Những 'bóng hồng' giúp 2 trùm cờ bạc rửa tiền hàng nghìn tỷ đồng ra sao?

Để có thể hợp thức hóa số tiền có được từ phạm tội tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã nhận được sự giúp sức từ các bóng hồng này.

Trong số các bị cáo nữ, Đoàn Thị Thu Hà (SN 1980) và Phan Thu Hương (SN 1961) cùng bị truy tố tội “Rửa tiền”, Lê Thị Lan Thanh (1981) bị truy tố tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Bị cáo Phan Thu Hương, dì ruột của Phan Sào Nam.

Rửa tiền từ BOT

Theo cáo trạng, Đoàn Thị Thu Hà là kế toán Công ty CP đầu tư UDIC do Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT (Công ty được Dương góp vốn nhằm mục đích rửa tiền từ số tiền hàng nghìn tỷ đồng do tổ chức đánh bạc mà có). Cuối 2015, Dương điều động Hà sang làm kế toán Công ty CNC.

Nữ nhân viên này được phân công tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, quản lý và thanh toán các chi phí liên quan đến các hạng mục trong hệ thống Rikvip do Công ty CNC và đối tác Công ty Giải pháp Việt thỏa thuận như: thuê tên miền, đầu số chăm sóc khách hàng, dịch vụ tin nhắn… Sau đó, Hà chuyển số tiền bất chính cho Dương.

VKSND tỉnh Phú Thọ còn cáo buộc Đoàn Thị Thu Hà giúp Nguyễn Văn Dương nâng khống vốn điều lệ góp vào UDIC lên. Từ đó, Dương được làm Chủ tịch HĐQT công ty này.

Sau khi nâng khống tiền, Hà giúp Dương lấy tiền thu lời bất chính từ tổ chức đánh bạc rồi hoàn trả vào Công ty UDIC. Từ đây, Nguyễn Văn Dương rửa tiền bằng việc góp 329 tỷ đồng vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Dì giúp cháu ruột rửa tiền

Đối với Phan Thu Hương, là dì ruột của Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Online), Phan Sào Nam chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương với tổng số tiền là 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.

Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đôla Mỹ rồi bán kiếm lời. Đến tháng 11/2016, Phan Thu Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh, với giá 28,470 tỷ đồng. Đến đầu năm 2017, Phan Thu Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45, Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, thành phố HCM với giá 270 tỷ đồng để đầu tư sinh lời.

Khi được Cơ quan điều tra triệu tập hỏi về nội dung trên, Phan Thu Hương không thừa nhận đang giữ số tiền mà Phan Sào Nam do phạm tội mà có mà cho rằng số tiến đó là Nam trả nợ cho Hương vì Nam vay trước đó nhưng không có căn cứ gì để chứng minh.

Sau nhiều lần Cơ quan điều tra đưa ra chứng cứ và thuyết phục không được, ngày 25/01/2018 Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Phan Thu Hương về tội Rửa tiền.

Tại Cơ quan điều tra, Phan Thu Hương khai báo bản thân đã có hành vi che giấu cho bị can Phan Sào Nam vì tình cảm dì cháu và đã nuôi Phan Sào Nam từ nhỏ nên không muốn Nam bị vào vòng lao lý.

Sau khi bị bắt và được giáo dục, thuyết phục, bị can đã nhận thức rõ sai phạm của mình. Đến nay, Hương và gia đình đã nộp được 22 tỷ đồng và tự nguyện xin bán nhà để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Phan Sào Nam (áo trắng) đứng trước bục khai báo và Nguyễn Văn Dương (áo khoác đen, đeo kính đứng bên phải).

Hưởng lợi hàng trăm tỷ từ mua bán hóa đơn

Đối với bị cáo Lê Thị Lan Thanh, quá trình điều tra xác định: Từ năm 2016 đến tháng 8/2017 Công ty GTS của Thanh đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 03 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone.

Tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Thanh là 7.128 tỷ đồng, trong đó: 03 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là: 1.049.588.214.650 đồng, nhà `mạng trả cho Công ty GTS: 6.079.050.285.350 đồng.

Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Lan Thanh đã thừa nhận số tiền 2.442 tỷ đồng đồng là tiền thanh toán đối soát giữa cổng thanh toán Công ty GTS với cổng thanh toán của Phạm Tuấn Anh - sinh năm 1982, là nhân viên Công ty CNC. Còn đối với số tiền 2.141 tỷ đồng thanh toán qua 04 tài khoản cá nhân của Lê Đình Soái, Thanh khai nhận có hình thức thanh toán này nhưng số tiền cụ thể là bao nhiêu thì Thanh không nhớ. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ để xác định các nhân viên của Công ty GTS đã chuyển cho Công ty CNC số tiền 4.583 tỷ đồng là tiền đối soát game bạc Rikvip.

Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan điều tra xác định Lê Thị Lan Thanh đã thực hiện kết nối cổng thanh toán của Công ty GTS với cổng thanh toán của Công ty CNC để vận hành, đối soát game bạc Rikvip, Tip.club. Thanh được hưởng lợi là: 182,850 tỷ đồng. Thanh khai nhận toàn bộ số tiền được hưởng lợi (tương đương 05% doanh số đối soát) đều được Thanh sử dụng hoạt động kinh doanh tại 05 Công ty của Thanh.

Để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC, Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Thị Dung- SN 1981, là nhân viên của Công ty GTS đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số: 5.135 tỷ đồng, mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone phát hành của 04 đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội để kê khai thuế đầu vào tại 05 Công ty của Lê Thị Lan Thanh gồm (Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam, Công ty THHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Công ty THHH truyền thông BIBO, Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET, Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác).

Như vậy, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc là 182,850 tỷ đồng. Ngoài ra Thanh còn được hưởng lợi bất chính 34 từ việc bán 14 tờ hóa đơn khống cho Công ty AHHA, đến nay Thanh chỉ nộp lại số tiền 34.654.145đ để khắc phục hậu quả vụ án.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-bong-hong-giup-2-trum-co-bac-rua-tien-hang-nghin-ty-dong-ra-sao-post281686.info