Những bí ẩn trong bi kịch của Thủ tướng Grenada

Ông Maurice Bishop - Thủ tướng Grenada, bị xử tử năm 1983 cùng với 7 người khác nhưng hiện chưa rõ hài cốt của họ ở đâu. Sự việc xảy ra cách đây 40 năm vẫn là điều bí ẩn của lịch sử. Nhưng cuộc điều tra dài gần 2 năm của tờ Washington Post phần nào mở ra câu trả lời, trong đó cho thấy có vai trò của Mỹ trong việc định hình số phận quốc gia Caribe thời điểm đó.

Quân đội Mỹ được cho là khai quật hố chôn thi thể cựu Thủ tướng Maurice Bishop và những người khác tại Calivigny (Grenada) vào ngày 8-11-1983

Bối cảnh lịch sử

Khi lên nắm quyền, Maurice Bishop là một nhà cách mạng trẻ, có sức lôi cuốn, kết thân với các nhà lãnh đạo cộng sản trong khu vực. Bishop từng đứng cạnh Chủ tịch Cuba Fidel Castro và ông Daniel Ortega - lãnh đạo chính quyền Sandinista của Nicaragua tại một cuộc mít tinh năm 1980 ở Quảng trường Cách mạng Cuba. Đó là thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan coi mối quan hệ của Grenada với Cuba, rộng hơn là Liên Xô, là một mối đe dọa nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình vào ngày 23-3-1983: “Chúng ta biết Grenada là một hòn đảo thiên đường, thân thiện với du lịch. Nhưng không phải vậy”.

Grenada là một quốc đảo có 125.000 dân ở rìa vùng Caribe. Nhiều cư dân tại thuộc địa cũ của Anh này là hậu duệ của những người châu Phi bị bắt làm nô lệ. Đến những năm 1960, khi Bishop trưởng thành, Grenada vẫn là một quốc gia nghèo với nhiều công dân vẫn làm việc trong đồn điền như đời ông bà họ đã làm. Vài tháng sau, vào ngày 5-6, ông Maurice Bishop đến New York. Trước đám đông, ông nói đã đọc “báo cáo bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ”, việc Mỹ cho rằng Grenada là một mối đe dọa vì: “Nếu Grenada có 95% người gốc Phi thì chúng tôi có thể tạo ra sức hấp dẫn nguy hiểm đối với 30 triệu người da màu ở Mỹ”.

Cuối cùng, thất bại của nhà lãnh đạo Maurice Bishop không phải do Mỹ mà do chính căng thẳng trong chính đảng của ông. Maurice Bishop theo đường lối ôn hòa, trong khi các lãnh đạo cấp dưới cứng rắn hơn, muốn hạ hệ ông để biến Grenada thành “pháo đài” chống Mỹ.

Thủ tướng Maurice Bishop của đảo quốc Grenada là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong số các nhà cách mạng ở Mỹ Latinh thế kỷ 20

Nhân chứng hiếm hoi còn sống

Nơi bắt đầu câu chuyện này là sân của pháo đài quân sự nơi Maurice Bishop (khi đó 39 tuổi) cùng 3 bộ trưởng nội các và 4 người thân cận nhất của ông đã bị hành quyết vào ngày 19-10-1983. Hôm đó, ít nhất hàng chục người đã thiệt mạng do quân đội nổ súng. Có người chết hoặc bị thương khi họ nhảy ra khỏi pháo đài để thoát thân và rơi xuống những tảng đá ở độ cao từ 15-20m bên dưới. Trong khi hài cốt của những người khác đã được tìm thấy thì thi thể của 8 người này vẫn đang mất tích.

Hiện chỉ còn số ít nhân chứng của sự việc còn sống. Một trong số đó là ông Mandley Phillip, chủ cửa hàng sửa chữa điện ở giữa Thủ đô St. George's của Grenada. Ông kể, dù không chứng kiến cuộc hành quyết nhưng ông đã nhìn thấy hậu quả của nó. Đến giờ, ông vẫn khó mở lời. “Khi tôi nhìn thấy những gì đã xảy ra với Maurice, thật đau lòng. Và những người khác như Bộ trưởng Norris Bain… Jacqueline …”. Tối hôm đó, Phillip nhận được lệnh bỏ xác. Ông giám sát những người lính được yêu cầu chở các thi thể đến Calivigny, một doanh trại quân đội trên đảo. Các thi thể được đưa xuống chiến hào, xếp lốp xe lên trên, đổ xăng rồi đốt.

Sáu ngày sau (tức ngày 25-10-1983), Mỹ mượn cớ “sinh viên Mỹ bị đe dọa” đã mở chiến dịch “Thịnh nộ khẩn cấp”, cho quân tấn công hòn đảo Grenada nhỏ bé, bóp nát mọi kế hoạch xây dựng pháo đài của Cuba trên đảo. Trong quá trình thực hiện cuộc điều tra, nhóm phóng viên của Washington Post phát hiện ra một kho ảnh do phóng viên của AP chụp vào ngày 8-11-1983, tại địa điểm hố đốt ở Calivigny. Một số bức ảnh cho thấy lính Mỹ cầm túi đựng xác ra khỏi một cái hố. Điều đó cho thấy, quân đội Mỹ đã khai quật thi thể ở Calivigny. Hai ngày sau, những thi thể đó đã được một đội pháp y từ Mỹ kiểm tra xem có phải là Thủ tướng Maurice Bishop và những người khác bị hành quyết cùng với ông hay không. Nhưng Mỹ chưa bao giờ tiết lộ điều này.

Robert Jordan là một giáo sư giải phẫu vừa nghỉ hưu sau quá trình giảng dạy tại trường y thuộc Đại học St. George trong 40 năm. Phòng thí nghiệm giải phẫu cũ của trường từng là văn phòng của ông và cũng là nơi tiến hành một cuộc khám nghiệm pháp y bí ẩn. Vào tháng 11-1983, ông Jordan được yêu cầu mở phòng thí nghiệm cho một nhóm từ Viện Bệnh học của lực lượng vũ trang Mỹ. Họ muốn tiến hành khám nghiệm pháp y những hài cốt được tìm thấy tại Calivigny. Trong ký ức của Jordan, 4 túi được mang tới đựng các thi thể đã nát bấy đến mức không thể nhận dạng được. Dù không phải là nhà khoa học pháp y, nhưng là một giáo sư giải phẫu, ông nhận thấy, chỗ đó chỉ đủ xương cho khoảng 5 người. Dường như không có chiếc xương nào phù hợp với tầm vóc thể chất của Maurice Bishop bởi Jordan từng gặp ông Bishop tại các sự kiện ở trường đại học. Nhưng ông ngạc nhiên khi báo cáo từ buổi làm việc hôm đó kết luận: Không đủ xác định danh tính của Thủ tướng Maurice Bishop, các thành viên nội các hoặc những người khác được cho là đã chết tại pháo đài Rupert, Grenada vào ngày 19-10-1983”. Thực tế, ông Jordan đã nhìn thấy các vật dụng cá nhân thuộc về Bộ trưởng Norris Bain, Fitzroy Bain và Evelyn Maitland hay xương và váy của phụ nữ trong buổi khám nghiệm đó.

Nghĩa trang St. George, nghĩa trang lớn nhất ở Grenada, có thể là nơi đã chôn cất những nhà lãnh đạo Grenada trong chính biến 1983

Mấu chốt của sự việc bí ẩn

Như vậy, mấu chốt của sự việc bí ẩn này nằm ở khoảng thời gian 2 tuần kể từ khi Mỹ đưa quân vào Grenada (từ ngày 25-10 đến ngày 8-11), khi hài cốt được chuyển đi từ Calivigny. Một nhân chứng có thể phần nào làm sáng tỏ khoảng tối này là Stephen Trujillo, một bác sĩ quân đội tham gia chiến dịch. Theo lời kể của ông Trujillo, vào ngày 25-10-1983, ông và các đồng đội thuộc lực lượng biệt kích đã nhảy dù xuống đảo. Họ nhanh chóng giành quyền kiểm soát sân bay. Hai ngày sau, họ nhận được một nhiệm vụ mới, đó là tấn công vào Calivigny, nơi được cho là vị trí ẩn náu của những người Cuba và Grenada còn lại.

Pháo kích dẫn đường, đoàn trực thăng của Trujillo tiến vào khu vực. Xung quanh họ là những hố đạn pháo và hố bom. Vì vậy, lính biệt kích Mỹ rúc vào bên trong một miệng núi lửa ngủ qua đêm, nhưng họ bị ám ảnh bởi mùi… xác chết. Sáng hôm sau, họ nhận ra lý do. Đó là xung quanh họ có các thi thể đang thối rữa. Lời kể của ông Trujillo cho thấy, ngôi mộ tập thể chôn cất Thủ tướng Bishop và 7 người khác có thể đã bị trúng bom vào ngày 27-10. Điều đó giúp giải thích tại sao xương bị gãy và phân mảnh giống như giáo sư giải phẫu Robert Jordan mô tả “chúng giống như bị kích nổ”.

Một tiết lộ hiếm hoi khác đến từ sĩ quan tình báo của Lực lượng Phòng vệ Jamaica tên là Earl Brown. Ông vốn là lính gìn giữ hòa bình vùng Caribe duy nhất có mặt tại hiện trường khi lính Mỹ thu hồi hài cốt ở Calivigny ngày 8-11. Người đàn ông đang sống ở California này cho biết, ông nhìn thấy 5 thi thể gồm 1 nữ và 4 nam, trong đó có Maurice Bishop. Ông Brown kể, lính Mỹ sau đó đặt mỗi thi thể vào một túi đựng xác riêng và 5 túi được chất lên trực thăng. Một chỉ huy người Mỹ nói rằng, họ đưa lên một con tàu đang đợi ngoài khơi và gửi đến Mỹ để phân tích thêm DNA.

Đáng nói, trong báo cáo pháp y của Viện Bệnh học thuộc lực lượng vũ trang Mỹ viết vào ngày 12-12-1983 có câu: “Hài cốt đã được gửi đến Nhà tang lễ Otway ở St. George sau khi chúng tôi hoàn thành cuộc kiểm tra”. Otway là tên gọi cũ của Nhà tang lễ Bailey. Ông Clinton Bailey, đồng sở hữu nhà tang lễ trong khuôn viên nghĩa trang St George lớn nhất Grenada cho biết, năm đó, Leslie Bailey (cha ông) đã được gọi đến Đại học St. George và đem về 4 chiếc túi đựng thi thể rồi chôn cất. “Những gì bố nói với tôi là các thi thể được chôn cất tại Nghĩa trang St. George, sát bức tường” - ông Clinton Bailey kể. Ông cũng cho hay, cha của ông không đánh dấu vị trí ngôi mộ và không bao giờ nhắc lại điều đó. Việc xác định các thi thể được chôn ở chỗ nào trong nghĩa trang rộng lớn này gần như không thể.

Bà Barbara Lee, dân biểu bang California và là ứng cử viên cho Thượng viện Mỹ cho biết, ngay từ những năm 1980, bà đã dẫn đầu các phái đoàn người Mỹ gốc Phi đến đảo và quen biết Thủ tướng Maurice Bishop. Trong nhiều năm, bà đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm câu trả lời từ Chính phủ Mỹ về chuyện xảy ra với thi thể nhà lãnh đạo Grenada nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời. Hồi tháng 10-2023, một ngày trước lễ kỷ niệm 40 năm chiến dịch “Thịnh nộ khẩn cấp”, bà đã gửi thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trong đó chỉ trích việc “Chính phủ Mỹ đã không cung cấp bản kê đầy đủ về những gì đã xảy ra với hài cốt của ông Bishop”. Bà Lee vẫn đang chờ phản hồi và nói thêm rằng, chắc chắn người Mỹ có liên quan đến việc này, đã đến lúc biến sai lầm trong quá khứ trở thành điều đúng đắn.

Năm 1983, sau cái chết của Thủ tướng Maurice Bishop, Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Grenada do thất thế về ngoại giao. Grenada nhanh chóng khôi phục nền dân chủ, ngày nay trở thành một hòn đảo du lịch phát triển ở Caribe. Đặc biệt, Grenada đã giải thể quân đội, trở thành nước trung lập tuyệt đối. Nhà cách mạng Maurice Bishop vẫn được người dân Grenada ghi nhớ công lao trong các cải cách kinh tế - xã hội sâu rộng thời ông nắm quyền.

Theo Washington Post

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-bi-an-trong-bi-kich-cua-thu-tuong-grenada-post561333.antd