Những biến thái ngờ nghệch của "team-work" sinh viên

- "Team work" (làm việc nhóm) là một trong những kỹ năng làm việc hiện đại mà sinh viên cần trang bị trước khi tốt nghiệp. Với sinh viên đầy đam mê và sáng tạo, những nhóm làm việc đạt hiệu quả lý tưởng như thế đang là câu chuyện của mỗi ngày đến lớp. Nhưng không ít biến thái của cách làm việc này khiến các cộng sự thực sự...oải.

Những "cây tầm gửi chính hiệu" Nhắc đến cái tên P. trong lớp Báo chí của Trường ĐHKHXH&NV, không ít bạn lắc đầu ngán ngẩm. Điệp khúc quen thuộc của bạn khi lên lớp là lấy sách ra để… gối đầu ngủ, thường xuyên “mượn bài tham khảo” khi tới sát ngày nộp. Đặc biệt, lơ mơ không biết mình thuộc nhóm nào là căn bệnh trầm kha. Khi các nhóm chuẩn bị lên danh sách thành viên và nộp bài thì cũng là lúc cậu gửi thông điệp khắp nơi xin “gia nhập nhóm”. Không đến mức bàng quang,. nhưng cô nàng “bận rộn” có tên Hải Yến cùng trường lại có cách làm việc nhóm bằng… điện thoại di động. Những buổi làm việc nhóm, khi các thành viên khác đã đến đông đủ thì sự hiện diện của cô là những tin nhắn ngắn gọn: “Nhóm trưởng à, tớ có việc đột xuất, không đến được. Hôm nay nhóm mình bàn về … phải không? Tớ có ý kiến thế này…Các bạn thông cảm nhá!”. Lối làm việc “dây máu ăn phần” như vậy đã thành chuyên môn của cô nàng chỉ có thời gian dành cho việc buôn sim số đẹp. Thu Trang, sinh viên ĐHKHXH&NV tâm sự: “Nhiều lần, mình phải làm việc với những bạn quá hời hợt với công việc, đã không đi họp nhóm, giao việc không hoàn thành đúng hẹn, thậm chí làm qua quýt rồi không làm. Nhưng khi bị các thành viên khác nhắc nhở, bạn ấy lại hờn dỗi, tự ái, thậm chí là to tiếng cãi nhau nữa. Những lúc như thế, không khí làm việc ức chế lắm.” Kim Dung, bạn cùng lớp của Trang còn kể: “Mình làm nhóm trưởng, đến việc hẹn các bạn ấy họp nhóm còn khó như lên trời. Là sinh viên nhưng mình có cảm giác các bạn ấy ưu tiên những việc khác hơn việc học, nhất là học nhóm. Có bạn còn “hồn nhiên” bảo với mình: cuối tuần nay tao về quê rồi, việc nhóm là của chúng mày đấy. Đúng là bó tay!” Những nhóm làm việc…cá nhân Cá nhân tầm gửi lười biếng thì sẽ ảnh hưởng đến một phần trong toàn bộ công việc của nhóm. Nhưng khi nhóm là tập hợp những thành viên lười biếng, ngại làm việc thì lối làm việc theo kiểu cá nhân là cách nhanh nhất để kết thúc bài tập nhóm. Làm việc nhóm theo kiểu cá nhân có nhiều kiểu. Trong đó, phổ biến nhất là kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”, “một người làm, muôn người hưởng”. Thông thường, kẻ kéo cày là nhóm trưởng. Với Phương Thúy, sinh viên ĐH Lao động-xã hội, “thâm niên” làm nhóm trưởng của cô kéo dài mấy qua mấy “nhiệm kỳ” thì cũng bằng ngần ấy lần cô phải đơn thương độc mã làm bài cho cả nhóm. Thúy có học lực tốt nên ở trong nhóm nào, cô cũng được tín nhiệm “làm nhóm trưởng”. Nhiều đêm, để hoàn thành hết số bài tập nhóm ở nhiều môn một lúc, Thúy phải thức đến 2 - 3h sáng. Cô tâm sự: “Các bạn ấy có làm và nộp lại cho mình cũng bằng không. Toàn là copy trên mạng, chép từ sách ra theo kiểu tài liệu “nguyên thủy”, mà mình cần đó là sự phân tích của các bạn trong mỗi phần được phân công.” Ngồi nhào nặn lại toàn bộ những tài liệu được copy qua loa ấy khiến Thúy phát chán, thà tự mình làm cả cho xong. Lớp của Khang, ĐH Công đoàn có “truyền thống” con trai làm nhóm với con trai. Thế là họp nhóm trở thành dịp để tụ tập chơi bời, ăn uống no say. Khi các thành viên khác đã lăn ra ngủ thì công việc là phần dành cho thành viên nào uống chưa đủ độ, chưa ngủ được. Nhóm của Phương Nga, ĐH Kinh tế quốc dân lại làm theo kiểu chia ra mỗi người một phần, tự làm ở nhà và cuối cùng gửi cho nhóm trưởng để “lắp ráp” lại thành một bài hoàn chỉnh. Theo Nga, đây là cách nhanh gọn, nhẹ nhàng, vừa không phải họp nhóm, bàn luận mất thời gian. Tuy vậy, không phải các thành viên thiếu nhiệt tình, thờ ơ với bài tập thì những cá nhân còn lại mới gồng mình để “cứu cả thuyền”. Nhiều khi, những cá nhân “quá xuất sắc” trong nhóm cũng tự chiến đấu một mình. Hương, ĐHKHXH&NV cảm thấy thật xui xẻo khi phải cùng nhóm với một nhóm trưởng “quá giỏi”. Nhóm trưởng của Hương vừa học vừa làm nên có kinh nghiệm thực tế về ngành đang học. Khi phân nhóm, mặc cho các thành viên khác gửi e-mail, goi điện để biết kế hoạch làm việc, cô trưởng nhóm chẳng nói một lời. Đến ngày nộp bài, chỉ nghe trưởng nhóm nói ngắn gọn: "Bài này chả có gì nên tớ làm luôn cho đỡ mất thời gian!". “Cả học kỳ làm việc nhóm cùng nhau nhưng các thành viên khác chưa bao giờ liên lạc được với bạn ấy. Đến ngày cuối cùng bận quá không có thời gian làm mới chia việc cho người khác. Tất cả do bạn ấy sắp xếp và quyết định, chẳng tôn trọng ý kiến của ai cả. Có thể bạn ấy quá giỏi rồi nhưng các thành viên khác cần phải học chứ!” - Hương không giấu nổi sự bực mình. Mong được học cách làm việc nhóm chuyên nghiệp Thu Trang, ĐHKHXH&NV tâm sự: “Làm trưởng nhóm mà không tạo được hứng thú làm việc cho các bạn, mình thấy buồn lắm. Nhưng một phần cũng vì các bạn quá thiếu ý thức”. Hoàng Hà, Chu Quân (ĐH Ngoại thương) đều từng là những trưởng nhóm kỳ cựu nhưng đôi khi gặp phải những thành viên ỷ lại, cũng thú nhận rằng, không biết phải làm thế nào, đành cho vào danh sách, coi như “cứu vớt một linh hồn”! Hai bạn cho rằng làm việc nhóm cần đến rất nhiều kỹ năng mềm mà sinh viên chưa được đào tạo. Với Thu Trang, "inh viên nên được học kỹ năng làm việc nhóm như một môn học trong chương trình học, để biết cách làm và giải quyết những tình huống phát sinh. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì ra trường mình mới có mất!” Hiện nay, rất ít trường đại học đào tạo kỹ năng này cho sinh viên. Nếu có thì đó thường là một buổi hội thảo hay tư vấn. Hầu hết sinh viên chỉ tự tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trên các diễn đàn. Một số trường trên địa bàn Hà Nội đã rục rịch dạy kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên. Đào tạo kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên là một phương pháp có thể nâng cao chất lượng học tập. Nó vẫn là một môn học chờ đợi để được đầu tư, nhất là khi các trường ĐH đang dần chuyển sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay. Nguyễn Hường

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201003/Nhung-bien-thai-cua-teamwork-sinh-vien-900754/