Những bí mật về xe tăng Challenger 2 tham chiến ở Ukraine

Việc hai chiếc xe tăng Challenger-2 mà Anh viện trợ cho Ukraine bị phá hủy trên chiến trường Ukraine gần đây, đã làm truyền thông quốc tế dậy sóng.

Theo tờ Defence-ua , xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger-2 do Anh cung cấp cho quân đội Ukraine đã bị tên lửa chống tăng của Nga phá hủy. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu và được truyền thông Nga cũng như phương Tây đưa tin rộng rãi.

Điều thú vị là truyền thông phương Tây đưa tin về vụ việc này như thể họ đã giành được một thắng lợi lớn. Nhưng trên thực tế, có hai điều đằng sau Challenger-2 mà họ sẽ không bao giờ nói cho độc giả biết; vậy đó là những bí mật gì?

Trước hết chúng ta hãy xem tại sao truyền thông quốc tế lại coi trọng vấn đề này? Trước hết, bởi xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger-2 hiện là loại xe tăng nặng nhất ở phương Tây hay nói cách khác là nhất thế giới, với trọng lượng 75 tấn.

Theo tuyên truyền của phương Tây (đặc biệt là của Anh), Challenger 2 tự nhận là xe tăng chiến đấu chủ lực có hiệu suất bảo vệ tốt nhất thế giới, và bộ giáp Chobham rất OK. Vì vậy, sau khi chiếc Challenger 2 bị phá hủy, cả truyền thông Nga và phương Tây đều rất chú ý đến nó, vì nó mang ý nghĩa biểu tượng nhất định.

Mọi người đều có thể hiểu việc đưa tin của truyền thông Nga, nhưng truyền thông phương Tây cũng đưa tin rộng rãi; như thể phương Tây đã giành được thắng lợi lớn, như thể xe tăng Nga bị hạ gục... Không phải truyền thông phương Tây “minh bạch”, mà trên thực tế, việc đưa tin của họ là để “nâng tầm” Challenger-2.

Truyền thông phương Tây mô tả như thế nào? Trong lần đầu tiên, mặc dù chiếc Challenger 2 bị phá hủy, nhưng cả 4 thành viên tổ lái đều sống sót. Theo truyền thông Anh, chiếc Challenger 2 đầu tiên chạy qua bãi mìn và bị tê liệt, sau đó tổ lái được sơ tán và cuối cùng chiếc xe tăng bị tên lửa chống tăng của Nga phá hủy. Họ nói rằng, kíp xe còn sống, điều đó có nghĩa là khả năng phòng thủ của Challenger 2 là “rất tốt”.

Điểm thứ hai là truyền thông phương Tây so sánh Challenger 2 với xe tăng Nga. Người ta nói rằng dù Challenger-2 bị phá hủy nhưng đạn không nổ và tháp pháo “không bay”. Mặt khác, xe tăng Nga đặt toàn bộ đạn pháo vào bên trong thùng xe và vào một máy nạp đạn tự động gọi là "băng chuyền", và pháo thủ "ngồi" trên máy nạp đạn tự động.

Và lẽ tất nhiên là xe tăng Nga có rất nhiều đạn trong tháp pháo; khoang chứa đạn không được chia ngăn tách biệt, một khi xe bị bắn trúng sẽ khiến đạn nổ tung, hất văng cả tháp pháo và kíp xe khó toàn mạng.

Nhưng có thể thấy rằng, mặc dù lần này Challenger-2 bị phá hủy nhưng đạn pháo vẫn ổn và tháp pháo của xe tăng không bị thổi bay. Nó cho thấy ý tưởng thiết kế xe tăng của phương Tây bảo vệ kíp lái tốt hơn.

Tờ Sohu của Trung Quốc bình luận rằng, có hai điều mà truyền thông phương Tây sẽ không nói cho độc giả biết. Điểm đầu tiên là việc xe tăng cán phải mìn trên chiến trường là chuyện quá bình thường, thành viên xe tăng không bị thương hay thiệt mạng cũng là chuyện bình thường; đây không phải là bằng sáng chế của xe tăng phương Tây.

Rất hiếm khi xe tăng cán phải mìn và giết chết được toàn bộ kíp xe; trên chiến trường Ukraine, xe tăng Nga và Ukraine trúng quá nhiều mìn, nhưng thường là đứt xích xe và các bánh xe chịu nặng bị thiệt hại. Nhưng lần này sau khi Challenger-2 lao qua mìn, thùng nhiên liệu phía sau đã bị nổ tung và bốc cháy, điều này cho thấy khả năng bảo vệ của Challenger 2 thực sự không tương xứng với trọng lượng của chiếc xe.

Điểm thứ hai là cái gọi là việc chia đạn thành từng ngăn được phương Tây chủ trương. Thực tế, một số xe tăng phương Tây như dòng M1 Abram đều bỏ toàn bộ đạn pháo vào khoang đạn ở đuôi tháp pháo, bên trong khoang đuôi có cửa chống nổ và tấm giảm áp ở phần trên khoang đuôi.

Khi bắn, pháo thủ nạp đạn mở cửa chống nổ để lấy đạn và đóng cửa chống nổ sau khi lấy đạn. Một khi đạn ở khoang đuôi bị bắn trúng, sóng xung kích và khí nổ sẽ thoát ra khỏi xe thông qua tấm giảm áp. Trong quá trình thử nghiệm, tổ lái sẽ không gặp nguy hiểm và tháp pháo sẽ không trở thành “tháp pháo bay”.

Nhưng trên thực tế, không phải tất cả xe tăng thế hệ thứ ba ở phương Tây đều áp dụng công nghệ này và có rất ít xe tăng được chia ngăn hoàn toàn. Challenger-2 không có ngăn chứa đạn, do đạn pháo tăng của Challenger-2 được nạp phân chia (nạp rời) - nghĩa là đầu đạn được tách ra khỏi liều thuốc phóng.

Do Challenger 2 không sử dụng máy nạp đạn tự động, nên khi nạp đạn, đầu đạn được nạp trước, sau đó mới nạp liều phóng, điều này sẽ làm giảm đáng kể tốc độ bắn. Đầu đạn của đạn xuyên giáp không có thuốc nổ, nó gồm một thanh kim loại lớn nên được gọi là đạn xuyên giáp thanh xuyên.

Cách đây một thời gian, người ta nói rằng Challenger 2 đã sử dụng đạn xuyên giáp có lõi bằng uranium nghèo, có nghĩa là thanh kim loại được làm bằng uranium nghèo. Đầu đạn như vậy được đặt trong tháp pháo của Challenger-2, vì người ta thường cho rằng, tháp pháo tương đối cao, dễ bị bắn trúng; nhưng cho dù có bắn trúng, thì loại đầu đạn này cũng sẽ không nổ.

Tuy nhiên, phần liều phóng, đầu đạn nổ phá chống bộ binh và đạn lõm xuyên giáp được đóng gói trong thùng chứa, sau đó đưa vào khoang xe. Những loại đạn này được đặt trong khoang chiến đấu mà không cần khoang riêng. Một khi xe trúng đạn, nó vẫn sẽ nổ.

Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, xe tăng Challenger-2 của Anh đã bị chính một chiếc xe tăng Challenger-2 khác bắn trúng, khiến đạn nổ và tháp pháo bị thổi bay khỏi thân xe; hai lính Anh ngồi trên xe lúc đó đã tử vong.

Không phải tất cả các xe tăng phương Tây khác đều áp dụng tách hẳn khoang đạn. Ví dụ như xe tăng Leopard-2, một phần nhỏ đạn pháo được đặt ở ngăn bên trái khoang đuôi tháp pháo, nhưng phần lớn đạn vẫn được đặt ở bên trái thùng xe, và phần này của đạn chưa được chia ngăn.

Ngay cả những chiếc xe tăng như dòng M1 Abram sử dụng khoang chứa đạn cũng có những điểm yếu riêng. Bởi trên chiến trường Ukraine, các mối đe dọa đến từ mọi hướng; những quả bom lảng vảng như UAV Lancet có thể dễ dàng xuyên thủng và phá hủy khoang đuôi tháp pháo, khiến đạn trong khoang phát nổ.

Điều khủng khiếp hơn là tấm giảm áp và cửa chống nổ ở khoang đuôi tháp pháo sẽ phát huy tác dụng khi thuốc phóng được kích hoạt (vì tốc độ nổ của thuốc phóng chậm), nếu bố trí thêm đầu đạn có sức nổ mạnh thì tấm giảm áp và cửa chống nổ cũng không có tác dụng, người ngồi trong xe sẽ chết.

Vậy nên, việc cho rằng tất cả xe tăng phương Tây đều sử dụng khoang chứa đạn tách rời nên có độ an toàn cao, đó là một kết luận sai lầm. Khả năng sống sót của xe tăng trên chiến trường Ukraine, phụ thuộc rất nhiều vào thứ vũ khí chống tăng mà nó phải đối đầu vị trí bị đánh trúng và thiết kế của từng loại xe tăng.

Xe tăng Challenger 2 của Ukraine xuất hiện trên hướng chiến trường Zaporizhia hồi cuối tháng 5/2023. Nguồn Bulgarian Military

Tiến Minh (theo Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-bi-mat-ve-xe-tang-challenger-2-tham-chien-o-ukraine-1899154.html