Những bộ phận vừa bẩn vừa độc của cá

Khi ăn cá, bạn cần loại bỏ các bộ phận nhiều chất bẩn, chất độc để tránh gây ảnh hưởng đến cơ thể.

Cá là món ăn tốt cho người bệnh nào?

Tim mạch, đái tháo đường
Người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ
Cả hai đáp án trên

PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết cá chứa nhiều chất dinh dưỡng cho sức khỏe như chất đạm, omega-3, vitamin, khoáng chất. Đây là món ăn tốt cho người bị bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ. So với đạm từ các loại thịt, đạm từ cá dễ hấp thu, tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh: Undercurrentnews.

Bộ phận này của cá dễ chứa trứng giun, sán:

Mật cá
Ruột cá
Mang cá

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, ruột cá có thể chứa vi sinh vật sống dưới nước hoặc ký sinh trùng như trứng sán, trứng giun và giun xoắn. Nếu cá bị ươn, ruột nhanh chóng phân hủy gây nhiễm độc cho thịt cá. Ảnh: Shutterstock.

Khi chế biến cá, bạn không nên làm vỡ bộ phận này:

Mật cá
Não cá
Vảy cá

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết mật cá chứa rất nhiều độc tố như tetrodotoxin, tác hại lên hệ thần kinh gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Ăn mật cá có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp. Khi chế biến, bạn nên tránh làm vỡ mật cá, không để dịch mật bắn vào mắt. Ảnh: Hoàng Giám.

Bộ phận nào vừa bẩn lại chứa nhiều độc tố?

Màng đen hoặc trắng ở bụng cá
Vảy cá
Bụng cá
Mang cá

Mang giống với phổi của động vật, là cơ quan hô hấp và chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, các loại cá sống ở vùng nước ô nhiễm kim loại nặng, thủy ngân, mang cũng trở thành nơi lưu trữ những độc tố này. Việc ăn phải mang cá chứa độc tố có thể khiến chất độc tích tụ vào cơ thể, lâu dần gây bệnh tật. Ảnh: Hoàng Giám.

Lớp màng đen hoặc trắng ở bụng cá chứa nhiều dinh dưỡng?

Đúng
Sai

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, lớp màng này có vai trò bao bọc, bảo vệ hệ thống nội tạng của cá. Lớp màng chứa các chất béo và nhiều vi khuẩn không tốt. Do đó, bạn cần loại bỏ lớp màng này khi mổ cá để làm sạch chất độc tồn dư và không gây tanh, hôi cho phần thịt. Ảnh: Hoàng Giám.

Lý do không nên ăn mắt và não cá?

Nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng
Ít chất dinh dưỡng
Nhiều axit béo không bão hòa

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bạn không nên ăn não và mắt các loại cá tầng đáy vì nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng, trong đó có thủy ngân, như cá kiếm, cá ngừ, cá vược, cá kình. Ảnh: Shutterstock.

Mẹo chọn cá ngon:

Có mang đỏ tươi, sờ mình cứng
Lấy ngón tay ấn vào thớ thịt thấy cứng và dinh dính là cá tươi
Mắt sáng và trong, vảy hoặc da sáng bóng lấp lánh
Cả 3 đáp án trên

Hãy chọn cá có mang đỏ tươi, sờ mình cứng. Nếu cá đã được cắt thành khoanh, lấy ngón tay ấn vào thớ thịt thấy cứng và dinh dính là cá tươi. Cá tươi ngon sẽ có mắt sáng và trong, vảy hoặc da sáng bóng lấp lánh như kim loại và sạch sẽ. Ngoài ra, cá tươi có mùi như nước sạch hoặc cảm giác hơi mặn. Không chọn những con cá có mùi khó chịu, quá tanh.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-bo-phan-vua-ban-vua-doc-cua-ca-post1464749.html