Những 'bông hồng đỏ' vùng dân tộc thiểu số (bài 3)

Bài 3: Để nhân lên những 'vườn hồng' tươi thắmĐBP - Còn hạn chế trong phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) là thực trạng chung ở tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ được khó khăn, vướng mắc, sẽ giúp các chi, đảng bộ cơ sở tìm được hướng tháo gỡ, giải pháp khắc phục, nâng cao và bền vững hơn nữa tỉ lệ đảng viên nói chung, đảng viên nữ người DTTS nói riêng.Bài 1: Những nữ đảng viên đi đâùBài 2: Ươm 'hạt giống đỏ'

Tham gia các chương trình, dự án, hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua sản xuất... giúp nâng cao nhận thức, sự tự tin, tinh thần tự chủ, vượt khó vươn lên cho phụ nữ vùng cao. Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Thái tham gia lớp dạy nghề “Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò” tại huyện Điện Biên. Ảnh: C.T.V

Tham gia các chương trình, dự án, hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua sản xuất... giúp nâng cao nhận thức, sự tự tin, tinh thần tự chủ, vượt khó vươn lên cho phụ nữ vùng cao. Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Thái tham gia lớp dạy nghề “Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò” tại huyện Điện Biên. Ảnh: C.T.V

Đặc thù vùng cao khó khăn

Xã Mường Pồn, huyện Điện Biên hiện có 75/211 đảng viên nữ; trong đó, 30 đảng viên nữ người DTTS phát triển từ thôn, bản. Địa bàn có 3 dân tộc chính: Thái, Mông, Khơ Mú. Đảng viên nữ hầu hết là dân tộc Thái. Đến năm 2016 mới kết nạp được đảng viên nữ người Khơ Mú đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại. Xã có 4 bản dân tộc Mông nhưng chưa gây dựng được nữ đảng viên nào. Ông Chào Anh Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Vì điều kiện địa bàn, phụ nữ đồng bào DTTS, nhất là các bản vùng cao, xa trung tâm, thường ít giao tiếp xã hội ngoài nơi mình sinh sống, trình độ học vấn thấp. Cùng với đó, nhiều chị em ở nông thôn dù có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng còn ngại, chưa có tư tưởng phấn đấu vào Đảng”.

Thực tế, các bản dân tộc Thái xã Mường Pồn sống tập trung khu vực trung tâm xã, điều kiện kinh tế thuận lợi hơn các bản đồng bào dân tộc Mông - đều ở trên núi cao, đường sá đi lại khó khăn, hạn chế về mọi mặt. Bởi vậy từ nhiều năm trước, việc phát triển đảng viên nữ người Thái đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện tại lại gặp những trở ngại mới. Bản Mường Pồn 2 là nơi có nhiều đảng viên nữ nhất xã, nhưng từ 2022 đến nay, Chi bộ không kết nạp thêm được đảng viên nữ và cũng “cạn” nguồn.

Ông Lò Văn Thiện, Bí thư Chi bộ Mường Pồn 2, bộc bạch: “Chi bộ có 8/19 đảng viên là nữ. Các chị em được phát hiện, bồi dưỡng chủ yếu từ chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội văn nghệ bản... Tuy nhiên từ năm ngoái, không có nữ đảng viên mới. Người trẻ thì học hết trung học là đi làm ăn xa ngoài địa bàn. Một số chị em lập gia đình, làm tại nhà, cũng tham gia tích cực nhiều hoạt động, thì trình độ văn hóa lại chưa hết lớp 9, không đủ tiêu chuẩn giới thiệu kết nạp Đảng. Hiện bản chỉ còn nguồn nam, cũng không còn quần chúng ưu tú nào là nữ”.

Ông Đỗ Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Điện Biên thẳng thắn chỉ ra: “Với đặc thù huyện miền núi, công tác phát triển Đảng viên gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đảng viên nữ là người DTTS; nguyên nhân do nhận thức của một số quần chúng về công tác phát triển Đảng còn hạn chế, chưa xác định được động cơ phấn đấu. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn phát triển đảng viên từ quần chúng là nữ DTTS gặp khó khăn, do một bộ phận quần chúng có trình độ văn hóa thấp, lập trường, tư tưởng chính trị chưa vững vàng; còn vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Nhiều thanh niên là lực lượng lao động chính trong gia đình, nên khi học xong THCS, THPT thì đi làm ăn xa, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên”.

Với 19,1% đảng viên nữ người DTTS trên tổng số đảng viên, huyện Tuần Giáo cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Quàng Văn Cương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy chia sẻ: “Phụ nữ vùng đồng bào DTTS chủ yếu làm nông nghiệp, còn tự ti, an phận nên không muốn vào Đảng, không muốn phát triển. Đặc biệt, đối với chi bộ nông thôn, việc kết nạp Đảng không gắn với các thành tích thi đua như ở các cơ quan, nhà trường nên nhiều quần chúng không mặn mà. Một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ và công tác phát triển đảng viên nữ. Việc phối hợp giữa hội phụ nữ và đoàn thanh niên ở một số nơi chưa chặt chẽ trong việc giới thiệu hội viên là nữ để tạo nguồn phát triển Đảng. Ở địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng phụ nữ tảo hôn còn nhiều, dẫn tới không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng”. Đây cũng là những khó khăn chung mà các địa bàn trên toàn tỉnh gặp phải trong công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Thấu hiểu những khó khăn trên, đi từ gốc rễ vấn đề, những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến nâng cao hiểu biết, nhận thức chính trị, thúc đẩy nữ giới, đặc biệt là nữ đồng bào DTTS học hỏi, tiến bộ. Đó là những chương trình, dự án, hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua ở cơ sở... để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia, rèn luyện, mở mang tri thức, tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Không chỉ vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, tập trung phát triển đảng viên là nữ trong hệ thống chính trị của tỉnh... Ngày 1/11/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 36/CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới. Ngày 10/2/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND, triển khai Đề án “Thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2020”...

Địa bàn huyện Mường Nhé có trên 93% dân số là đồng bào DTTS. Ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Với đặc thù đó, những năm qua địa phương luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, cán bộ người DTTS, nhất là nữ. Huyện hiện có 837/2.543 đảng viên là nữ, có 24 người là nữ đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong tổng số hơn 960 cán bộ công chức, viên chức người DTTS mà huyện quản lý (chiếm 2,4%). Ngày càng ghi nhận nhiều đảng viên, lãnh đạo nữ tiêu biểu, được đánh giá cao về năng lực và có sức lan tỏa, như: Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu; Lò Thị Nhâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Nhé; Lò Khay Nu, Bí thư Đoàn xã Sen Thượng…

Còn tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên như chia sẻ ở trên, hiện cũng có tiến triển mới trong phát triển đảng viên nữ dân tộc Mông và Khơ Mú nhờ chú trọng quan tâm và có giải pháp phù hợp. Mới đây, Chi bộ bản Pá Trả (100% đồng bào dân tộc Mông) đã giới thiệu 1 nữ - là chị Lầu Thị Mua, tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Chi bộ phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ để tiến tới xem xét giới thiệu kết nạp đảng cho chị Mua. Hiện chị Mua là quần chúng ưu tú nữ người Mông duy nhất của xã, tương lai có thể trở thành đảng viên nữ người Mông đầu tiên ở Mường Pồn.

Để có nguồn phát triển Đảng này, Mường Pồn đã tạo nhiều điều kiện cho Mua học hỏi và thể hiện năng lực. Trước đó, qua rà soát của Đảng ủy xã, Mua sinh năm 1990, tốt nghiệp trung cấp ngành tài chính, đã lập gia đình và làm nông nghiệp. Chị Mua được rèn luyện với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản. Đến năm 2021, chị Mua được bầu là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026, ở vị trí nào cũng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm. Còn đối với dân tộc Khơ Mú, sau khi kết nạp đảng viên nữ đầu tiên và chị được bầu giữ là Bí thư Chi bộ bản, thì đến nay Chi bộ đang bồi dưỡng, thử thách thêm 1 nữ quần chúng ưu tú.

Có thể thấy mỗi địa bàn có sự chú trọng và cách làm khác nhau để phát triển đảng viên nữ DTTS, nhưng để đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Đó cũng là điều mà Huyện ủy Tuần Giáo xác định. Ông Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Tuần Giáo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người DTTS, tạo niềm tin và động cơ để họ tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng. Nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư chi bộ thôn, bản về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ DTTS. Chỉ đạo các chi đảng bộ trực thuộc chủ động bồi dưỡng cho những quần chúng ưu tú xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được kết nạp Đảng; tích cực vận động, quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công tác xã hội, hoạt động tập thể, phong trào thi đua lao động, sản xuất. Cùng với việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên, huyện chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đoàn thể tập trung, rà soát, tạo nguồn kết nạp từ cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhất là quần chúng nữ, người DTTS...”

Xác định công tác phát triển đảng viên, đảng viên nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Cùng với giải pháp trên, thiết nghĩ cần khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị, các cấp ủy và tổ chức đảng; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… nhằm thu hút đoàn viên, hội viên tham gia; tạo thuận lợi cho các cấp hội làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện giải pháp nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, phát huy tinh thần tự chủ, vượt khó vươn lên... Từ đó, phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tích cực tạo nguồn để kết nạp đảng. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển ngành, nghề ở miền núi và đầu tư khai thác những lợi thế sẵn có để tạo việc làm cho lao động ngay tại địa phương... Từ đó nâng cao đời sống vật chất, trình độ văn hóa cho đồng bào nói chung, phụ nữ các dân tộc nói riêng, là điều kiện thuận lợi để tạo nguồn xem xét, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Để ở các địa bàn không chỉ có một vài “bông hồng đỏ” điểm xuyết, mà nhân lên những “vườn hồng” tươi thắm, tỏa hương.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206125/nhung-%E2%80%9Cbong-hong-do%E2%80%9D-vung-dan-toc-thieu-so-bai-3