Những bí ẩn về 'ngôi nhà ma' ở Bartlesville

Lâu nay, các nhà khoa học đều cho rằng 'không có ma' nhưng lại không lý giải được những hiện tượng huyền bí, dị thường, xảy ra trong cuộc sống. Một trong những dị thường ấy là ngôi nhà của Frank Labadie ở ngoại ô TP.Bartlesville, bang Oklahoma, Mỹ, được xem là 'ngôi nhà ma' nổi tiếng nhất hành tinh…

Ngôi nhà ma Baladie hiện nay.

Ngôi nhà ma Baladie hiện nay.

LỊCH SỬ NHÀ BARTLESVILLE

Hoàn thành vào năm 1889 bởi Frank Labadie, một chủ buôn nô lệ, ngôi nhà của Labadie chỉ gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu. Bên trong, ngoài phòng khách, phòng ăn, nhà bếp thì còn có 6 phòng ngủ. Sống tại ngôi nhà ấy là Labadie cùng Samantha, vợ ông ta và 1 nô lệ da đen là Enos Parson.

Khuya ngày 24/6/1893, sau khi cãi nhau với vợ - lúc này đang mang thai đứa con đầu lòng - Labadie cầm súng xuống phòng ngủ của Enos rồi bắn chết ông ta vì nghi ngờ vợ mình ngoại tình, đứa con trong bụng Samantha là con của Enos.

Giết xong Enos, Labadie đào hố chôn xác nạn nhân ngay trong nhà bếp. Hơn 1 tuần sau, Labadie phao tin với những người hàng xóm rằng gã nô lệ da đen đã bỏ trốn. Khi Samantha sinh con, mặc dù đứa bé là da trắng nhưng Labadie vẫn dìm chết nó trong cái lạch nước gần nhà rồi lấy bùn lấp kín thi thể. Hàng xóm thắc mắc vì sao bà Samantha mãi không sinh nở thì Labadie giải thích vợ mình hư thai.

VẤT VƯỞNG NHỮNG OAN HỒN

Ngược dòng thời gian, năm 1812, khi phong trào tìm vàng lan rộng ở miền tây nước Mỹ thì một nhóm di dân đến vùng Bartlesville với ước mơ đổi đời. Cầm đầu nhóm này là Anderson, một cựu lính kỵ binh trong cuộc nội chiến Mỹ, Tại Bartlesville, họ đào thấy một mạch vàng và khi đang khai thác, người da đỏ bộ tộc Cheyen xuất hiện. Theo lời tộc trưởng Cheyen, biệt danh “Mắt đại bàng”, vùng đất này thuộc quyền cai quản của bộ tộc, người da trắng không được xâm phạm.

Dễ gì bỏ qua miếng ăn trước mắt, Anderson cùng nhóm của ông phớt lờ những cảnh báo của vị tộc trưởng. Chẳng những thế, họ còn tổ chức săn loài bò rừng Bison để lấy thịt trong lúc với người Cheyen, bò Bison là con vật linh thiêng, tượng trưng cho sự tự do. Để trả đũa, “Mắt đại bàng” bắt cóc một thành viên trong nhóm đào vàng là Awe Stone, lột da đầu ông này rồi đến nửa đêm, họ vứt cái sọ bầy nhầy máu ngay trước cửa lều của Anderson như một dấu hiệu cho biết nếu không ra đi, số phận của tất cả rồi cũng sẽ như vậy.

Quyết không chịu thua, sau nhiều lần trinh sát nắm tình hình, mờ sáng ngày 27/12/1813, Anderson cùng 24 thợ đào vàng vũ trang súng trường, bất ngờ tập kích vào làng của người Cheyen. Do vẫn đang trong giấc ngủ, vũ khí chỉ có cung tên, dao, búa, gần 140 người Cheyen - phần lớn là đàn bà, trẻ con, bị giết. Nhóm tìm vàng bắt được “Mắt đại bàng”, đưa ông này về nơi dựng trại rồi tổ chức “tế sống”. Chính tay Anderson cầm dao lột da đầu tộc trưởng bộ tộc Cheyen như người Cheyen đã làm với thợ đào vàng Awe Stone.

Và tại nơi “Mắt đại bàng” bị lột da đầu lại là nơi mà 74 năm sau, Frank Labadie xây dựng ngôi nhà của mình!

NGÔI NHÀ QUỶ ÁM

Sau khi giết chết nô lệ da đen Enos và đứa con sơ sinh, Labadie cùng vợ vẫn sống bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Hàng xóm láng giềng hiếm khi gặp họ ngoại trừ những lần Labadie đánh xe ra thị trấn mua lương thực. Tháng 6/1935, sau nhiều ngày không thấy Labadie xuất hiện, lại thêm mùi hôi thối bốc ra theo chiều gió, một số người tò mò đến nhà ông ta thì thấy Labadie nằm chết dưới sàn, đầu vỡ toác, tay còn cầm khẩu súng ngắn. Cạnh đó, trên giường là xác bà Samantha, cũng bị một phát đạn vào đầu. Cả 2 tử thi đang trong giai đoạn phân hủy. Kết luận điều tra của cảnh sát cho thấy Labadie bắn vợ rồi tự sát.

Khoảng nửa năm kể từ lúc vợ chồng Labadie chết, em ruột ông ta là Tom Labadie từ bang Wyoming đến nhận thừa kế. Ngay đêm đầu tiên, Tom cho biết có tiếng chân bước đi, tiếng kêu khóc, tiếng la hét và cả tiếng súng. Nghĩ rằng mình bị hoang tưởng bởi cái chết của vợ chồng người anh, đồng thời mệt mỏi sau chuyến đi dài nên Tom không để ý. Tuy nhiên, Tom vẫn quyết định sửa chữa toàn bộ vì anh ta cho rằng xung quanh căn nhà có rất nhiều cây to nên đã khiến các phòng trở nên u ám, không khí không lưu thông được. Nếu không sửa thì rất khó bán.

Vài ngày sau, Tom thuê một nhóm thợ nhưng khi tiến hành cưa những cây tùng cổ thụ, một thợ cưa bị cây đổ đè chết. Chưa hết, lúc người thợ cả tìm Tom để hỏi ý kiến về màu sắc của các bức tường trong phòng khách thì thấy anh ta nằm sấp mặt xuống con lạch sau nhà. Kéo Tom lên thì anh ta đã chết nhưng điều kinh dị nhất là ngay dưới con lạch chỗ Tom ngã xuống, có một bộ xương bé tí đã phân hủy. Theo các chuyên gia pháp y, đó là xương của trẻ sơ sinh.

Việc phát hiện bộ xương đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về chuyện bà Samantha có bầu mà không đẻ và sự biến mất của Enos, nô lệ da đen. Tiến hành đào bới những nơi nghi ngờ, cảnh sát tìm thấy một bộ xương nữa, chôn ngay dưới nền nhà bếp. Cái vòng bằng đồng có khắc tên đeo trên cổ tay của bộ xương cho biết đó là Enos nhưng vì Baladie đã chết nên hồ sơ vụ việc được khép lại.

Từ đó, ngôi nhà bị bỏ hoang rồi xuống cấp theo thời gian. Những người hàng xóm cho biết nhiều đêm, họ nhìn thấy ánh đèn trong ngôi nhà này cùng những tiếng kêu khóc. Tin đồn dai dẳng kéo dài suốt nhiều năm đã kích thích trí tò mò của Alex Sander, phóng viên tờ Mặt trời Baltimore.

Ngày 3/9/1961, Sander khoác ba lô tìm đến ngôi nhà. Đêm ấy anh ta ngủ lại mà không hề gặp chuyện gì nhưng tới sáng, lúc xuống căn phòng xưa kia Baladie dùng làm phòng ăn, Sander thấy trên mặt chiếc bàn cũ nát là một tách cà phê uống dở, vẫn còn nóng bốc khói. Cạnh đó là một cái lọ bằng thủy tinh đựng cà phê bột, có in nhãn của cửa hàng Dixie&Sons, sản xuất từ năm 1950 và một lọ đường! Hết sức kinh ngạc, Sander vội vã chạy lên lầu nơi anh ta đã ngủ, định lấy máy chụp ảnh nhưng khi vừa bước vào phòng, Sander thấy trên tường là một cái móc, treo một chiếc áo khoác. Tất cả mọi người hàng xóm đều xác nhận đó chính là áo của Baladie vì từ khi xây xong căn nhà cho đến khi chết, mỗi lần đi mua lương thực Baladie chỉ mặc duy nhất chiếc áo này. Kết quả kiểm nghiệm cũng cho thấy cà phê được làm từ hơn 10 năm trước, đã bay hết mùi còn đường thì bị vón cục.

Sau chuyện ấy, phóng viên Sander phải vào viện tâm thần điều trị suốt 6 tháng còn “ngôi nhà ma” thì đến tận ngày nay, nó là điểm thu hút rất đông khách du lịch nhưng chưa hề có ai dám ngủ lại.

VŨ CAO

(Theo Science Magazine)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/201908/nhung-bi-an-ve-ngoi-nha-ma-o-bartlesville-868211/