Những bí ẩn xung quanh cái chết của Nguyễn Kim

Sách 'Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn' của tác giả Lưỡng Kim Thành, do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2012 viết: Duy Ninh được Nguyễn Kim tôn phò lên ngôi, lấy hiệu là Lê Trang Tông, nhà Lê Trung Hưng từ đó. Lúc bấy giờ, nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long, còn nhà Lê đóng ở hành điện nằm trên xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa...

Thời bấy giờ, Nguyễn Kim không những đã tìm ra minh chủ để ổn định tinh thần mưu cầu việc lớn mà còn chiêu mộ về dưới trướng mình rất nhiều tướng trẻ tài ba. Trong số đó, nổi bật nhất là Trịnh Kiểm, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc (Quảng Hóa).

Sách "Thời Nam Bắc triều" của tác giả Việt Chương, do NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2001 viết: Lúc bấy giờ thấy Trịnh Kiểm là người có thực tài, và vì muốn mưu đồ của mình nhanh chóng đi đến thành tựu, nên Nguyễn Kim đã không ngần ngại gả người con gái cưng đầu lòng là tiểu thư Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.

Năm 1540, khi thấy trong tay mình đã có được một đội quân hùng mạnh, từ chiến khu ở Sầm Châu, Nguyễn Kim đã phò Vua Lê Trang Tông kéo quân về đánh chiếm đất Nghệ An và chuyến hành quân ấy đã thành công rất mỹ mãn... Trước sức mạnh như cuồng phong của binh lính nhà Lê. Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất biết mình thế yếu nên đã xin hàng. Việc này đúng với mong muốn của Nguyễn Kim vì Nguyễn Kim biết Dương Chấp Nhất là một viên tướng tài của nhà Mạc. Vì lẽ đó mà Nguyễn Kim đã hết lòng chiêu dụ, tìm dịp ban thưởng trọng hậu để lấy lòng. Qua kiểm chứng, Nguyễn Kim thấy nhờ có Dương Chấp Nhất cung cấp thông tin nên quân của nhà Lê mới đánh đâu thắng đó. Cho là Nhất thực lòng, nên Nguyễn Kim không hề nghi ngờ mà tỏ ra hết sức tin dùng và trọng dụng.

Không ngờ, việc Dương Chấp Nhất xin hàng chỉ là một kế "trá hàng" vì Dương Chấp Nhất vốn là một tay mưu sĩ. Khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ này. Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất (Dương Chấp Nhất là người Hoằng Hóa, Thanh Hóa, là quan nội thị, võ tướng triều Mạc Đăng Doanh, làm đến chức Chưởng bộ, được phong tước Trung Hậu hầu, giao coi 3 phủ Thanh Hóa, làm Tổng trấn cả một phương) đã giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục.

Vua Lê không mảy may nghi ngờ âm mưu của Dương Chấp Nhất, tỏ rõ vui mừng khi biết mình đã thu phục được một tướng tài của nhà Mạc. Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều, đặc biệt là Thái sư Nguyễn Kim. Bởi vậy, khi Dương Chấp Nhất mở tiệc thết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cái bẫy chết người đang được tên gián điệp Dương Chấp Nhất giăng sẵn để chờ mình. Nguyễn Kim dốc cạn chén rượu Dương Chấp Nhất dâng mà không một chút nghi ngờ về hai chữ "lòng trung" đang được Nhất thực hiện dưới kế sách "trá hàng".

Một lát sau, Nguyễn Kim cảm thấy mệt mỏi, choáng váng nên cáo từ ra về. Dương Chấp Nhất còn cho người đưa Thái sư về tận dinh để nghe ngóng. Đêm ấy, Nguyễn Kim đau đớn vật lộn, trên da xuất hiện nhiều vết đen. Sau khi biết mình trúng phải chất kịch độc, Nguyễn Kim đau đớn nấc lên, nôn ộc ra một vũng máu rồi chết.

Luật nay: Dấu hiệu của một vụ giết người

Về cái chết của Nguyễn Kim cho đến nay sử sách cũng đã ghi rõ nhiều nhưng đâu đó vẫn còn những điều hoài nghi mà hậu thế vẫn còn chưa tỏ. Vẫn biết rằng, bất kỳ một cuộc chiến xâm lược nào thì mưu đồ để triệt hạ đối phương là bằng mọi thủ đoạn bất chấp tất cả: Lừa dối nhau, cha giết con, anh sát hại em... Để lấy lòng được Nguyễn Kim, Nhất đã giao nộp cả gia đình và giao toàn bộ ba phủ tỏ ý hàng phục... nhưng tất cả chỉ là một trò “trá hàng”.

Lợi dụng lòng tin, Nhất đã lừa cho Nguyễn Kim uống rượu có pha thuốc độc mà chết. Ngày ấy, cái chết của Nguyễn Kim không ảnh hưởng đến Nhất.

Giả sử vụ án đó xảy ra thời nay thì hành vi của Nhất liệu có được bao che không? Xin thưa với các bạn rằng, hành vi đó sẽ bị xử lý nghiêm dù cho Nhất có biện minh hàng nghìn lý do gì đi nữa. Giết người rồi cũng phải đền tội.

Nguyễn Kim đang từ một người khỏe mạnh rồi bị chết một cách bất ngờ, ngay lúc đó, gia đình phải trình báo sự việc lên cơ quan công an để tiến hành các bước điều tra ban đầu. Cái chết này có dấu hiệu của một vụ án mạng. Căn cứ vào những gì diễn biến của vụ việc trên, nghi can chính trong cái chết của Nguyễn Kim là Dương Chấp Nhất- người đã mở ra cuộc rượu này. Sau khi thu thập các chứng cứ bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, cơ quan công an ra kết luận khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Chấp Nhất về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS.

Tường Linh

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/an-xua-luat-nay-nhung-bi-an-xung-quanh-cai-chet-cua-nguyen-kim-a111010.html