Những bí kíp cho giai đoạn 'nước rút' thi vào lớp 10

Kì thi vào 10 với học sinh THCS nhiều địa bàn ở Hà Nội thực sự rất áp lực để có được tấm vé vào công lập. Cô Đặng Thị Ngọc Hà, giáo viên Ngữ Văn, trường THCS Thăng Long, Hà Nội chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm vượt 'vũ môn' trong giai đoạn cận kề.

Cuối tuần sau, học sinh Hà Nội bước vào kì thi được cho là “khó hơn đại học” khi vài năm trở lại đây chỉ tiêu so với số lượng thí sinh dự thi chỉ khoảng hơn 60%. Năm nay, tỉ lệ 57% học sinh sẽ được học công lập khiến cuộc đua vào 10 trở thành áp lực với cùng lúc nhiều đối tượng: cha mẹ, thầy cô và đặc biệt các em học sinh lớp 9.

Khi công bố tỉ lệ chọi, phụ huynh, học sinh mới giật mình khi “nơi an toàn nhất lại thành nơi nguy hiểm nhất”- Ảnh minh họa

Khi công bố tỉ lệ chọi, phụ huynh, học sinh mới giật mình khi “nơi an toàn nhất lại thành nơi nguy hiểm nhất”- Ảnh minh họa

Đồng ý rằng sức ép tạo nên sức bật. Nhưng trong nhiều trường hợp, khi sức ép vượt ngưỡng sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà, Tổ trưởng tổ Văn-Sử, trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội đã có những chia sẻ từ cả góc độ giáo viên và phụ huynh từng có con trải qua các kì thi.

Nơi an toàn nhất thành nơi nguy hiểm nhất

Nhiều năm dạy học và trực tiếp ôn cho học sinh thi vào 10, cô Ngọc Hà hiểu những áp lực mà học sinh cuối cấp THCS đã và đang phải trải qua, đặc biệt thời điểm ngày thi đã cận kề. Có thể kể đến như: áp lực thời gian ôn tập, kiến thức tiếp nhận, nguyện vọng lựa chọn, tỉ lệ chọi và áp lực bởi cả những kì vọng của gia đình, thầy cô.

Có không ít những học sinh trong suốt cả năm học lớp 9 vừa rồi buộc phải duy trì một lịch học 3 ca, thậm chí 4 ca/ngày và kéo dài đến tận ngày thi, xuất phát từ việc phụ huynh mong muốn để con em mình trang bị đủ kiến thức làm hành trang bước vào kỳ thi khắc nghiệt. Ngoài việc học chính khóa ở trường, nhiều phụ huynh tìm lớp học thêm, những trung tâm gia sư uy tín, đến những thầy cô giỏi để gửi gắm con em. Sau giờ học chính khóa, hình ảnh học sinh ngồi sau xe ăn vội vàng để kịp ca 3, ca 4 khá phổ biến.

Để bước qua "khe cửa hẹp" cánh cổng vào trường công lập, nhiều phụ huynh, giáo viên đã tư vấn để học sinh đăng kí trường thấp hơn với sức học bình thường. Tuy nhiên, khi công bố tỉ lệ chọi mới giật mình khi “nơi an toàn nhất lại thành nơi nguy hiểm nhất”, cô Ngọc Hà chia sẻ.

Từ kinh nghiệm nhiều năm quan sát và hướng dẫn học sinh thi vào 10, cô Ngọc Hà cho rằng khi rơi vào tình huống này, cha mẹ và các em thí sinh không nên hoang mang. Tỉ lệ thí sinh tăng bất thường vào một vài trường THPT những mùa thi gần đây xảy ra khá thường xuyên. Nhưng điểm chuẩn cơ bản không quá nhiều biến động.

"Các con nên nhìn vào điểm chuẩn đầu vào của những năm học trước để đánh giá, biến động điểm tăng lên là có nhưng không đến mức đột biến tăng cao. Thay vì phân tâm, cần giữ sức khỏe, sự bình tĩnh để tập trung ôn tập, cố gắng hết mình để đạt được mục tiêu, ước mơ của mình. Và với tâm thế, sự cố gắng ấy, nhiều học trò khóa trước đã vẫn rất thành công", cô Ngọc Hà khuyên.

Thầy cô, cha mẹ, bạn bè gần gũi, đồng hành rất quan trọng với sĩ tử- Ảnh minh họa

Phía phụ huynh, bên cạnh những người ý thức được khả năng của con em mình cũng như lường trước được phần may rủi có thể xảy ra trong thi cử, còn một tỉ lệ không nhỏ vẫn bị áp lực thái quá về việc đỗ trượt của con. Áp lực này, theo cô Ngọc Hà xuất phát từ tình yêu, khao khát con đạt được nguyện vọng, vì nỗi lo kinh tế và đôi khi vì cả danh dự của bố mẹ.

Một áp lực nữa đến từ chính bản thân học sinh khi các em tự đặt ngưỡng quá cao hoặc kì vọng quá nhiều vào một ngôi trường cấp 3 yêu thích. Tuy nhiên áp lực có tính hai mặt, nó mang cả tính động lực nhất là với mỗi kì thi quan trọng.

“Năm nào tôi cũng nhận được những lời nói của trò khi tư vấn đăng ký nguyện vọng: con muốn nhón chân, vượt qua mình, con sẽ cố gắng hết sức để không rơi, cô cứ tin con. Dù biết có bạn khá chấp chới nhưng nhiều khi con cần sự tôn trọng, cần một chút áp lực tạo động lực.”

Không ít bạn đã thành công, tuy nhiên cũng không tránh khỏi trường hợp học sinh nào đó không đạt như ý nguyện, buồn, thất vọng. Tuy nhiên hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng từ thất bại có xảy ra hay không còn phải phụ thuộc vào sự đón nhận của những người lớn bên cạnh các con. Trong đó thầy cô, cha mẹ, bạn bè rất quan trọng. Nếu gần gũi và có phương pháp sẽ tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Ngữ Văn, môn thi không mơ hồ như đồn đoán

Trong 3 môn thi vào 10, môn Ngữ Văn thường khiến các thí sinh lo lắng hơn cả vì những lý do như "không thể viết dài" hay "liệu người chấm có cảm tính?".

Cô Ngọc Hà khẳng định, giọng văn riêng, cảm xúc văn chương khác nhau nhưng đều qua chuẩn kiến thức trong đề bài, đáp án. Không quan trọng viết dài hay ngắn mà cần đúng, đủ, chính xác: đúng nội dung, đủ dung lượng, chính xác yêu cầu. Vì thế các bạn lớp 9 cứ ôn luyện chắc chắn kiến thức, kĩ năng và tự tin làm bài, yên tâm ở sự công tâm của người chấm, sự chỉ đạo sát sao các khâu tổ chức kì thi để có được kết quả đúng với những nỗ lực, cố gắng của các em trong khoảng thời gian dài.

Môn Ngữ Văn, thay vì cắm cúi viết hết đoạn văn này đến đoạn văn khác, thí sinh cần tìm ra “công thức” hoặc lập ý viết đoạn văn được xem như phương thức đem lại hiệu quả. Ôn tập, luyện đề theo tác phẩm. Ví dụ mỗi ngày ôn lại 3 tác phẩm, luyện các đề về các tác phẩm đó, học đâu kĩ đấy.

Việc trình bày bài thi môn Ngữ Văn, theo cô Ngọc Hà có quy tắc nhằm đạt điểm tối ưu. Để làm bài tốt, các em không được quên bước phân tích đề. Trong bước này, thí sinh nên gạch ra những yêu cầu quan trọng của đề bài. Ví dụ đối với đề bài viết đoạn văn nghị luận văn học (trong phần I theo cấu trúc đề thi vào 10 môn Ngữ văn của TP. Hà Nội), cần gạch ra các thông tin như: Hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp), dung lượng đoạn văn, phạm vi ngữ liệu, nội dung chính của đoạn văn, yêu cầu về kiến thức tiếng Việt. Hay câu hỏi viết đoạn nghị luận xã hội, xác định chính xác vấn đề mới lập luận đúng, ghi điểm.

Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt. Học sinh cần cân đối thời gian, không quá sa đà vào một câu nào đó, dành nhiều thời gian hơn cho những câu chiếm trọng số điểm lớn.

Trình bày cẩn thận, tránh tẩy xóa, trả lời gọn, rõ ý câu hỏi đọc hiểu. Nếu có áp dụng nguyên tắc dễ trước, khó sau thì theo phần lớn hoặc các mục nhỏ trong mỗi phần, tránh làm các câu dễ của 2 phần rồi lại quay làm các câu khó của hai phần, dễ bỏ sót.

Làm gì giai đoạn nước rút?

Thời điểm có thể đếm ngược để thực sự bước vào kì thi khắc nghiệt gần như là đầu tiên trong cuộc đời với nhiều học sinh như lúc này rất cần một lịch học tập, nghỉ ngơi khoa học và điều độ. Tuyệt đối không thức quá khuya, ngủ trước 23h. Nếu không cân đối được thời gian giữa học tập với nghỉ ngơi, các em sẽ không đảm bảo sức khỏe, sự tỉnh táo để tiếp thu kiến thức.

"Có những bạn ốm ngay trước ngày thi vì thời gian liên tục thức quá khuya, đành lỡ cả kì thi với công sức cả năm bỏ ra cùng nhiều kì vọng", cô Hà cho biết.

Khoảng thời gian “nước rút” học sinh sẽ có tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Nhiều em học theo kiểu cày ngày, cày đêm để mong ghi nhớ được thật nhiều kiến thức.

Cô Đặng Thị Ngọc Hà (bên trái ảnh) chia sẻ cùng phụ huynh và học sinh tâm thế và những chuẩn bị cho kì thi vào 10 tại phòng thu VOV2.

Tuy nhiên, theo cô Ngọc Hà, để thu được hiệu quả các em cần có phương pháp ôn tập hợp lý. Trước hết mỗi bạn cần đặt ra kế hoạch, những mục tiêu nhỏ để đạt được mục tiêu lớn; thực hiện đúng theo kế hoạch đã đặt ra. Thay vì học kiến thức một cách dàn trải, các em tổng hợp kiến thức một cách cô đọng nhất, sơ đồ hóa kiến thức.

Những lúc căng thẳng, nếu cứ tiếp tục ngồi học sẽ khó tiếp thu và mất thời gian. Thời gian ấy, các em có thể thư giãn bằng cách xem những chương trình giải trí yêu thích, cập nhật một vài nội dung thời sự…Điều này giúp các em tích lũy kiến thức xã hội, sưu tập những dẫn chứng xã hội phù hợp với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội.

Các em thí sinh cần xây dựng kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện nó một cách nghiêm túc, tự giác, phải xác định mục tiêu của mình, học đúng trọng tâm và chất lượng.

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa cho bước ngoặt lớn đầu đời cô bé, cậu bé tuổi 15, cô Ngọc Hà chia sẻ một vài chiêu thức để đạt điểm rơi phong độ tốt nhất.

Thứ nhất các em không chủ quan, học kĩ kiến thức nhưng không hoang mang, nắm chắc kiến thức rất cơ bản.

Thứ hai phải có thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa học tập – nghỉ ngơi thư giãn, và ăn uống điều độ.

Và cuối cùng cần tâm lý vững vàng: tự tin thi, bản lĩnh đón nhận kết quả vì nhiều cánh cửa cuộc đời khép mở với mỗi người, cố gắng hết mình để không hối tiếc.

Với một kỳ thi được coi là “khốc liệt”, chuẩn bị tâm thế đón nhận kết quả chưa vừa ý nên xem như điều cần thiết không chỉ với các con mà với cả phụ huynh.

“Cho tôi xin mượn lời thơ đã viết cho học trò lớp 9 sau kì thi vào 10 gửi tới phụ huynh có con sắp tới sẽ thi vào 10:15 tuổi, đây mới là ngã rẽ, bước ngoặt đầu tiên trong rất nhiều bước ngoặt lớn của cuộc đời sau này. Và các bậc phụ huynh hãy yêu, thương tuổi 15 của con không phải bằng áp lực, kì vọng mà cho con cảm giác bình yên dù kết quả thế nào đi nữa.”- Cô Ngọc Hà chia sẻ.

Bài thơ cô Ngọc Hà chia sẻ tới phụ huynh:

Thi xong rồi mệt lắm phải không con?

Mẹ đứng ngoài cũng phấp phỏng chờ đợi

Tiếng trống giờ tan là mẹ vội vàng tới

Đón con về, chia sớt những buồn vui

Thi xong rồi, lo lắng vẫn chưa thôi

Bài toán câu văn còn rối bời dang dở

Nước mắt trực chờ, môi mím chặt làn môi

Con ạ! Chỉ là một nhịp bước mà thôi

Để mai sau con vững đời rộng mở

Cứ vui đùa rực rỡ tuổi 15

Một lần học thấm vinh quang từ thất bại

Đã đi rồi nếu có quay nhìn lại

Cũng chỉ để mình thấy phải mạnh mẽ hơn

Và một điều mẹ muốn con đừng quên

Khoảng trời bình yên: nhà mình luôn mở cửa

Đón con về, mặc trời mưa, gió!

Ý Dịu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-bi-kip-cho-giai-doan-nuoc-rut-thi-vao-lop-10-post1023991.vov