Những biến chứng thường gặp do sán lợn gây nên

Trong trường hợp nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù-TS Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Hơn 200 trẻ dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn

Xuất phát từ một video của phụ huynh đăng bữa ăn ở Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có thịt lợn nhiễm sán, các phụ huynh bắt đầu đưa con đến Hà Nội làm xét nghiệm. Hai BV được chọn là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương. Số lượng phụ huynh đưa con đến xét nghiệm ngày càng đông, các BV đã phải tăng cường cán bộ y tế, bác sỹ để làm xét nghiệm. Tính đến chiều 17-3, trong số khoảng 2.000 trẻ được xét nghiệm máu, xét nghiệm huyết thanh tại 2 BV trên cho kết quả 209 trẻ dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn.

Theo Bác sỹ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, trong 2 ngày 15 và 16-3, Viện đã khám, làm xét nghiệm cho 692 trẻ đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cộng dồn kết quả trong hai ngày, có 75 trường hợp dương tính với sán lợn. Sang ngày 17-3, số lượng trẻ Bắc Ninh đến khám đã giảm 1/2 so với hôm trước với 231 cháu. Kết quả cuối giờ chiều ghi nhận có 27 trường hợp dương tính với sán lợn. Như vậy, trong bốn ngày qua, đã có 107 trường hợp dương tính với sán lợn qua xét nghiệm trong ngày tại Viện Sốt rét.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 17-3 cũng đón tiếp khoảng 200 trẻ từ Bắc Ninh đến làm xét nghiệm. Các bé được xét nghiệm sán lợn và một số ký sinh trùng khác như giun đũa chó mèo. BV tiếp tục sử dụng hội trường để khám và lấy máu xét nghiệm cho các gia đình có nhu cầu.

Đến tối 17-3, kết quả xét nghiệm cho 461 mẫu của ngày 16-3 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định chắc chắn 58 mẫu dương tính. Một số mẫu nghi ngờ sẽ chạy lại lần ba để có thể khẳng định thêm. Như vậy, kết quả hai ngày xét nghiệm tại BV là 102 ca dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn.

Đại diện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sơ bộ tỷ lệ dương tính với sán lợn dao động trung bình khoảng từ 10%-15% tùy thuộc các xã khác nhau. BV sẽ chạy tiếp nhóm giun sán thứ ba để đánh giá khả năng dương tính chéo giữa các loại ký sinh trùng trước khi đưa ra kết quả chính xác cuối cùng.

Như vậy hết ngày 17-3 đã có khoảng 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xét nghiệm tại 2 BV trên. Tổng số trường hợp dương tính với sán lợn trong mấy ngày vừa qua tại 2 BV là 209 cháu.

Trẻ được bố mẹ cho đi xét nghiệm sán lợn tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: T.A)

Trẻ được bố mẹ cho đi xét nghiệm sán lợn tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: T.A)

Trẻ dương tính nhưng chưa nghiêm trọng

GS-TS Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trước hết đây không phải như ngộ độc thực phẩm bệnh nhân khám ồ ạt mà là khám sức khỏe bình thường. Các cháu hầu như không có triệu chứng gì mà sự việc xuất phát từ 3 bà mẹ đưa lên mạng tạo làn sóng, những phụ huynh khác nghi ngờ con có thể nhiễm sán lợn gạo nên đã đưa con đến xét nghiệm. Trước mắt phụ huynh hoàn toàn bình tĩnh vì bệnh không cấp tính, không ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu nghi ngờ con bị nhiễm giun sán thì đến BV xét nghiệm.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Quang Thiều, kết quả dương tính là tiêu chuẩn để chẩn đoán các cháu đã từng nhiễm bệnh. Các cháu bé đến khám hiện nay có dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn nhưng chưa có gì nghiêm trọng. Qua khám lâm sàng, các cháu bé vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì của bệnh. Chúng tôi có hẹn các gia đình hai tuần sau tái khám để Viện làm thêm các xét nghiệm, theo dõi xem tình trạng thực tế của bệnh nhân để quyết định điều trị hay không.

Bác Sỹ Nguyễn Quang Thiều cho biết, ngày 17-3 Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chính đã có buổi làm việc tại Viện Sốt rét-ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh hiện cũng đã có phương án hỗ trợ người dân tại đây bằng việc lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện.

"Chúng tôi cũng đã nhận được chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng trong việc phối hợp với Bắc Ninh để tiến hành xét nghiệm. Chúng tôi cũng đang trao đổi về các hoạt động hỗ trợ, trước mắt là lấy mẫu xét nghiệm về viện làm để bà con không phải tốn kém lên Hà Nội khám. Tới đây, chúng tôi sẽ có những hoạt động điều tra về môi trường cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn".

Về hoạt động hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong làm xét nghiệm, cán bộ y tế sẽ lấy mẫu và ghi mã số gửi tới Viện. "Chúng tôi khẳng định không có chuyện làm sai kết quả xét nghiệm của các cháu bé khi lấy mẫu từ Bắc Ninh gửi về. Còn những bệnh nhân ở Bắc Ninh nếu có nhu cầu đến khám và xét nghiệm tại Viện, chúng tôi vẫn đón tiếp và làm xét nghiệm bình thường”, Phó Viện trưởng Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Các biện pháp phòng bệnh sán lợn

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo có ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh, thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, TP có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn có các thể hiện bao gồm: Bệnh ấu trùng sán lợn hình thành do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Thể tiếp theo là bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

“Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù”, TS Nguyễn Văn Kính cho biết.

Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-bien-chung-thuong-gap-do-san-lon-gay-nen-140650.html