Những 'bổ khuyết' văn học đáng trân trọng

Trong một vài năm trở lại đây, hoạt động nghiên cứu, phê bình đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt trong năm 2017, nhiều cuốn nghiên cứu, phê bình đã đoạt giải thưởng cao của các hội nghề nghiệp uy tín, như: 'Bóng người trong bóng núi' của Lê Thành Nghị đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; 'Trang sách mạch đời' của Phạm Khải đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội; 'Cuộc phiêu lưu của chữ' của Huỳnh Thu Hậu và 'Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ' của Phan Thị Thanh Thủy đoạt giải của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Và mới đây, Hội đồng Văn học TP Hồ Chí Minh đã trao giải thưởng duy nhất cho một công trình nghiên cứu phê bình: “Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết” của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy.

Đúng như lời đề dẫn của nhà nghiên cứu gạo cội Huỳnh Như Phương, văn chương phương Nam “tuy từ lâu không còn là “vành đai trắng” trong học thuật, nhưng vẫn còn những khoảng trống kêu gọi sự đầu tư tâm huyết và công sức của giới nghiên cứu” và để cho bức tranh văn học phương Nam ngày một thêm hoàn chỉnh, hai nhà nghiên cứu thuộc hai thế hệ khác nhau Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy đã thực sự “dấn thân”, công bố những kết quả nghiên cứu rất đáng trân trọng, giúp bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu, phê bình dần nhận rõ hơn diện mạo văn học phương Nam.

Nhìn vào bố cục, dễ nhận thấy hai tác giả đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu một cách bài bản, khoa học trên hai khía cạnh điểm và diện được phân bố trong hai phần của cuốn sách. Trong phần I "Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết", bên cạnh một số bài bàn về thể ký văn học Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, văn học trẻ và văn học thị trường ở TP Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ 21, hai tác giả dành phần lớn mối quan tâm của mình vào thể loại tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ 20 khi có đến hơn một nửa bài viết ở phần này bàn về vấn đề trên. Việc đi sâu vào thể loại này ở cột mốc quan trọng như đầu thế kỷ 20, theo chúng tôi, là một bước đi đúng với tinh thần “bổ khuyết” mà hai tác giả hướng đến. Sự xuất hiện của tiểu thuyết ở đầu thế kỷ 20 là một trong những “tham số” quan trọng đánh dấu sự chuyển mình từ hệ hình văn học trung đại sang hiện đại của văn học Việt Nam. Mặt khác, do những yếu tố khách quan và chủ quan, đây cũng là giai đoạn mà tư liệu, tài liệu văn học bị thất lạc, khuyết thiếu khá nhiều tạo ra những khó khăn nhất định cho việc nghiên cứu. Tinh thần “bổ khuyết ấy” được hai tác giả thể hiện qua việc phục dựng bức tranh tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ 20 trên hàng loạt cứ liệu quan trọng như: Trình bày quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ (bài “Quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20”); tiến hành phân loại (các bài “Tiểu thuyết lịch sử ở Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ 20”, “Tiểu thuyết hành động vào đầu thế kỷ 20 ở Nam Bộ”); bàn về ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài đối với tiểu thuyết Nam Bộ (bài “Ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài đối với sự hình thành và phát triển nền tiểu thuyết Quốc ngữ ở Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20”)… Trong mỗi bài viết, hai tác giả đều có những phát hiện đáng chú ý nhằm làm sáng tỏ một khía cạnh, một vấn đề vẫn thuộc diện tồn nghi hay không được chú ý, quan tâm đúng mức lâu nay hoặc từ trước đến nay vẫn có những nhận định chưa chuẩn xác. Ví như trong bài viết “Báo chí Quốc ngữ La tinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20”, hai tác giả đã chứng minh rằng, nhận định các tác phẩm (truyện ngắn và tiểu thuyết) của Hồ Biểu Chánh “chỉ là ấn phẩm của các nhà xuất bản ở Tiền Giang và Sài Gòn” của một số nhà nghiên cứu là không chính xác. Trên thực tế, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ra mắt bạn đọc lần đầu tiên là ở trên các báo Nông cổ mín đàm và Phụ nữ tân văn rồi mới được xuất bản thành sách chứ không phải là được in thành sách ngay từ đầu. Ở bài “Hà Hương phong nguyệt, quyển tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ”, nhờ có trong tay gần như đầy đủ các tập của cuốn tiểu thuyết có vị trí đặc biệt quan trọng này sau một hành trình truy tìm đầy “gian khổ”: Sau khi lục khắp “các thư viện ở Việt Nam, chỉ tìm được mỗi một tập thứ ba… Biết tác phẩm đã từng đăng báo Nông cổ mín đàm từ năm 1912, chúng tôi cũng đã tìm đọc… nhưng đáng tiếc là các số báo cũng không đầy đủ… cuối cùng đến đầu tháng 10-2014, nhờ sự giúp đỡ của các nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu tại Pháp… chúng tôi mới tìm được sáu tập đầu của tiểu thuyết này ở Thư viện Quốc gia Pháp”, hai tác giả đã “đính chính” lại nhiều thông tin về tác phẩm này vốn trước nay không chính xác trong các công trình, như: "Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh"; "Tiến trình văn nghệ miền Nam" của Nguyễn Q.Thắng; "Chân dung văn học" của Hoài Anh; "Từ điển tác gia văn xuôi Việt Nam" do Vũ Tuấn Anh và Bích Thu chủ biên; "Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ 20" của Trần Mạnh Thường.

Ở phần II "Chân dung một số nhà văn Nam Bộ", hai tác giả đã lần lượt điểm qua cuộc đời và sự nghiệp của những tác giả khá tiêu biểu, mang tính chất tiên phong, mở đường cho văn học Nam Bộ như Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Biến Ngũ Nhy… Vẫn theo xu hướng “bổ khuyết”, hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy tiếp tục cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu có giá trị. Ví như về nhà văn Trúc Hà, một tác giả trong nhóm văn chương "Hà Tiên tứ tuyệt", để xác định chính xác ngày mất của ông (7-11-1944), hai tác giả đã phải lăn lộn, đi điền dã rất nhiều và nhờ vào may mắn mới có được tư liệu chân xác: “Trước đây, không có sách vở nào ghi lại năm mất chính xác của Trúc Hà… Sau những nỗ lực tìm kiếm và rất nhiều tình cờ, chúng tôi may mắn hội ngộ những người thân của Trúc Hà… Căn cứ vào lá thư chia buồn của học giả Đào Duy Anh gửi cho bà Trúc Hà Lê Thị Thượng… mà gia đình còn cất giữ, chúng tôi xác minh được ngày mất của Trúc Hà như đã ghi ở trên” (trang 308).

Trên đây, chúng tôi chỉ trích dẫn một vài trong vô số những “bổ khuyết” có giá trị về văn học Nam Bộ trong công trình của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy. Bạn đọc sẽ tìm thấy cho mình những điều bổ ích, thú vị nhiều hơn nữa khi cầm trên tay công trình này. Có thể nói, "Văn chương phương Nam một vài bổ khuyết" là một mốc son trong sự nghiệp nghiên cứu của hai tác giả.

TÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-bo-khuyet-van-hoc-dang-tran-trong-532071