ Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW). Bản thân GM cũng từng đề nghị những ưu đãi này, nhưng bị từ chối.

Cũng theo tập đoàn ô tô Mỹ, những thủ đoạn và tham nhũng trong suốt thập kỷ qua đã đem về cho FCA hàng tỷ USD lợi nhuận. Tuy nhiên, điều kì lạ nằm ở chỗ GM không kiện các nhân viên của UAW, mà nhắm tới Giám đốc điều hành Sergio Marchionne (mất vào năm 2018) và ban lãnh đạo của FCA.

Rắc rối này xuất hiện vào thời điểm khá nhạy cảm đối với FCA, khi vừa công bố kế hoạch hợp nhất trị giá hàng tỷ USD với PSA (sở hữu các thương hiệu như Peugeot, Citroën, DS, Opel…) của Pháp, tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ tư trên thế giới. Dĩ nhiên, các thủ tục pháp lý sẽ còn kéo dài nhiều năm và nếu thất bại, cả FCA và PSA sẽ nhận đòn đau từ GM, vốn được nhận định sẽ nhận được khoảng 15 tỷ USD tiền bồi thường.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/954334/nhung-be-boi-dang-quen-nhat-cua-nganh-cong-nghiep-o-to-trong-thap-ky-qua